Mỹ 'siết chặt thòng lọng', dồn Iran vào đường cùng?

Kiệt Linh |

Phát biểu tại phiên thảo luận chung trong khóa họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra ngày hôm qua (24/9), Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt lên Iran cho đến khi Tehran buộc phải thay đổi chính sách.

"Chừng nào các hành vi hăm dọa của Iran vẫn còn tiếp tục thì các biện pháp trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ. Chúng sẽ được siết chặt hơn nữa”, ông Trump cảnh báo.

Nhà lãnh đạo nước Mỹ lên án Iran là “một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất mà các nước yêu chuộng hòa bình ngày nay đang phải đối mặt”. Ông Trump cáo buộc Tehran tài trợ, hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố và đang tìm cách để có được vũ khí hạt nhân. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhắc lại rằng, Mỹ đã siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran sau khi Mỹ xé bỏ thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà các cường quốc ký với Tehran – một thỏa thuận từng được xem là bước đột phá trên con đường ngăn chặn Iran theo đuổi vũ khí tên lửa và hạt nhân.

"Với hy vọng muốn giải thoát khỏi các biện pháp trừng phạt, chính quyền Iran đã leo thang trong các hành động gây hấn bạo lực mà không hề bị khiêu khích", ông Trump tố cáo. "Để đáp trả lại loạt trận tấn công gần đây của Iran nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Ả-rập Xê-út, chúng tôi vừa áp đặt cấp độ trừng phạt ở mức cao nhất nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran và Quỹ Tài sản Chủ quyền."

"Đã đến lúc giới lãnh đạo Iran phải bước lên phía trước và ngừng đe dọa các nước, tập trung vào việc xây dựng đất nước của riêng mình", ông Trump kêu gọi. "Đã đến lúc giới lãnh đạo Iran phải đặt người dân lên ưu tiên hàng đầu."

Mỹ và phương Tây đang vô cùng tức giận trước việc hôm 14/9 hai cơ sở dầu mỏ của Ả-rập Xê-út bất ngờ bị tấn công ồ ạt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất dầu mỏ của một trong những nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Sau vụ việc trên, Mỹ và Ả-rập Xê-út nhanh chóng đổ lỗi cho Iran là thủ phạm gây ra loạt trận tấn công táo tợn vào các cơ sở dầu mỏ của Ả-rập Xê-út.

Sau Mỹ, đến lượt Pháp, Đức và Anh cũng đều cho rằng, Iran đứng đằng sau loạt trận tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Ả-rập Xê-út. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 23/9 đã ra tuyên bố chung khẳng định Iran là nước đứng đằng sau các cuộc tấn công hôm 14/9 nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Ả-rập Xê-út.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ nhất các cuộc tấn công nhằm mục tiêu vào hai cơ sở dầu mỏ trên lãnh thổ của Ả-rập Xê-út hôm 14/9/2019 ở Abqaiq và Khurais. Chúng tôi tái khẳng định sự đoàn kết ở mức cao nhất của chúng tôi với Vương quốc Ả-rập Xê-út và nhân dân của họ… Chúng tôi thấy rất rõ ràng rằng Iran phải chịu trách nhiệm cho những cuộc tấn công đó. Không có lời giải thích nào hợp lý hơn. Chúng tôi ủng hộ các cuộc điều tra tiếp tục diễn ra để có thể cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc”, tuyên bố của ba nước Anh, Pháp, Đức do chính phủ Pháp đưa ra ngày hôm qua đã nhấn mạnh như vậy.

Tình hình Trung Đông đang như “chảo lửa” sau khi quan hệ Mỹ-Iran đã đảo chiều từ hòa dịu sang đối đầu kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng một lập trường cứng rắn với Iran, khác hẳn với chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama. Mỹ đã rất tức giận khi Iran tiến hành thử tên lửa đạn đạo hồi đầu năm 2017. Mỹ đã tuyên bố đặt Iran vào “tầm ngắm” đồng thời nhanh chóng tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Trong diễn biến đẩy tình hình căng thẳng leo thang lên một cấp độ mới, Tổng thống Trump hồi tháng 5 năm ngoái cuối cùng cũng đã “xé toạc” thỏa thuận hạt nhân JCPOA từng được các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc miêu tả là bước đột phá mang tính lịch sử. Kể từ sau hành động trên của Tổng thống Trump, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi trầm trọng.

Chính quyền của Tổng thống Trump hơn một năm qua đã thực hiện “chiến dịch gây sức ép tối đa” nhằm làm kiệt quệ nền kinh tế Iran và khiến các nhà lãnh đạo của Iran phải đến bàn đàm phán. Tuy nhiên, rõ ràng áp lực tối đa đã khiến Iran trở nên cứng rắn hơn, hiếu chiến hơn. Hôm 20/6, Iran không ngần ngại bắn rơi một máy bay do thám không người lái của Mỹ. Cùng với đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo nước ông sẽ tăng cường hoạt động làm giàu uranium nếu các nước Châu Âu không tìm ra được một con đường nhằm nới lỏng biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran. Gần đây, Iran được cho là đang tăng cường các cuộc tấn công vào các tàu chở dầu cũng như các cơ sở dầu mỏ ở Trung Đông, khiến Mỹ và phương Tây thực sự cảm thấy bất an.

Cuộc đối đầu giữa Iran và phương Tây gây lo ngại khắp toàn cầu bởi mỗi động thái của họ đều mang đến nguy cơ về việc bất kỳ một sự hiểu nhầm hay bất kỳ bước đi sai lầm nào đều có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại