Miếng ăn đến miệng còn rơi: 3 mẫu tiêm kích Nga-Trung khiến Iran khao khát nhưng "lực bất tòng tâm"

Lâm Vy |

Nếu tất cả những đồn đoán gần đây là đúng thì Iran đã nhiều lần tìm cách mua máy bay chiến đấu mới.

Trên lý thuyết, Không quân Iran là một trong những lực lượng không quân lớn nhất trên thế giới, với khoảng 350 máy bay chiến đấu, gấp hơn 2 lần số chiến đấu cơ của Không quân Hoàng gia Anh.

Tuy nhiên, phần lớn số máy bay chiến đấu của Iran đã cũ kỹ và lỗi thời. Những máy bay mới hơn một chút chỉ là những mẫu được sao chép từ các thiết kế cũ.

Các phi đoàn của Không quân Iran bao gồm tiêm kích F-14, F-5 và F-4 do Mỹ sản xuất từ những năm 1970, 1980, tiêm kích MiG-29 và các tiêm kích-bom Sukhoi do Liên Xô sản xuất, cùng một số máy bay J-7 mà Tehran mua từ Trung Quốc trong những năm 1990.

Trong các thỏa thuận mua sắm gần đây, Iran chỉ đặt mua các chiến đấu cơ nội địa, sao chép từ mẫu F-5. Tuy nhiên, nếu tất cả những đồn đoán gần đây là đúng thì nước này cũng nhiều lần tìm cách mua máy bay chiến đấu mới.

Dưới đây là danh sách các mẫu chiến đấu cơ mà Iran được cho là rất muốn có được nhưng không thể:

MiG-31

Năm 1990, Tehran đã đặt mua từ Moscow 24 tiêm kích đánh chặn MiG-31 cùng với các vũ khí khác. Tiêm kích hai động cơ MiG-31 là mẫu máy bay nối tiếp mẫu MiG-25, nó có thể nâng cao đáng kể khả năng tuần tra không phận của Iran và giúp nước này "răn đe" các quốc gia láng giềng.

Miếng ăn đến miệng còn rơi: 3 mẫu tiêm kích Nga-Trung khiến Iran khao khát nhưng lực bất tòng tâm - Ảnh 1.

Thế nhưng, Liên Xô đã sụp đổ trước khi có thể hoàn tất đơn hàng của Iran. Năm 1992, Tehran tiếp tục tìm cách mua từ Nga – khi ấy đang gặp khó khăn về tài chính – một lô tiêm kích MiG-29, các máy bay ném bom Tu-22, tiêm kích-bom MiG-27 và 24 tiêm kích MiG-31. Rất tiếc, lần này Mỹ đã gây áp lực lên Nga để buộc Moscow phải hủy bỏ thỏa thuận.

Một số nguồn tin cho biết, Mỹ thậm chí còn đưa ra mức giá cao hơn mức mà Iran có thể trả để mua MiG-31.

9 năm sau, vào năm 2001, Tehran một lần nữa tìm cách mua MiG-31, thậm chí đã đặt cọc tiền trước. Tuy nhiên, Mỹ lại buộc Nga phải hủy bỏ hợp đồng.

Su-27/Su-30:

Miếng ăn đến miệng còn rơi: 3 mẫu tiêm kích Nga-Trung khiến Iran khao khát nhưng lực bất tòng tâm - Ảnh 2.

Đã có một số đồn đoán về việc Iran tìm cách mua các tiêm kích Su-27 hoặc thậm chí phiên bản hiện đại hơn – Su-30 – từ Nga.

Năm 2007, tin đồn về hợp đồng cung cấp 250 chiếc Su-30 cho Iran đã buộc người đứng đầu cơ quan xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga lên tiếng phủ nhận.

Tới năm 2016, lại có tin đồn Iran mua Su-30 nhưng lần này, các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm hạn chế chương trình hạt nhân Iran đã khiến các nỗ lực của Tehran gặp nhiều khó khăn.

J-10

Miếng ăn đến miệng còn rơi: 3 mẫu tiêm kích Nga-Trung khiến Iran khao khát nhưng lực bất tòng tâm - Ảnh 3.

Trong những năm 1990, Iran đã mua được một số máy bay J-7 từ Trung Quốc, đây là bản sao của tiêm kích MiG-21 Liên Xô. Trong thập kỷ trước, Không quân Trung Quốc bắt đầu thay thế nhiều máy bay J-7 bằng mẫu J-10 mới hơn và hiện đại hơn, có khả năng gần ngang ngửa mẫu F-16 của Mỹ.

Năm 2015, có tin đồn Tehran muốn mua tới 150 chiếc J-10 nhưng đến nay vẫn chưa có gì xảy ra. Đáng chú ý, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn với các quốc gia Ả Rập ở Trung Đông như Saudi Arabia và UAE, trong khi cả hai quốc gia này đều là đối thủ của Iran.

Đối với Bắc Kinh, thu được vài tỷ USD từ việc bán máy bay chiến đấu cho Iran không đáng để đánh đổi mối quan hệ ngoại giao với các nước Ả Rập.

Cái khó ló cái khôn

Gặp nhiều khó khăn trong việc mua máy bay chiến đấu mới, Iran đã tìm cách nâng cấp và sao chép các mẫu máy bay cũ có trong biên chế. Các tiêm kích F-4, F-14 và Su-22 được sửa chữa khung thân, lắp đặt cảm biến mới và trang bị vũ khí mới.

Đồng thời, các kỹ sư Iran đã tháo dỡ, nghiên cứu, sao chép mẫu tiêm kích hạng nhẹ F-5 rồi cho ra đời ít nhất 2 phiên bản sao chép từ nó, bao gồm mẫu Saeqeh và Kowsar.

Truyền thông Iran cho biết, Kowsar là mẫu máy bay hoàn toàn nội địa, trong khi mẫu Saeqeh có thể được thiết kế dựa trên nguyên lý "bình mới rượu cũ", sử dụng khung thân của F-5 thay vì chế tạo khung thân mới.

Sau nhiều nỗ lực mua máy bay mới thất bại, Iran có lẽ không còn lựa chọn nào khác là nâng cấp các máy bay cũ. Tuy nhiên, theo nhà phân tích quốc phòng David Axe, họ cũng gặp phải nhiều hạn chế. Chẳng hạn như, mẫu F-4, dù được lắp radar mới ưu việt hơn, thì vẫn là chiếc F-4 chậm chạp và không có khả năng tàng hình.

Tương tự, bản sao của F-5 vẫn sẽ hoạt động như chiếc F-5 bản gốc và khó lòng sánh được với các mẫu tiêm kích hiện đại hơn mà các đối thủ của Iran đang vận hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại