60 tiêm kích Hy Lạp và Thổ quần nhau: Chiến tranh "trong lòng NATO" chỉ còn gang tấc?

Hoài Giang |

Một quyết định sai lầm có thể sẽ kéo toàn bộ các quốc gia Đông Địa Trung Hải vào cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử khu vực.

Cuộc chiến tranh giữa hai thành viên NATO chỉ còn cách một gang tấc?

Ngày 11/12, truyền thông Hy Lạp đưa tin không quân nước này đã phải huy động tới 38 máy bay phản lực F-16 Viper để đánh chặn 18 máy bay chiến đấu F-16 và 2 F-4E của Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận.

Đã có thời điểm, máy bay đơn lẻ hoặc tốp 2 máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ bị 4 phi công Hy Lạp xuất kích ngăn chặn. Truyền thông Hy Lạp cho rằng các phi công nước này có lợi thế vượt trội và sẵn sàng tiêu diệt máy bay Thổ Nhĩ Kỳ nếu cần thiết.

60 tiêm kích Hy Lạp và Thổ quần nhau: Chiến tranh trong lòng NATO chỉ còn gang tấc? - Ảnh 1.

F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bay gần một hòn đảo của Hy Lạp.

Mặc dù cả hai đều là thành viên NATO nhưng Hy Lạp thường xuyên cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm không phận. Mỗi ngày máy bay chiến đấu hai bên đều tham gia vào các cuộc "không chiến giả" ở khu vực biên giới phía đông của Hy Lạp.

Thuật ngữ "deadlock" là khi một phi công khóa tên lửa vào máy bay của đối phương là việc thường xuyên diễn ra, và cuộc chiến giữa hai cường quốc khu vực chỉ còn cách một cú bấm nút.

Chỉ huy phi đoàn máy bay chiến đấu 111 Hy Lạp, Đại tá Dimitris Giannopoulos:

"Tại khu vực biển Aegean trong 30 năm qua, chúng tôi đã phải gồng mình đối phó với các nước láng giềng thù địch".

Bộ trưởng quốc phòng Hy Lạp Nikos Panagiotopoulos:

"Mỗi khi một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố, nó sẽ liên quan đến một cuộc chiến. Chiến tranh ở Syria. Chiến tranh ở Trung Đông. Chiến tranh ở Aegean. Bây giờ nếu đó không phải là lời tuyên chiến, thì tôi đang tự hỏi như thế nào mới là tuyên chiến?"

Một cuộc "không chiến giả" giữa F16 Hy Lạp và F-16 Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan điểm của liên minh Ai Cập - Hy Lạp - Israel - Cyprus?

Hy Lạp, Cyprus (đảo Síp) và Israel đã tổ chức một loạt các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn nhằm tăng cường hợp tác giữa các lực lượng không quân và hải quân các nước (Ai Cập cũng đã tham gia một số cuộc tập trận).

Căng thẳng mới nhất giữa 2 đồng minh NATO được cho là liên quan tới các tàu khoan của Thổ Nhĩ Kỳ, được hộ tống bởi các tàu chiến, vào vùng biển của Cyprus.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động này được "hợp pháp hóa" sau thỏa thuận giữa Chính phủ Hiệp định quốc gia Libya (GNA) và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới phân định lãnh hải vào đầu tháng 12/2019.

Sự toàn vẹn lãnh thổ của Cyprus và hiệp ước với Hy Lạp là thứ duy nhất ngăn chặn cuộc xâm lăng của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ vào phần còn lại của đảo quốc này.

60 tiêm kích Hy Lạp và Thổ quần nhau: Chiến tranh trong lòng NATO chỉ còn gang tấc? - Ảnh 4.

Khu vực Đông Địa Trung Hải xung quanh đảo Cyprus là nơi có trữ lượng dầu khí lớn và là nguồn cơn của các tranh chấp gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia liên quan.

"Chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi không muốn xung đột diễn ra. Nhưng để duy trì hiện trạng, chúng tôi phải giữ một vị thế kiên quyết chống lại các hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ, không còn cách nào khác", ông Panagiotopoulos nói tiếp.

Vùng biển phía đông của Địa Trung Hải có thể sẽ trở thành điểm nóng xung đột tiếp theo ở khu vực bất ổn này.

Theo Đại sứ Mỹ tại Hy Lạp, Keith Geoffrey Pyatt:

"Sự cân bằng ở khu vực đông Địa Trung Hải được thiết lập nhiều năm qua, hiện tại đã trở thành một "bàn cờ địa chính trị" với nhiều người chơi.

Người Nga đang đóng vai trò quan trọng ở Syria, Trung Quốc đang khẳng định chính mình, và người Iran có mặt ở khắp mọi nơi. Đây đều là những đối thủ thách thức trật tự cũ mà Mỹ đã cố gắng thiết lập ở Châu Âu và trên toàn thế giới".

Vào tháng 10/2019, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi, Tổng thống Cyprus Nicos Anastasidas và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã đưa ra tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh về cơ chế hợp tác ba bên lần thứ 7 giữa ba quốc gia.

Tuyên bố kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế các hành động khiêu khích ở Đông Địa Trung Hải, rút quân khỏi miền bắc Cyprus và khẳng định rằng Liên Hiệp Quốc vẫn là tổ chức duy nhất có thể giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực.

Ba nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng ở vùng biển đông Địa Trung Hải và tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng leo thang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và lãnh thổ Cyprus.

Cuộc tập trận Game of Thrones/Trò chơi vương quyền tại đảo Síp của Israel (Nguồn: Israel National News)

Thái độ cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc xung đột Libya

Các cuộc tập trận trong EEZ thuộc Cyprus của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã bị các quốc gia liên quan cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Để phản ứng lại, ngày 11/12, Hải quân Ai Cập đã khai hỏa tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm ở Đông Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các hoạt động của nước này ở Đông Địa Trung Hải hoàn toàn không vi phạm luật pháp quốc tế và rằng Hy Lạp, Israel, Cyprus và Ai Cập không thể hành động mà không cần sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 9/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bình luận:

"Thổ Nhĩ Kỳ đã thực thi các quyền hạn của mình bắt nguồn từ luật pháp quốc tế theo sau thỏa thuận Libya. Hy Lạp, Israel, Ai Cập và chính quyền của người Cyprus gốc Hy Lạp không thể hành động mà không có sự chấp thuận của chúng tôi.

Hy Lạp đã "phát điên" là vì tay chân của họ đã bị trói sau thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Libya, việc trục xuất đại sứ là một vụ bê bối cấp quốc tế.

Liên quan tới cuộc xung đột đang diễn ra ở Libya, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố đã sẵn sàng cung cấp cho Libya "bất kỳ loại hỗ trợ" nào mà lực lượng trung thành với GNA cần.

"Nếu Libya muốn Thổ Nhĩ Kỳ gửi quân, chúng tôi sẽ đưa quyết định của chính mình và sẽ không cần bất cứ ai cho phép", Ông Erdogan nói tiếp.

Ông Erdogan cũng không quên cáo buộc Ai Cập vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và hỗ trợ lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar.

Mới đây, chỉ huy của Hải quân LNA, Đô đốc Faraj Mahdaui, nói rằng Tướng Haftar đã ra lệnh đánh chìm bất cứ tàu ​nào ​của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận Libya.

Mệnh lệnh nói trên được đưa ra sau những tuyên bố của Erdogan về sự sẵn sàng gửi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại Libya để hỗ trợ lực lượng của GNA. Có thể thấy tình hình khu vực Trung Đông và Bắc Phi đang ngày một nguy hiểm.

Trong khi các cuộc xung đột ở Syria và Libya vẫn đang tiếp diễn phức tạp, thì một quyết định sai lầm có thể sẽ kéo toàn bộ các quốc gia Đông Địa Trung Hải vào một cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử khu vực.

Truyền thông lực lượng NLA công bố video, cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ chính thức can thiếp quân sự vào Libya. Video truyền thông LNA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại