Đê biển 7000 năm tuổi này chính là lời cảnh báo kinh hoàng về biến đổi khí hậu

Giang Vu |

Một đê biển 7000 năm tuổi đã được phát hiện ngoài khơi bờ biển Israel, cho đến nay đây được xem là lớp thành trì lâu đời nhất trên thế giới nhằm chống lại sự dâng cao của nước biển.

Dù cuối cùng bức tường chắn sóng này cũng thất bại khi nó không thể chống lại sức mạnh của thiên nhiên, ngôi làng thì bị bỏ hoang, nhưng đây là một bài học đáng giá đến từ quá khứ.

Khu khảo cổ Tel Hreiz nằm ngoài khơi bờ biển Carmel của Israel và từng là nơi trú ngụ của một cộng đồng dân cư sôi động thuộc thời Đồ đá mới. Vùng định cư Địa Trung Hải này đã phát triển mạnh mẽ hàng trăm năm, người dân biết săn bắt linh dương, hươu, chăn nuôi bò, lợn, đánh bắt cá, nuôi chó và sản xuất lượng lớn dầu ô liu.

Mọi chuyện có vẻ ổn, nhưng cộng đồng này hoàn toàn không nhận thức được về một thứ mà chúng ta đã quá quen thuộc ngày nay: hiện tượng băng tan. Nhưng nếu như con người ngày nay phải chịu trách nhiệm cho thảm họa khí hậu hiện tại, kéo theo đó là việc mực nước biển dâng cao, thì những cư dân thời Đồ đá mới này hoàn toàn vô tội.

Thế địa chất Pleistocene và kỷ băng hà sau cùng và lớn nhất đã kết thúc vài nghìn năm trước đó.

Đê biển 7000 năm tuổi này chính là lời cảnh báo kinh hoàng về biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Hình minh họa lát cắt ngang bề mặt cho thấy vị trí của ngôi làng ngập nước ngày nay (phía trên) và trong thời kỳ Đồ đá mới (phía dưới)

Dĩ nhiên, họ không thể biết điều đó, dẫu vậy những người đi khai hoang đã khôn ngoan xây dựng ngôi làng của mình ở độ cao 3 mét so với mực nước biển. Tuy nhiên, qua từng thế hệ, người dân dần nhận ra một điều đáng sợ: mực nước của Địa Trung Hải ngày càng cao hơn.

Thật vậy, theo một nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí khoa học PLOS One, mực nước biển dâng cao có thể nhận thấy được trong suốt tuổi thọ của một người, nó tăng ở mức đáng báo động 4mm đến 7mm một năm, hoặc là khoảng 70cm cứ sau 100 năm.

Không muốn phải rời khỏi nơi định cư trù phú của mình và để chống lại những cơn sóng dữ, tác động tàn phá của xói mòn, cư dân Tel Hreiz quyết định tự tay giải quyết vấn đề bằng cách xây dựng một đê biển dài 100m chạy song song với bờ biển.

Con đê này có thể hữu ích trong "ngày một ngày hai" nhưng về lâu dài thì không, và sau gần 500 năm định cư, người dân đã buộc phải từ bỏ ngôi làng.

Những khám phá trên được công bố mới đây trên tạp chí PLOS One, với sự hợp tác quốc tế của các nhà khoa học từ Đại học Haifa, Đại học Flinder ở Úc, Cơ quan Cổ vật Israel và Đại học Do Thái.

Bức tường biển, thứ mà ngày nay đã chìm sâu dưới 3 mét nước, đã được dựng nên cách đây 7000 năm, và giờ đây nó là hệ thống đê biển lâu đời nhất được biết đến theo hồ sơ khảo cổ học. Đây là một phát hiện đặc biệt, vì những cải tiến về hạ tầng như thế không còn xuất hiện trong khu vực này một lần nào nữa cho đến thời kỳ Đồ đồng và Đồ sắt.

Quan trọng hơn, nghiên cứu được dẫn đầu bởi nhà khảo cổ học Ehud Galili từ Đại học Haifa đã chỉ ra cuộc chiến đã có từ hàng ngàn năm của loài người nhằm chống lại ảnh hưởng của mực nước biển dâng cao.

Đê biển 7000 năm tuổi này chính là lời cảnh báo kinh hoàng về biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Mô hình thể hiện vị trí của ngôi làng so với bờ biển ngày nay

Khu vực Tel Hreiz ngập nước được phát hiện lần đầu vào những năm 1960, nhưng không được các nhà khảo cổ học tìm hiểu kỹ lưỡng cho đến gần đây. Kể từ năm 2012, địa điểm này đã mang đến nhiều cấu trúc kiến trúc, di tích, hài cốt của cả người và động vật, và bây giờ là bức tường chắn sóng cổ đại.

Như thông tin từ nghiên cứu, đê biển này đã được xây dựng bằng cách chồng các tảng đá cuội lớn lên nhau.

Theo đó, nó đòi hỏi rất nhiều nhân công và sự phối hợp để hoàn thành. Chiều dài của con đê, việc sử dụng các tảng đá lớn và sự sắp xếp cẩn thận trên bờ biển đã "phản ánh những nỗ lực kéo dài bằng ý niệm, tính tổ chức và xây dựng của cư dân thời Đồ đá mới", theo bài nghiên cứu.

Lẽ dĩ nhiên, bài học từ thời tiền sử này chính là một lời cảnh báo nghiêm trọng đến chúng ta ngày nay. Theo như ước tính của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), biến đổi khí hậu với tác nhân là con người được dự đoán sẽ khiến mực nước ở các đại dương tăng 1.7mm đến 3mm mỗi năm trong thế kỷ hiện tại.

Hậu quả này nhỏ hơn những gì đã trải qua trong thời Đồ đá mới, tuy nhiên mực nước biển dâng cao sẽ vẫn là vấn đề lớn đối với cộng đồng dân cư ven biển.

Chắc chắn, con người rồi sẽ xây nên những "tuyến phòng thủ trên biển" hiện đại hơn, nhưng giống như những gì tổ tiên thời Đồ đá mới của chúng ta đã phải chứng kiến, các đại dương luôn rất khốc liệt và không hề biết dừng lại. Giống như họ, chúng ta có thể phải miễn cưỡng từ bỏ cộng đồng gắn bó của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại