TIN XẤU:
1. NĂM 2020 DỰ BÁO LÀ NĂM NÓNG BẬC NHẤT LỊCH SỬ
Năm 2020 có khả năng là một trong những năm kỷ lục của nắng nóng, với dự báo nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình trước công nghiệp, theo ước tính từ MET (Văn phòng khí tượng của Anh).
Dự báo được dựa trên các quan sát về xu hướng những năm gần đây, một loạt các năm có mức tăng nhiệt độ cao hơn 1 độ C so với mức trước công nghiệp và mang theo những tác động mà các nhà khí tượng học gọi là dấu tay rõ ràng. Xu hướng đó có thể sẽ tiếp tục vào năm 2020.
Năm nóng nhất kể từ khi có các ghi chép về nhiệt độ năm 1850 cho đến nay là năm 2017, khi có hiệu ứng El Niño và những năm sau đó đã gần với kỷ lục.
5 năm lạnh nhất (màu xanh) và 5 năm nóng nhất (màu đỏ) từng được ghi nhận (Nguồn:Met Office)
"Các sự kiện tự nhiên, như sự nóng lên do El Niño gây ra ở Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến hệ thống khí hậu. Khi không có El Niño dự báo này đưa ra một bức tranh rõ ràng về yếu tố mạnh nhất khiến nhiệt độ tăng cao: Khí thải nhà kính.", Giáo sư Adam Scaife, người đứng đầu dự đoán tầm xa tại MET cho biết.
Nếu dự báo là chính xác, thế giới sẽ đến gần hơn với bờ vực của sự cố khí hậu vào năm 2020. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự nóng lên hơn 1,5 độ C so với mức trước công nghiệp sẽ có tác động nguy hại đối với khí hậu thế giới.
Năm đầu tiên chứng kiến nhiệt độ cao hơn 1 độ C so với mức trung bình từ năm 1850 đến 1900 là năm 2015, từ đó tốc độ thay đổi nhanh chóng. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, chúng ta có thể chạm ngưỡng 1,5 độ C trong vòng hai thập kỷ.
Phát thải khí nhà kính không có dấu hiệu giảm bớt: Nghiên cứu được công bố trong Hội nghị của Liên Hợp Quốc về khí hậu (COP25) hồi đầu tháng 12/2019 cho thấy lượng khí thải carbon hàng năm hiện cao hơn 4% so với năm 2015, khi hiệp định lịch sử về biến đổi khí hậu được ký kết ở Paris.
MET đã sử dụng các phương pháp tương tự vào năm 2018 để dự báo nhiệt độ năm 2019 và các quan sát trong năm nay cho thấy nhiệt độ ước tính của MET khá sát với thực tế. Dự báo cho năm 2020 là sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong khoảng từ 0,99 độ C đến 1,23 độ C, với mức trung bình là 1,11 độ C.
Nhiệt độ tăng không đồng đều trên toàn cầu, ở Bắc cực mức nhiệt tăng nhanh hơn nhiều so với mức trung bình.
2. BĂNG CỦA GREENLAND TAN NHANH HƠN 7 LẦN SO VỚI NHỮNG NĂM 1990
Băng ở Greenland đang tan với tốc độ chóng mặt. Ảnh: Internet
Dải băng của Greenland đang tan chảy nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, đe dọa hàng trăm triệu người bị ngập lụt và đưa một số tác động không thể đảo ngược của tình trạng khẩn cấp khí hậu đến gần hơn nhiều.
Theo dữ liệu của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu toàn cầu, băng đang bị mất từ Greenland nhanh hơn bảy lần so với những năm 1990, quy mô và tốc độ băng tan nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các nghiên cứu toàn diện về khoa học khí hậu toàn cầu.
Điều đó có nghĩa là mực nước biển dâng cao có khả năng đạt 67cm vào năm 2100, cao hơn khoảng 7cm so với dự đoán của IPCC. Tốc độ tăng như vậy sẽ khiến 400 triệu người có nguy cơ bị ngập lụt mỗi năm, thay vì 360 triệu người dự đoán bởi IPCC vào cuối thế kỷ.
Mực nước biển dâng cũng làm tăng nguy cơ nước dâng do bão khi những cơn bão dữ dội hơn có khả năng xảy ra bởi các khu vực ven biển cũng nóng lên do tác động của sự nóng lên toàn cầu. Những tác động này có khả năng tấn công các khu vực ven biển trên toàn thế giới.
Greenland đã mất 3,8 triệu tấn băng kể từ năm 1992 và tỷ lệ thất thoát băng đã tăng từ 33 tỷ tấn mỗi năm trong thập niên 1990 lên tới 254 tỷ tấn mỗi năm trong thập kỷ qua. Băng của Greenland đóng góp trực tiếp vào việc tăng mực nước biển khi nó tan chảy vì nó nằm trên một khối đất rộng lớn, không giống như băng biển nổi chiếm phần lớn của tảng băng Bắc Cực.
Khoảng một nửa khối lượng băng tan từ Greenland là do nhiệt độ bề mặt không khí đã tăng nhanh hơn nhiều ở Bắc Cực so với mức trung bình toàn cầu và phần nữa là do sự tăng tốc của dòng chảy băng xuống biển làm đại dương nóng lên.
Đại dương đã hấp thụ hầu hết nhiệt lượng và phần lớn CO2 phát sinh từ sự hỗn loạn khí hậu của chúng ta cho đến nay nhưng chúng đang đạt đến giới hạn về khả năng của mình để làm điều đó. Mực nước biển dâng cao không chỉ do băng tan mà còn do sự giãn nở nhiệt của biển khi chúng ấm lên.
Quy mô và tốc độ của băng tan đã gây sốc đối với nhóm 96 nhà khoa học vùng cực, kết quả nghiên cứu được công bố ngày 10/12 trên tạp chí Nature.
Để có được những con số đáng sợ đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các dữ liệu gồm: 26 khảo sát riêng về Greenland từ 1992 đến 2018, dữ liệu từ 11 vệ tinh, so sánh khác nhau về khối lượng, lưu lượng và trọng lực từ các chuyên gia Anh, NASA (Mỹ) và cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA).
Erik Ivins, phòng thí nghiệm Động cơ phản lực NASA ở California, nhấn mạnh rằng những phát hiện của cuộc khảo sát toàn diện nhất về dải băng Greenland trong vài thập kỷ qua là dựa trên các quan sát thực tế chứ không phải sự mô phỏng từ máy tính.
Những mô phỏng máy tính được sử dụng để chúng ta thực hiện dự báo các kịch bản biến đổi khí hậu, còn các phép đo vệ tinh giúp cung cấp những bằng chứng đầu tiên.
Năm cao điểm về băng tan theo các quan sát là năm 2011 khi 335 tỷ tấn băng bị mất. Kể từ đó, tốc độ trung bình đã chậm lại với khối lượng 238 tỷ tấn mỗi năm kể từ năm 2013, nhưng những quan sát gần đây nhất trong mùa hè này cho thấy sự sụp đổ của các khối băng đang lan rộng hơn nữa. Và năm 2020 được dự đoán không thoát khỏi guồng quay này.
Rachel Kennerley, một nhà vận động khí hậu tại Friends of the Earth (một tổ chức môi trường tại 74 quốc gia) cho biết: "Chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp khí hậu, các tác động đang dày hơn và nhanh hơn mỗi ngày. Nghiên cứu mới nhất này cùng với nhiều hơn những bằng chứng về sau cho thấy chúng ta cần hành động thực sự chứ không phải những lời nói suông. Các chính phủ cần ngừng chạy theo sự phát triển, cắt giảm khí thải thực sự và hỗ trợ thực sự cho những người dễ bị tổn thương, những người đã trải qua những tác động tàn phá của sự cố khí hậu."
Một số chuyên gia của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) lo ngại rằng những phát hiện mới đó không tính đến tiềm năng các "điểm bùng phát", ngưỡng vượt quá sự phá vỡ khí hậu khiến nó trở nên thảm khốc và không thể đảo ngược.
TIN TỐT:
2020: MỘT NĂM QUAN TRỌNG CHO TƯƠNG LAI CỦA CHÚNG TA VÀ CHO KHÍ HẬU
Biến đổi khí hậu đang ở đây và những gì nó hiện hữu là: Lũ lụt thường xuyên hơn, cháy rừng, hạn hán kéo dài và tốn kém diễn ra ở bất kỳ đâu. Chúng ta càng hành động sớm, chúng ta càng có cơ hội tốt hơn trong việc ngăn chặn các tác động mạnh mẽ nhất của nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng.
Các nhà khoa học giỏi nhất thế giới nói rằng để hoàn tác các kịch bản cực đoan nhất của biến đổi khí hậu thì năm 2020 phải là năm để phối hợp hành động toàn diện.
Tin tốt là động lực toàn cầu xung quanh biến đổi khí hậu đang xây dựng theo hướng tăng trưởng. 6/10 người Mỹ hiện đã nhận thức được tình hình đáng lo ngại về biến đổi khí hậu, một con số đã tăng hơn gấp đôi trong năm năm qua.
Hàng trăm ngàn người từ mọi tầng lớp, bao gồm học sinh, giáo viên, cộng đồng tín ngưỡng, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đang xuống đường để yêu cầu hành động khí hậu. Và hơn 500 công ty toàn cầu đã cam kết đặt ra các mục tiêu khí hậu dựa trên các nghiên cứu khoa học mới nhất hiện nay.
Đáp lại lời kêu gọi hành động này, các chính phủ đã hợp tác để phát triển Thỏa thuận chung Paris năm 2015, đây là một bước tiến chưa từng có để giảm lượng khí thải trên toàn thế giới. Gần 200 quốc gia cam kết giảm phát thải và giữ nhiệt độ tăng dưới 2°C.
Biểu đồ này từ IPCC cho thấy hai tương lai có thể có đối với khí hậu của chúng ta. Đường màu xanh biểu thị những gì có thể xảy ra nếu chúng ta cam kết cắt giảm khí thải và đường màu đỏ biểu thị những gì có thể xảy ra nếu chúng ta không thực hiện bất kỳ thay đổi nào.
Và mặc dù các quốc gia đã tạo ra kế hoạch toàn cầu thực sự đầu tiên để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong những năm tới nhưng Thỏa thuận chung Paris sé không bao giờ có hồi kết trong tình hình hiện nay. Vẫn còn một khoảng cách giữa những gì các quốc gia cam kết thực hiện và những gì các nhà khoa học nói là cần thiết để ngăn chặn thảm họa khí hậu.
Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia đặt ra các mốc quan trọng trong năm năm để nắm bắt tiến độ và tăng cường các cam kết trong năm tới. Nếu chúng ta không đưa ra các mục tiêu tích cực hơn thì việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C gần như không thể và các vết nứt sẽ bắt đầu xuất hiện trong nền tảng kiến trúc của Thỏa thuận chung Paris.
Khi chúng ta gần đến hạn chót năm 2020, chính phủ các quốc gia phải quyết định mức phát thải của họ có thể giảm đến mức nào. Nhưng có một mặt khác trong cuộc chiến khí hậu: Ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Argentina, Mexico và một số nước khác, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang làm việc với các nhà lãnh đạo quốc gia để thực hiện các cam kết khí hậu.
Trong khi các tập đoàn và thành phố lớn chỉ cho các nhà lãnh đạo liên bang thấy rằng họ đang đi đúng hướng để giảm đáng kể lượng khí thải của chính họ và các nguyên thủ quốc gia có thể tự tin hơn khi cam kết các mục tiêu đầy tham vọng hơn. Đó là một cách hợp tác đang được áp dụng rộng khắp trên thế giới.
Nhưng đây là hành động lớn trên toàn thế giới về biến đổi khí hậu, vì vậy nó sẽ không dễ dàng. Một trở ngại đáng kể là chính phủ liên bang của Mỹ tiếp tục nỗ lực làm suy yếu các hoạt động bảo tồn và khí hậu, bao gồm cả thông báo rút khỏi Thỏa thuận chung Paris.
Chính phủ Mỹ đang đi ngược lại mong muốn của công dân nước này cũng như toàn thể công dân thế giới đang quan tâm đến biến đổi khí hậu. 67% người Mỹ muốn chính phủ liên bang làm nhiều hơn để giảm tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Và hơn 3.600 nhà lãnh đạo từ các thành phố, tiểu bang, bộ lạc, doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng của Mỹ vẫn đang nỗ lực để đáp ứng các cam kết về khí hậu như là một phần của phong trào "We are still in".
Với rất nhiều người đang hoạt động trong các tổ chức như WWF (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới) và các tổ chức bảo tồn khác đang cho thế giới biết: Mỹ sẽ làm một phần để giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Khi chúng ta tiến tới Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc và thời hạn 2020 đang ở ngay trước mắt, chúng ta cần giảm lượng khí thải của chính mình và yêu cầu những quốc gia khác cũng làm như vậy. Nếu điểm bùng phát xảy ra thì tất cả các nhà lãnh đạo hiểu rằng chúng ta sẽ lãnh trái đắng gì nếu không hành động.
Với sự giúp đỡ của tất cả các quốc gia, chúng ta có thể biến năm 2020 trở lại năm chúng ta lấy lại hành tinh của mình.
MỘT SỐ ĐIỂM SÁNG TRONG CUỘC CHIẾN VÌ KHÔNG KHÍ SẠCH HƠN
Đầu tiên, là những lỗ lực của Anh trong cuộc chiến giảm lượng khí thải. Vào tháng 6 năm 2019, Vương quốc Anh đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới thông qua luật cam kết quốc gia này sẽ đạt mục tiêu phát thải 'bằng 0' vào năm 2050.
Các hành động cụ thể như: Những chiếc xe ô tô mới nhất thân thiện với môi trường, xả thải khí ít hơn nhiều so với những chiếc chúng ta đang cố thay thế. Bằng cách hạn chế sử dụng các phương tiện cũ và nâng cấp xe buýt, khí NO2 từ giao thông của London đã giảm khoảng một phần ba.
Lưu lượng xe tham gia giao thông giảm đến 65% so với năm 2017. Đây là một phần nổi bật trong chiến dịch 6 tháng của Anh để làm sạch không khí đang ô nhiễm đến mức báo động.
Thứ hai, ô nhiễm bụi trong các siêu đô thị của Trung Quốc đã giảm 34-49% chỉ sau năm năm.
Thứ ba, một đánh giá gần đây trên khắp bốn châu lục cho thấy việc giảm ô nhiễm không khí giúp cải thiện sức khỏe và mang lại những thay đổi có thể thấy trong vài tuần hoặc vài tháng . Những ví dụ này cho thấy những gì có thể đạt được chỉ cần một thời gian ngắn, vấn đề ở đây không phải thời gian mà là hành động của chúng ta.
Đây là một thông điệp quan trọng để chống lại các đầu tư đánh đổi bằng việc sử dụng không khí của chúng ta như một nơi xả thải.
Thứ tư, là sự kêu gọi công khai hành động một cách mạnh mẽ ở khắp mọi nơi và nhiều tầng lớp từ học sinh đến các nhà khoa học trên khắp thế giới. Tiếp theo, chúng ta cần các chính trị gia nắm bắt cơ hội này để tạo ra một bước thay đổi trong sức khỏe của mọi người.