Vào rạng sáng ngày 8/1 (giờ địa phương), trong chiến dịch mang tên Martyr Soleimani, Iran đã phóng loạt tên lửa vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq để trả đũa vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani của nước này.
Sau vụ tấn công, Mỹ và Iran đều đưa ra những tuyên bố khác nhau về mức độ hủy diệt. Hãng thông tấn Fars News (Iran) cho biết, cuộc tấn công bằng tên lửa của Tehran đã gây ra thiệt hại nặng nề cho lực lượng Mỹ, khiến khoảng 80 lính Mỹ thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương.
Nguồn tin của Fars News tiết lộ, khoảng 20 vị trí nhạy cảm tại căn cứ của Mỹ bị 15 tên lửa bắn trúng và một số lượng lớn máy bay không người lái, máy bay trực thăng bị phá hủy.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran còn cảnh cáo, nếu quân đội Mỹ đáp trả, khoảng 100 vị trí quan trọng của Lầu Năm Góc ở khu vực sẽ trở thành mục tiêu của lực lượng này.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu mới nhất vào trưa ngày 8/1 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump khẳng định, cuộc tấn công của Iran không gây thương vong cho binh lính Mỹ và chỉ có một số tổn thất hạn chế tại các căn cứ.
Nhận định về điều này, ông Từ Quang Dụ, cố vấn cấp cao của Hiệp hội giải trừ vũ khí và kiểm soát vũ khí Trung Quốc, cho rằng cuộc phản công của Iran tương đối hạn chế.
Theo ông này, trước hết, Iran không muốn quyết chiến với Mỹ vì vụ ám sát tướng Soleimani và Iran cũng không có ý định chiến lược như vậy. Thứ hai, việc cộng đồng quốc tế hy vọng cả hai bên kiềm chế đã gây áp lực, tạo ra một số hạn chế cho Iran. Ngoài ra, Iran cũng hy vọng sẽ ngăn Tổng thống Trump tiến hành những động thái lớn hơn.
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, hành động quân sự của hai bên lần này có một đặc điểm cơ bản: Không xảy trên lãnh thổ Mỹ và Iran, và không bên nào sẵn sàng leo thang căng thẳng.
Ông suy đoán, nếu Tổng thống Trump muốn trả đũa, đó có thể là một đòn giáng vào lực lượng Iran ở nước ngoài và không chắc ông sẽ tận lực xuống tay.
Tuy nhiên, chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu, một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho rằng, cuộc phản công của Mỹ hiện như súng đã lên nòng. Theo thông lệ trước đây, trong đợt tấn công đầu tiên, quân đội Mỹ có thể sử dụng máy bay tàng hình hoặc tên lửa hành trình để tấn công các cơ sở quân sự quan trọng của quân đội Iran vào ban đêm.
Nếu Mỹ đủ kiềm chế, họ có thể không tấn công các kiến trúc mang tính biểu tượng, mang ý nghĩa chính trị của Iran. Quân đội Mỹ có lợi thế tuyệt đối về sức mạnh không quân, đây cũng là bước đột phá của Lầu Năm Góc.
Ông này dự đoán, không loại trừ trong hành động tiếp theo, thế giới có thể chứng kiến màn "quyết đấu" giữa chiến đấu cơ của không quân Mỹ với chiến đấu cơ của không quân Iran do Mỹ sản xuất.