Thất bại ê chề ở Saudi Arabia, Mỹ sẽ "ruồng bỏ" tên lửa Patriot do chính mình chế tạo?

Trà Khánh |

Dù muốn hay không, Lầu Năm Góc cũng phải xem xét lại việc sử dụng tên lửa Patriot làm trung tâm cho hệ thống phòng thủ tên lửa ở Thái Bình Dương sau thất bại ở Saudi Arabia.

Theo Sputnik, mặc dù cơ sở lọc dầu Abqaiq–Khurais được bảo vệ bởi hai hệ thống tên lửa Patriot, thế nhưng chúng lại bị tê liệt hoàn toàn trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình hôm 14/9 vừa qua.

Và đây không phải là lần đầu tiên tên lửa Patriot cũng như phòng không Saudi Arabia thể hiện sự bất lực trước một đối thủ yếu kém hơn họ về nhiều mặt.

Thất bại liên tiếp của tên lửa Patriot tại Saudi Arabia cũng khiến Mỹ và một số đồng minh lo lắng cho kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu và xa hơn là châu Á – Thái Bình Dương. Bởi hệ thống tên lửa phòng không Patriot được xem là trung tâm cho kế hoạch này.

Điều này được thể hiện rõ trong bài phỏng vấn mới đây của Tướng Charles Brown, Tư lệnh Các lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) với tờ Aviation Week, khi vị tướng Mỹ này cho rằng các hệ thống đánh chặn cỡ lớn và nặng nề hiện tại như Patriot hay Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) không còn hiệu quả.

Thất bại ê chề ở Saudi Arabia, Mỹ sẽ ruồng bỏ tên lửa Patriot do chính mình chế tạo? - Ảnh 2.

Việc quá phụ thuộc vào hệ thống tên lửa phòng không Patriot đang khiến Mỹ và đồng minh phải trả giá. Ảnh: Sputnik.

Theo như ý tưởng của Tướng Brown, các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cần được trang bị những loại vũ khí laser dùng "lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ" để tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa từ trên không.

"Vũ khí laser có thể hoạt động hiệu quả hơn so với các hệ thống đánh chặn cỡ lớn và nặng nề", Tướng Brown cho hay.

Đây là điểm cho thấy rõ, Lầu Năm Góc đang lo sợ sự yếu kém của tên lửa Patriot sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu mà họ tốn công xây dựng bấy lâu nay. Trong khi đó ở thời điểm tại, Quân đội Mỹ gần như không có ứng cử viên có đủ năng lực để thay thế Patriot.

Trong khi đó, đối tượng tác chiến chính của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh ở châu Âu hay châu Á – Thái Bình Dương lại là các cường quốc sở hữu công nghệ tên lửa đứng nhất nhì thế giới là Nga và Trung Quốc.

Vậy thử hỏi, ngay cả một đối thủ dưới tầm như phiến quân Houthi, mà tên lửa Patriot còn không thể chống đỡ nổi thì khi đối mặt với các tên lửa tấn công tiên tiến của Nga hay Trung Quốc thì chúng còn thảm bại tới mức nào?

Do đó việc Lầu Năm Góc suy nghĩ phương án thay thế tên lửa Patriot ngay ở thời điểm hiện tại là điều hoàn toàn có cở sở.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng để loại bỏ Patriot ra khỏi hệ thống phòng thủ hiện tại đối với Mỹ không phải là điều dễ dàng, khi Patriot đang là hệ thống tên lửa phòng không chính của Quân đội Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh, do đó chuyện Patriot bi loại biên không phải là chuyện nói là có thể làm được

Trong khi đó Lầu Năm Góc vẫn chưa có phương án sẽ dùng gì để thay thế Patriot và quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc.

Từ hai điểm trên có thể nhận định, có thể Lầu Năm Góc đã có kế hoạch thay thế tên lửa Patriot nhưng đó sẽ là chuyện của 10 hoặc 20 năm nữa. Còn ở thời điểm hiện tại họ sẽ cùng với nhà thầu quốc phòng của mình tìm cách vá các lỗ hỏng của hệ thống phòng không này trước khi tìm được một phương án khả dĩ hơn.

Xem tên lửa Patriot của Mỹ dũng mãnh khi tập trận ở châu Âu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại