Cựu TT Liên Xô: Trước và trong khi Bức tường Berlin sụp đổ, 38 vạn lính Hồng quân ở Đông Đức đã được lệnh "án binh bất động"

Hồng Anh |

"Dù tình hình hiện tại nguy hiểm đến mấy, thì tôi vẫn tin là Chiến tranh Lạnh sẽ không tái diễn", nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô bình luận.

Mới đây, hãng thông tấn Reuters (Anh) đã nhận được một số bình luận của cựu Tổng thống - nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô - Mikhail Gorbachev trước thềm sự kiện kỷ niệm 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ. Trong đó, ông Gorbachev đã khuyên Nga và phương Tây không nên "lặp lại lịch sử", cho dù đó là bức tường vô hình hay hữu hình.

Đêm ngày 9/11/1989, rạng sáng ngày 10/11/1989, Bức tường Berlin chính thức sụp đổ, cùng với đó là dòng người từ Đông Berlin ồ ạt tràn sang Tây Berlin.

Hiện đã 88 tuổi, ông Gorbachev từng có vai trò then chốt trong những sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Trước khi trở thành Tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên bang Xô viết, ông Gorbachev trên cương vị Tổng Bí thư Liên Xô cũng đã từng có công đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Năm xưa, ông Gorbachev đã yêu cầu Hồng quân Liên Xô rút khỏi các quốc gia Trung và Đông Âu, cùng tuyên bố sẽ không can thiệp vào chuyện nội bộ của Cộng hòa Dân chủ Đức (và ông Gorbachev đã thật sự làm điều đó khi đảm bảo lực lượng Hồng quân Liên Xô đồn trú tại Đông Đức án binh bất động, và sau đó ông đã đồng thuận với việc nước Đức tái thống nhất).

Bên cạnh đó, Reuters cho biết ông Gorbachev còn bày tỏ quan ngại trước quan hệ căng thẳng của phương Tây và phương Đông, đặc biệt là tình trạng thiếu sự trao đổi, thảo luận giữa Washington và Moskva về vũ khí hạt nhân.

Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô đã lên án Washington - cựu thù của Moskva trong cuộc Chiến tranh Lạnh - vì đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung INF, thỏa thuận kiểm soát vũ khí đã đảm bảo cho thế giới an toàn trong suốt nhiều năm qua. Ông cho rằng quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận INF của Tổng thống Donald Trump không phải là điều "một con người tầm cỡ" sẽ làm.

Cựu TT Liên Xô: Trước và trong khi Bức tường Berlin sụp đổ, 38 vạn lính Hồng quân ở Đông Đức đã được lệnh án binh bất động - Ảnh 2.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC (Anh), ông Gorbachev đã cảnh báo rằng thế giới đang đứng trước mối hiểm họa khổng lồ vì sự phát triển của vũ khí hạt nhân. Ảnh: BBC

Theo Reuters, dù chỉ trích các chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng ông Gorbachev vẫn bày tỏ hy vọng rằng Mỹ và phương Tây sẽ không lặp lại lịch sử như Bức tường Berlin - nghĩa là dựng lên một bức tường (vô hình hoặc hữu hình) nhằm phân cách những khác biệt giữa Đông và Tây.

"'Bức tường' nào cũng chỉ là cách trốn tránh tạm thời khỏi những vấn đề trong thực tại và không giải quyết chúng, đó là lý do tôi phản đối mọi 'bức tường'. Tất nhiên tôi cũng phản đối những thứ tương tự như đường phân cách hay 'Bức màn sắt' ở châu Âu", ông Gorbachev nói với Reuters.

"Dù tình hình hiện tại nguy hiểm đến mấy, thì tôi vẫn tin là Chiến tranh Lạnh sẽ không tái diễn. Giữa Nga và phương Tây không có xung đột về tư tưởng, và hai bên còn có những liên kết về kinh tế, tự do di chuyển, liên lạc và hội tụ văn hóa. Do đó tôi tin là chúng ta sẽ tránh được cuộc Chiến tranh Lạnh nổ ra", cựu Tổng thống Liên Xô khẳng định.

Tình hình năm 1989 ở Đông Đức đã "chuyển biến quá nhanh chóng"

Trên cương vị là lãnh đạo Liên Xô từ năm 1985-1991, ông Gorbachev từng đi đến nhiều nơi và thậm chí sở hữu một căn biệt thự tại Đức, nơi ông thi thoảng lui tới để nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Liên Xô cho biết ông vẫn sinh sống chủ yếu tại Nga, và vẫn quan tâm tới những điều người Nga nghĩ về ông - dù ông được nhiều người phương Tây ủng hộ hơn ở quê nhà. Tại Nga, một số người vẫn cho rằng kế hoạch cải tổ chính trị, kinh tế của ông Gorbachev đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế và sau này là việc Liên Xô tan rã.

Hiện nay những lời khuyên của ông Gorbachev vẫn được coi trọng, vì ông là người có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý quan hệ ngoại giao với Washington và chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh.

Nói về chuỗi sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức tái thống nhất, vị cựu lãnh đạo Liên Xô cho biết tình hình năm 1989 ở Đông Đức đã chuyển biến quá nhanh chóng, khiến ông và nhiều lãnh đạo khác trên thế giới vô cùng bất ngờ.

Bên cạnh đó, ông Gorbachev cũng tin rằng mình xứng đáng được công nhận vì đã góp phần giúp nước Đức tái thống nhất mà không hề có đổ máu.

"Khi đó, tại CHDC Đức có đến 380.000 lính Hồng quân Liên Xô đang đồn trú. Họ đã được lệnh án binh bất động trong căn cứ của mình. Một quá trình vô cùng phức tạp đã diễn ra mà không hề có đổ máu. Tôi nghĩ mình xứng đáng được công nhận vì điều đó", ông Gorbachev nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại