Sahi 209 Block II - súng điện từ nhanh nhất thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ

Lê Ngọc |

Ứng dụng súng điện từ được cho sẽ là cuộc cách mạng trong lĩnh vực quốc phòng thập kỷ tới.

Từ ý tưởng

Ý tưởng về súng điện từ (SĐT) ra đời từ Thế chiến I, nhưng phải gần 100 năm sau công nghệ mới đủ để các nhà khoa học hiện thực hóa nó.

Khác với các loại vũ khí truyền thống, SĐT có khả năng bắn xa tới hàng trăm km và gây thiệt hại cực kỳ lớn do động năng khủng khiếp của đầu đạn. Trong thử nghiệm thực tế, đầu đạn bắn từ SĐT có thể xuyên thủng lớp giáp đồng chất dày 1m.

Vì bay thuần quán tính, tốc độ siêu thanh , có tiết diện phản xạ nhỏ nên đầu đạn này gần như là không thể ngăn chặn hoặc gây nhiễu, trong khi đó, tên lửa có thể bị ảnh hưởng bởi nhiễu, có thể trượt mục tiêu nếu hệ thống dẫn đường bị vô hiệu hóa.

Nhiều chuyên gia dự báo, trong những thập kỷ tới, vũ khí hạt nhân và các loại tên lửa tầm xa sẽ phải nhường vị trí thống lĩnh cho SĐT.

… đến hiện thực…

Ngày 30/3/2019, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố video thử nghiệm thành công trong cả điều kiện ban ngày và ban đêm vũ khí điện từ mang mật danh Sahi 209 Block II của quân đội nước này (một số nước gọi là Railgun).

Trong thử nghiệm, pháo Sahi 209 Block II - phiên bản cải tiến của Block I, với tốc độ, độ chính xác và tầm bắn được cải thiện đáng kể - đã phóng viên đạn cỡ 35mm và tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 31 dặm với độ chính xác cực cao.

Sahi 209 Block II - súng điện từ nhanh nhất thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Sahi 209 Block II trong buổi thử nghiệm ban đêm. Ảnh: fighterjetsworld.com

Sahi 209 được phát triển bởi công ty Yeteknoloji AŞ, sử dụng năng lượng điện thay cho liều thuốc phóng thông thường để bắn đạn cỡ 35mm tấn công mục tiêu cách đến 50km. Thông tin cơ bản về Sahi 209 Block II vẫn được giấu kín.

Có một điểm đáng lưu ý, nó được thiết kế đặt trong tháp pháo giống với các hệ thống pháo hạm trên tàu chiến - không loại trừ khả năng nó được phát triển để trang bị cho các tàu chiến tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tiết lộ của nhà thầu quốc phòng Aselsan, tại vụ bắn thử đạn thật đầu tiên vào 12/2016, viên đạn chỉ bay với tốc độ Mach 6; lần thử nghiệm cuối tháng 7/2018, đạn đã đạt tốc độ Mach 9; đạn Sahi 209 Block II có vận tốc trên Mach 10.

Ngoài tấn công mặt đất và chiến hạm, vũ khí này còn có thể được sử dụng trong phòng không, có thể đạt hiệu quả ở khoảng cách đến 300 km.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Aselsan đã nhất trí bước vào giai đoạn sản xuất Sahi 209 Block II, nước này trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới - sau Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ - phát triển thành công vũ khí điện từ, được cho sẽ là cuộc cách mạng trong lĩnh vực quốc phòng thập kỷ tới.

Với những gì đạt được, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhỉnh hơn Nga và khiến những thành tích trước đây Mỹ đạt được trong lĩnh vực này bị lu mờ.

Hồi tháng 3/2017, truyền thông Nga công bố, SĐT được Viện nghiên cứu nhiệt độ cao (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học) ở Shatura phát triển đã thử nghiệm thành công, đạt tốc độ nhanh gấp 3 lần pháo điện từ Mỹ.

Với tốc độ kinh hoàng của viên đạn do phòng thí nghiệm nói trên thực hiện, không vỏ bảo vệ nào của các thiết bị quân sự hiện tại, từ tàu chiến, xe tăng, máy bay… có thể chống đỡ nổi.

Năm 2017, tại triển lãm quốc tế IDEF được tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từng giới thiệu mẫu SĐT hoàn chỉnh và mẫu xe thiết giáp sử dụng SĐT. Khác với mẫu của Mỹ, SĐT của Thổ Nhĩ Kỳ có kích thước nhỏ hơn rất nhiều và có thể dễ dàng gắn trên bất cứ phương tiện cơ giới nào.

Nước này đang phát triển một loại đạn thông minh dùng cho SĐT, có khả năng tấn công tất cả các mục tiêu trên biển, trên không hoặc trên đất liền bất kể mục tiêu đang di chuyển với tốc độ cao bao nhiêu.

… và những thách thức

Trong thực tế, SĐT tiêu tốn một lượng điện năng cực lớn, có thể đến hàng triệu Watt, chỉ trong một phần nghìn giây khi khai hỏa.

Với kiểu ngốn điện như vậy, việc nối điện trực tiếp vào SĐT là điều không thể, giải pháp duy nhất tính đến thời điểm này là sử dụng hệ thống pin điện cực mạnh, mỗi phát bắn sẽ tiêu tốn lượng điện dự trữ trong những khối pin và cần cả tiếng đồng hồ để tái nạp trước khi có thể khai hỏa phát tiếp theo.

Sahi 209 Block II - súng điện từ nhanh nhất thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 3.

Sahi 209 Block II trong buổi thử nghiệm ban ngày. Ảnh: fighterjetsworld.com

Những mẫu SĐT đầu tiên chỉ sử dụng pin dùng một lần, nghĩa là sau mỗi một lần bắn, người ta sẽ phải vứt bỏ hàng trăm cục pin trị giá hàng triệu USD.

Tới nay, SĐT đã không còn sử dụng pin dùng một lần nữa, các nhà khoa học đang đặt mục tiêu cho ra đời các hệ pin có thể tái nạp lại 1.000 lần, nghĩa là có thể được sử dụng cho hàng nghìn phát bắn trước khi phải thay mới.

Về lý thuyết, các thiết bị sử dụng trong SĐT có thể chịu được khoảng 6 phát bắn mỗi phút và tiêu tốn khoảng 2 MW (2 triệu Watt) - tương đương với lượng điện một cánh quạt gió tạo ra trong vòng 6 tháng, hay lượng điện của 30 nhà máy công nghiệp cỡ vừa của Anh tiêu thụ trong vòng 1 tháng.

Không một tàu khu trục nào hay một máy bay nào có thể cung cấp đủ điện năng cho hệ thống vũ khí này, trừ các tàu sân bay lớp Nimitz hoặc Ford với công nghệ hạt nhân mới nhất.

Cách mạng trong lĩnh vực sản xuất pin sẽ là một yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể sử dụng được pháo điện từ trên những cơ cấu nhỏ hơn như xe tải hay thậm chí là máy bay, thay vì chỉ sử dụng trên tàu chiến cồng kềnh.

Vấn đề tác chiến điện tử cũng là yếu tố quyết định trong các cuộc chiến với Railgun. Với điện năng tiêu thụ quá lớn và yêu cầu bắt buộc phải sử dụng điện để hoạt động, Railgun sẽ trở thành vô dụng khi bị áp chế điện tử - điểm yếu hiện hữu khác của pháo điện từ.

Về giá thành, mỗi tên lửa tấn công có giá từ hàng trăm ngàn tới hàng triệu USD, còn mỗi đơn vị đạn SĐT chỉ khoảng vài chục nghìn USD. Trong khi đó, tầm bắn của Railgun đã đạt gần tương đương các dòng tên lửa phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên, để đạt được khả năng sẵn sàng chiến đấu và triển khai trên diện rộng, không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào đang theo đuổi vũ khí công nghệ cao này, cần phải có thêm nhiều thời gian nữa.

Một số chuyên gia cho rằng, kể cả khi SĐT trở thành hiện thực thì nó cũng sẽ chỉ giống như các loại vũ khí mang tính chiến lược khác, như bom hạt nhân - thứ được các nước mang ra "dọa" là chính, vì sức công phá quá khủng khiếp.

Có lẽ SĐT trong tương lai nếu được dùng thường xuyên cũng chỉ để "đánh chặn các vật thể lạ trong vũ trụ" - đúng như lời quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói khi được được hỏi về "mục đích hòa bình" của loại súng nhiều tiềm năng này.

Với SĐT, khoảng cách của các cuộc đấu súng giữa các tàu chiến của hải quân sẽ được kéo dãn ra hàng trăm km - tương đương với tầm bắn của loại pháo điện từ này - đồng nghĩa với việc, các loại tên lửa chống hạm thông thường sẽ khó có khả năng góp mặt hơn trong các cuộc đấu pháo tương lai, do chúng dễ đánh chặn hơn nhiều và thậm chí có thể bị đánh chặn bởi chính pháo điện từ.

Dù vẫn còn hạn chế lớn về kích thước và tiêu thụ năng lượng…, sớm hay muộn loại vũ khí này sẽ trở thành “tương lai của chiến tranh”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại