Nga "sập bẫy chết người" ở Đông Bắc Syria: Chiêu độc do Mỹ giăng ra?

Anh Tú |

Việc Nga chiếm giữ các căn cứ bị Mỹ bỏ lại ở Syria được truyền thông nước này ca ngợi như một chiến thắng quan trọng nhưng những rủi ro mà Nga sẽ phải đối mặt là không hề nhỏ.

Mỹ không "mở cửa không phận", Nga có dám động binh?

Ngày 15/11, quân cảnh Nga đã tiếp quyền kiểm soát sân bay quân sự Metras ở ngoại vi Sarrin, địa bàn cách Kobani khoảng 30 km về phía Nam. Căn cứ không quân này nằm ở phía Tây các mỏ dầu mà Mỹ tuyên bố sẽ quyết tâm bảo vệ không để rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Nga và Chính phủ Syria.

Cho đến tận gần đây, sân bay này vẫn được các binh lính Quân đội Mỹ dùng để theo dõi và kiểm soát các tuyến đường vận tải trên mặt đất kéo dài đến biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc chiếm giữ căn cứ bị Mỹ bỏ lại này được truyền thông Nga ca ngợi như một chiến thắng quan trọng. Tuy nhiên, nếu đánh giá kỹ hơn thì có thể thấy rằng rất nhiều rủi ro phía trước đang đón chờ Nga.

Moscow hiện cũng đang sử dụng 2 căn cứ cũ của Mỹ ở Manbij và Tabqa. Vì vậy, việc quân cảnh Nga chiếm giữ được Sarrin, mở đường cho các lực lượng thân Nga khống chế một phần cao tốc chiến lược M4, đã làm dấy lên câu hỏi liệu đó có phải là một kết quả thỏa thuận giữa Nga và Mỹ?

Nga sập bẫy chết người ở Đông Bắc Syria: Chiêu độc do Mỹ giăng ra? - Ảnh 1.

Một đoàn xe quân sự Mỹ tiến về phía biên giới Iraq trong kế hoạch rút quân khỏi Syria. Ảnh: EPA

Sau khi Mỹ từ bỏ căn cứ Sarrin vào cuối tháng 10/2019, cơ sở này vẫn bị bỏ hoang trong một khoảng thời gian. Đến ngày 1/11, các binh lính Mỹ lại quan trở về căn cứ này để vận chuyển hàng tiếp tế cần thiết phục vụ kế hoạch thiết lập những cơ sở quân sự mới ở phía Đông Syria. Không lâu sau khi lính Mỹ rời đi, quân cảnh Nga đã có mặt tại đó.

Mỹ vẫn theo dõi sát tình hình ở Đông Bắc Syria và đang cân nhắc khả năng chuyển giao thêm các cơ sở hoặc vùng lãnh thổ khác cho bên thứ ba, gồm cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, nếu cần thiết, Mỹ vẫn có thể tái chiếm đóng một số căn cứ, qua đó thiết lập lại sự hiện diện của họ trên mặt đất. Ở cấp độ khu vực, điều này khiến các binh sĩ Nga và đồng minh Syria sẽ dễ bị tổn thương và phụ thuộc, ở một mức độ nào đó, vào Mỹ.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Ba đơn vị quân cảnh Nga cùng với các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ được giao nhiệm vụ tuần tra khu vực biên giới với chiều sâu 10 km về phía Đông và phía Tây "vùng an toàn".

Mặc dù vậy, do thiếu sự yểm trợ phù hợp từ trên không nên các lực lượng Nga và liên minh Syria hoạt động dưới mặt đất đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với nhiều dạng khiêu khích khác nhau, kể cả phải đụng độ với các nhóm vũ trang địa phương.

Các máy bay trực thăng tấn công của Nga đã hạ cánh xuống Qamishli nhưng hoạt động của chúng cũng chỉ bó hẹp ở địa bàn dọc theo tuyến biên giới mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tuần tra chung. Đồng thời, Mỹ hiện vẫn đang là nước giữ vai trò quyết định sẽ mở cửa không phận cho bên nào có thể hoạt động ở Đông Bắc Syria.

Trong khi đó tại đây, Nga chỉ có thể dựa vào căn cứ quân sự ở Qamishli. Có được khả năng này là nhờ quy chế đặc biệt của thành phố bởi phần lớn diện tích Qamishli và sân bay vẫn nằm dưới sự kiểm soát không gián đoạn của các lực lượng ủng bộ chính phủ Syria trong suốt cuộc nội chiến.

Bởi vậy, Qamishli không chịu sự chi phối bởi thỏa thuận giữa Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nga - Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ không có hoạt động tuần tra chung nào giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga sập bẫy chết người ở Đông Bắc Syria: Chiêu độc do Mỹ giăng ra? - Ảnh 2.

Lực lượng Dân chủ Syria đứng gác tại vùng biên giới Syria - Iraq. Ảnh: AP

Tuy nhiên, những đồn đoán cho rằng Qamishli sẽ trở thành một căn cứ không quân đầy đủ, lâu dài là chưa có cơ sở. Kế hoạch này sẽ không thể thực hiện được cho tới khi các lực lượng không quân Nga phải có cơ hội hoạt động tự do ở không phận hiện vẫn do Mỹ kiểm soát tại Đông Bắc Syria.

Hiện tại, việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của Nga trong thành phố chỉ mang tính trợ giúp cho các hoạt động tuần tra chung với Thổ Nhĩ Kỳ. Những cơ sở khác dọc biên giới, gồm cả các rào chắn do Chính phủ Syria thiết lập vẫn chỉ là tạm thời và không thể hỗ trợ quân cảnh Nga trong nỗ lực kiểm soát các vùng lãnh thổ ở biên giới.

Nhiều khó khăn liên quan tới việc sử dụng các tuyến đường cao tốc để tiếp viện cho cả lực lượng tuần tra của Nga đóng quân xa Qamishli và các chốt kiểm soát của Syria vẫn làm tình hình trở nên nghiêm trọng.

Đặc biệt, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các đoàn xe quân sự ở khu vực biên giới, chẳng hạn như xung quanh al-Malikiyah, nơi biên phòng Syria đã được triển khai.

Quân đội Mỹ cũng được ghi nhận đã có mặt tên cao tốc M4, huyết mạch vận tải được sử dụng để điều chuyển các lực lượng và hàng hóa cho quân cảnh Nga cũng như quân đội Syria hoạt động dọc biên giới.

Mặc dù Mỹ đã di tản khỏi căn cứ dọc tuyến cao tốc ở Sarrin nhưng xét tới tình hình thực tiễn trên mặt đất thì vẫn là quá sớm khi tuyên bố rằng binh lính Syria và các lực lượng an ninh Nga có thể chiếm giữ "ghế lái" ở vùng Đông Bắc và thậm chí là ở khu vực 30 km từ đường biên giới được xác lập theo thỏa thuận Sochi.

Cho tới khi nào chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad chưa kiểm soát được hoàn toàn 30 km biên giới và cao tốc M4 thì binh lính chính phủ Syria và Nga rất khó hiện diện trong khu vực. Các lực lượng Mỹ vẫn sẽ ở vị thế sẵn sàng giám sát hoạt động di chuyển của các lực lượng liên quân Nga - Syria.

Hơn nữa, không ít mối đe dọa vẫn còn lửng lơ ở đó vì nhiều điểm nóng mới và những cuộc đụng độ trực tiếp giữa Quân đội Quốc gia Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và Quân đội Chính phủ Syria (SAA) vẫn diễn ra xung quanh Tell Tamr.

Đã có những cuộc giao tranh ác liệt ở một số địa bàn còn tranh chấp ở phía Bắc thành phố. Các lực lượng của Tổng thống Assad và SDF cùng phối hợp chống lại Quân đội Quốc gia Syria có thể dẫn tới tình huống pháo binh và không quân Thổ Nhĩ Kỳ và quân chính phủ Syria đấu đầu với nhau. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã tấn công người Kurd ở đây.

Về tổng thể, tình hình chiến sự ở vùng Đông Bắc Syria đang có những chuyển biến được nhận định sẽ tạo ra những ảnh hưởng mang tính bước ngoặt cho cuộc xung đột ở Syria. Tuy nhiên, mỗi quyết định đều sẽ phải được sự chấp thuận của cả 3 bên: Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đến thời điểm hiện tại họ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Quân cảnh Nga tuần tra thị trấn Manbij, Aleppo sau khi Mỹ rút lui

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại