Song bão châu Á Phong Thần-Hải Âu: Mạnh lên không ngừng, đường đi bất thường; bão đang ở đâu?

Trang Ly |

Theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất của Mỹ, song bão Phong Thần-Hải Âu (2019) đang mạnh dần lên. Không những thế chúng còn có đường đi bất thường.

Theo ghi nhận của Trung tâm dịch vụ thời tiết quốc gia Mỹ (AccuWeather), tại 'ổ bão' Tây Thái Bình Dương xuất hiện cùng lúc 2 cơn bão tên quốc tế là bão Fengshen (Phong Thần) và bão Kalmaegi (Hải Âu).

Liệu song bão này có vào Biển Đông không? Hoặc chúng có tiếp cận nhau đủ nhanh để tạo nên Hiệu ứng Fujiwhara(1) hay không đang là mối quan tâm của các chuyên gia khí tượng quốc tế.

Song bão châu Á Phong Thần-Hải Âu: Mạnh lên không ngừng, đường đi bất thường; bão đang ở đâu? - Ảnh 1.

Song bão (bão Fengshen - Phong Thần (bên phải) và bão Kalmaegi - Hải Âu) tại Tây Thái Bình Dương. Nguồn: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

Nhưng trước hết, các nhà khí tượng phát hiện đặc điểm của 2 cơn bão nhiệt đới này là không chỉ mạnh dần lên mà chúng còn có đường đi kỳ lạ khiến các chuyên gia khí tượng liên tục phải theo dõi và đưa ra các dự báo khác với thông tin trước đó. Cụ thể:

1. Phong Thần 2019:

- Cường độ của bão Phong Thần 2019:

Theo cập nhật thông tin thời tiết lúc 7 giờ sáng ngày 15/11/2019 của AccuWeather, bão Phong Thần đang gia tăng sức mạnh, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt 139 km/h, gió giật mạnh 167 km/h. Cường độ bão hiện tại của Phong Thần tương đương với một cơn bão Cấp 1 trên thang bão Saffir-Simpson. [So sánh sức mạnh với ngày 14/11, sức gió của Phong Thần khi đó là 93 km/h].

Hiện tại, bão Phong Thần di chuyển rất nhanh về phía tây bắc, mỗi giờ đi được 30 km.

- Đường đi bất thường của bão Phong Thần 2019:

Điều làm khó các chuyên gia khí tượng đó là đường đi khó lường của bão Phong Thần. Theo sơ đồ của AccuWeather, cơn bão thứ 25 của mùa bão 2019 lưu vực Tây Thái Bình Dương sau khi di chuyển theo hướng đông bắc đã bẻ hướng, quay ngược về hướng tây bắc rồi có hướng đi về Quần đảo Bắc Mariana (xem hình):

Song bão châu Á Phong Thần-Hải Âu: Mạnh lên không ngừng, đường đi bất thường; bão đang ở đâu? - Ảnh 2.

Nguồn: AccuWeather

Đường đi hiện tại của bão Phong Thần phần nào gợi cho chúng ta nhớ lại đường đi bất thường của cơn bão số 6 (tên quốc tế là bão Nakri) đổ bộ đất liền Nam Trung Bộ nước ta vừa qua.

2. Hải Âu 2019

- Cường độ của bão Hải Âu 2019:

Tương tự bão Phong Thần, cơn bão Ramon do cơ quan khí tượng Philippines đặt (tên quốc tế là Kalmaegi - Hải Âu) đang tăng dần sức mạnh. Sức gió mạnh nhất mà Trung tâm Dịch vụ Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn học Philippines (PAGASA) đo được lúc 5 giờ sáng ngày 15/11 là 75 km/h và gió giật mạnh 90 km/h [So với hôm 14/11 là 56 km/h, gió giật 74 km/h].

Bão Hải Âu di chuyển nhanh về phía tây tây bắc, mỗi giờ đi được 18 km.

- Đường đi bất thường của bão Hải Âu 2019:

Có cùng đặc điểm bất thường về đường đi với bão Phong Thần, bão Hải Âu trước đó được PAGASA dự báo là sẽ 'đánh' vào miền trung nước này.

Tuy nhiên, Hải Âu lại di chuyển chếch lên về phía tây bắc và có khả năng đổ bộ trực tiếp thành phố Tuguegarao (thủ phủ của tỉnh Cagayan) vào cuối tuần này. Bão Ramon dự kiến ​​sẽ đổ bộ khu vực Cagayan-Isabela sớm nhất vào Chủ Nhật tuần này (17/11).

Song bão châu Á Phong Thần-Hải Âu: Mạnh lên không ngừng, đường đi bất thường; bão đang ở đâu? - Ảnh 3.

Nguồn: AccuWeather

Hiện tại, chính quyền tỉnh Cagayan đã ban bố tình trạng khẩn cấp cao nhất (màu đỏ) và tiến hành sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm của bão Ramon, News.abs-cbn thông tin.

Khả năng trong ngày 15/11, bão Ramon gây mưa lớn cho đảo Luzon, Rappler cho hay.

Các thông tin dự báo thời tiết mới nhất cập nhật đường đi cũng như khu vực đổ bộ của song bão tháng 11/2019 tại lưu vực Tây Thái Bình Dương sẽ được chúng tôi liên tục cập nhật.

Chú thích:

(1) Hiệu ứng Fujiwhara còn gọi là tương tác nhị phân, là một hiện tượng xảy ra khi hai cơn bão gần đó quay quanh nhau và giữ khoảng cách lưu thông giữa các khu vực áp suất thấp. 

Trong trường hợp một cơn bão cường độ lớn hơn cơn bão còn lại, cơn bão lớn hơn sẽ tích tụ nhiều năng lượng hơn khi tương tác, có thể gây ra sự phát triển của một cơn bão lớn hơn nữa, hoặc khiến hai cơn bão hợp nhất thành một.

Bài viết sử dụng nguồn: AccuWeather, News.abs-cbn, Rappler

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại