Biết tàu ngầm Nga chơi trò “mèo vờn chuột”, lực lượng săn ngầm Mỹ vẫn bất lực đứng nhìn

Trịnh Ngọc Tiến |

Lặn sâu tối đa, tắt máy và ở chế độ im lặng hoàn toàn, đó là cách tàu ngầm tấn công diesel-điện của Nga đối phó với lực lượng săn ngầm của hải quân NATO, mà đặc biệt là Mỹ.

Tàu ngầm Nga học cách im lặng dưới đáy biển

Như một thói quen, các chỉ huy tàu ngầm Nga thường không thích nổi lên mặt nước vì điều này làm tiết lộ vị trí của tàu ngầm. Phương tiện đầu tiên có thể phát hiện ra tàu ngầm chính là trực thăng săn ngầm của đối phương, có khả năng phát hiện và thu tín hiệu vô tuyến và phát hiện nguồn từ trường của tàu ngầm.

Tuy nhiên, những tàu ngầm hiện đại đều được trang bị hệ thống phát hiện sóng radar, giúp phát hiện ngay hoạt động của radar chống ngầm. Ngay khi thấy khả năng tàu ngầm đang bị theo dõi, kíp thủy thủ thực hiện thao tác lặn khẩn cấp sau đó là lặng lẽ di chuyển khỏi khu vực.

Tuy nhiên, để có thể thao tác thành thục đưa tàu ngầm lặn nhanh nhất có thể các thủy thủ tàu ngầm Nga phải tập luyện thật chăm chỉ, bởi toàn bộ quá trình lặn của một chiếc tàu ngầm chỉ được phép diễn ra trong khoảng một vài phút. Người chỉ huy phải nhanh chóng tính toán tốc độ và độ lặn sâu tối ưu, để không làm lộ tàu.

Biết tàu ngầm Nga chơi trò “mèo vờn chuột”, lực lượng săn ngầm Mỹ vẫn bất lực đứng nhìn - Ảnh 1.

Để thoát khỏi sự truy đuổi của đối phương các thủy thủ tàu ngầm Nga chỉ có vài phút để đưa tàu ngầm lặn xuống. Ảnh: academic.ru.

Chiếc tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo mang tên Kolpino thuộc hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga đã lẩn trốn thành công trước sự truy tìm của 2 tàu săn ngầm Kasimov và Suzdalets (cũng thuộc hạm đội Biển Đen) bằng những thủ đoạn trên và trò chơi nguy hiểm của mèo và chuột dưới nước, cũng như những cách hiệu quả nhất để "cắt đuôi" sự truy đuổi của đối phương.

Cựu chỉ huy tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Nga Igor Kurdin cho biết, tốc độ của tàu ngầm diesel-điện không đủ cao để nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng thủy thủ đoàn có thể sử dụng các biện pháp khác, như sử dụng cách đối phó bằng sonar.

Theo Kurdin, lợi thế chính của tàu ngầm diesel-điện so với tàu ngầm hạt nhân là khả năng ẩn nấp âm thầm ở phía dưới đáy biển.

Trên tàu vào thời điểm này, chế độ im lặng được thực hiện gần như triệt để, tất cả các cơ chế và thiết bị đều bị tắt, các thiết bị trong các khoang hạn chế hoạt động đến mức tối thiểu, các thủy thủ không thể nói to, tạo ra các chuyển động không cần thiết và tạo ra âm thanh không liên quan.

Một tàu ngầm diesel có thể nằm im lặng dưới đáy biển trong vài ngày. Các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân không thể làm điều này - vì lò phản ứng hạt nhân và các hệ thống phụ trợ không thể bị tắt.

Trò "mèo vờn chuột" của tàu ngầm Nga với tàu ngầm Mỹ

Theo Kurdin, các thủy thủ của Nga và Mỹ không có những khác biệt cơ bản trong phương pháp "ẩn nấp' và "tìm kiếm" tàu ngầm. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, thủy thủ tàu ngầm Nga đã đạt được các kỹ năng "ẩn nấp" cao và hiệu quả hơn nhiều so với các đối tác phương Tây.

Thực tế là khi tránh cuộc rượt đuổi, các thủy thủ tàu ngầm Nga hiếm khi hành động theo khuôn mẫu, họ có những sáng tạo riêng; một trong những chiêu "trốn tìm" được các thủy thủ Nga kế thừa từ các thủy thủ Liên Xô thời chiến tranh Lạnh, chiến thuật này người Mỹ gọi là "Ivan điên" (Ivan là tên ám chỉ những người đàn ông Nga).

Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, các tàu ngầm Mỹ thường lợi dụng "vùng mù" ở phía đuôi tàu ngầm của Liên Xô để bám theo (lý do là các sonar tàu ngầm Liên Xô không thể xác định được mục tiêu sát phía sau tàu, do tiếng ồn của chân vịt).

Biết tàu ngầm Nga chơi trò “mèo vờn chuột”, lực lượng săn ngầm Mỹ vẫn bất lực đứng nhìn - Ảnh 3.

Hải quân Nga được thừa khá nhiều kinh nghiệm đối phó lực lượng săn ngầm Mỹ từ Hải quân Liên Xô. Ảnh: NewsVL.ru.

Để chống lại các hành động theo dõi sát phía sau của tàu ngầm Mỹ, tàu ngầm Liên Xô đã thực hiện các thao tác không theo quy luật, ngoặt tàu bất ngờ (có khi tới 180º), hoặc lái tàu zích zắc để tàu ngầm Mỹ bám đuôi (nếu có) không kịp tránh. Để tránh đụng độ, tàu ngầm Mỹ buộc phải giữ khoảng cách an toàn và đặt tên cho hành động này là "Ivan điên".

Để đối phó với những mối đe dọa từ tàu ngầm của Liên Xô (trước kia) và Nga (hiện nay), Hải quân Mỹ không những áp dụng các biện pháp về kỹ thuật, chiến thuật (đặc điểm của tàu ngầm và âm thanh của từng loại tàu) và thậm chí là cả tâm lý học hành vi; trong đó họ cố gắng nắm bắt chiến thuật cụ thể của chỉ huy từng tàu ngầm Nga.

Có một thời, các thủy thủ Liên Xô đã vượt qua được các hệ thống chống tàu ngầm và thậm chí cả hệ thống giám sát tiếng động tàu ngầm dưới đáy biển nổi tiếng của Mỹ là SOSUS.

Vào năm 1985 và 1987 vào thời điểm chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh điểm, Hải quân Liên Xô đã tiến hành các chiến dịch hải quân Aport và Atrina; trong hai chiến dịch này, hai nhóm tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (mỗi nhóm 5 tàu) bí mật tiến vào Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, việc đồng thời một số lượng lớn tàu ngầm như vậy rời khỏi căn cứ, đều không thể qua mắt được sự theo dõi chặt chẽ của tình báo hải quân của Mỹ.

Phía hải quân Mỹ và NATO đã huy động tất cả các lực lượng và phương tiện, tiến hành một cuộc săn lùng toàn diện. Tuy nhiên, các tàu ngầm trên đã vượt qua tất cả các tuyến phòng thủ chống ngầm của hải quân Mỹ và tiến đến bờ biển Mỹ mà không bị phát hiện, làm cho những cái "đầu nóng" của Mỹ phải có những hành động hạn chế leo thang căng thẳng.

Tìm kiếm và theo dõi tàu ngầm là một câu chuyện dài và Hải quân Nga đã kế thừa xuất sắc những kinh nghiệm của Hải quân Liên Xô.

Hồi đầu tháng 5/2017, Bộ Quốc phòng Nga thông báo chiếc tàu ngầm Krasnodar sẽ rời Hạm đội Biển Đen ở quân cảng Sevastopol để đến quân cảng Tartus (Syria); Krasnodar sẽ thực hiện chế độ đi nổi và có một tàu kéo dẫn đường.

Khi biết thông tin của Nga, lập tức Mỹ và đồng minh lên kế hoạch theo dõi chiếc Krasnodar bằng máy bay tuần tra biển và tàu chiến.

Biết tàu ngầm Nga chơi trò “mèo vờn chuột”, lực lượng săn ngầm Mỹ vẫn bất lực đứng nhìn - Ảnh 4.

Máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ là một trong những kẻ thù số một của tàu ngầm Nga. Ảnh: The National Interest.

Tuy nhiên, khi chiếc Krasnodar tới Địa Trung Hải, nó lặng lẽ lặn xuống lòng đại dương. Ngay lập tức, một lực lượng hùng hậu tìm kiếm chiếc Krasnodar gồm tàu sân bay Bush và 5 tàu chiến hộ tống cùng các máy bay chống ngầm P-8 Poseidon và trực thăng MH-60R "Ó Biển.

Cuộc chơi trốn - tìm bắt đầu từ lúc đó, kéo dài suốt nhiều ngày trong tháng 6. Những chiếc trực thăng cất cánh và tàu khu trục hạm ở phía đông Địa Trung Hải dùng radar để dò tín hiệu của Krasnodar trên mặt biển, hoặc thả cột sonar và các phao thủy âm xuống các mực nước sâu khác nhau.

Theo tờ WSJ, radar của hải quân Mỹ đặt trên trực thăng, chiến đấu cơ hoặc tàu chiến có thể dò ra những vật nhỏ cỡ chiếc kính hiển vi. Trên tàu sân bay Bush còn có 3 nhà đại dương học chống ngầm của hải quân Mỹ để giúp dò tìm chiếc tàu ngầm Nga, tuy nhiên việc dò tìm chiếc Krasnodar vẫn vô vọng.

Và vài ngày sau, chiếc Krasnodar đã thực hiện phóng tên lửa hành trình để tiêu diệt các mục tiêu của bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở gần thành phố Palmyra (Syria) làm chỉ huy hải quân Mỹ hết sức bất ngờ và bối rối. Cuộc chơi trốn tìm kết thúc vào ngày 30 tháng 7, khi chiếc Krasnodar nổi và cập cảng Tartus (Syria) trùng ngày Truyền thống của Hải quân Nga.

Tàu ngầm Nga phóng tên lửa tấn công trong cuộc tập trận “Grom-2019”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại