Đã đến lúc Iran và Saudi phải tự giải quyết căng thẳng ở Vùng Vịnh

Hoàng Phạm |

Việc Mỹ không sẵn lòng tiến hành một chiến dịch quân sự với Iran cho thấy, đã đến lúc Saudi Arabia cần tự mình giải quyết những căng thẳng ở Vùng Vịnh.

Giảm căng thẳng bắt đầu từ Yemen

Các vụ tấn công nhằm vào công ty dầu mỏ lợi nhuận nhất thế giới Aramco của Saudi Arabia, có thể mở ra một cánh cửa ngoại giao cho những căng thẳng quanh bán đảo Arab.

10 ngày sau vụ tấn công nhằm vào các có sở dầu khí của Aramco, công ty dầu mỏ khổng lồ thuộc sở hữu của nhà nước Saudi, quá trình sửa chữa vẫn đang diễn ra một cách chậm chạp, xuất khẩu sang các nước châu Á chủ chốt bị ảnh hưởng. Có lẽ đã đến lúc chế độ quân chủ ở Saudi Arabia phải thức tỉnh trước một thực tế địa chính trị.

Theo các chuyên gia, khởi đầu cho việc giảm căng thẳng sẽ là từ Yemen, nơi mà Saudi Arabia và địch thủ khu vực Iran ủng hộ các bên khác nhau trong cuộc xung đột đã kéo dài nhiều năm.

“Hiện nay chúng ta đang đơn độc và chúng ta cần phải xoay sở. Các đồng minh của ngày hôm qua không còn y nguyên như họ đã từng nữa… những tuyên bố sát cánh bên chúng ta trong những thời khắc khủng hoảng đã được phơi bày”, một bài viết trên nhật báo Okaz liên kết với chính phủ Saudi viết.

Bài viết được cho là không chỉ nhắc tới chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump – người từ chối tấn công Iran để đáp trả vụ tấn công hôm 14/9 - mà còn nhắc tới đồng minh UAE, nước mới đây đã đối thoại với Iran và giữ khoảng cách với sự can thiệp do Saudi dẫn đầu ở Yemen.

Thậm chí Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu mỏ chính của Saudi Arabia, cũng từ chối can dự, theo bài viết trên Okaz. “Vậy còn lại ai? Sự thật là chẳng ai sẽ can thiệp một cách dứt khoát nhằm ngăn chặn Iran”.

Nhành ô liu

Ngày 25/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, trong đó đề xuất một sáng kiến an ninh mới ở vùng Vịnh với các nước láng giềng Arab.

Dù ít có khả năng Saudi Arabia sẽ phản hồi một cách tích cực với một đề xuất từ Iran sau vụ tấn công các cơ sở dầu khí – mà Mỹ, Anh và các nước châu Âu cho là do Iran tiến hành - thì Riyadh lại có vẻ như đang tìm cách giảm căng thẳng với các đối thủ khu vực của mình.

Ngày 22/9, một phái đoàn từ chính phủ Yemen được Saudi Arabia hậu thuẫn đã tới Oman để đối thoại với lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn.

Về phần mình, từ ngày 20/9, lực lượng Houthi đã tuyên bố sẽ dừng tất cả các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Saudi.

Đề xuất của Houthi, lực lượng chống lại liên minh quân sự do Saudi dẫn đầu ở Yemen từ năm 2015 và thường xuyên bắn tên lửa qua biên giới, có vẻ như là một "nhành ô liu" có chủ ý sau khi chính lực lượng này đã thừa nhận tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Saudi Arabia.

Các vụ tấn công ngày 14/9 ở Đông Bác Saudi được cho là xuất phát từ phía Bắc – qua vùng biển ở Iran, hơn là từ Yemen phía cực nam của bán đảo Arab.

Iran được cho là đã tận dụng sơ hở của hệ thống Patriot mà Mỹ cung cấp chỉ hướng về phía nam chứ không phải phía bắc, đã để các máy bay không người lái và tên lửa hoạt động ở ngoài tầm quan sát 120 độ của hệ thống phòng thủ này cho tới phút chót.

Theo công ty nghiên cứu HIS Markit, quay hướng về phía Tây-Tây Nam, hệ thống Patriot có thể đánh chặn bất cứ tên lửa đạn đạo nào bay đến từ phía Yemen. Tuy nhiên, nó lại “bỏ sót” các mối đe dọa từ phía Bắc, hướng mà quân đội Saudi cho là các UAV đã tấn công cơ sở dầu khí Abqaib.

Tuy nhiên, cho tới nay, mối đe dọa về một cuộc tấn công trực tiếp từ Iran đã giảm khá nhiều, bất chấp những căng thẳng leo thang suốt mùa hè vừa qua ở Vùng Vịnh.

Khoảng trống cho ngoại giao

Sự tham gia của chính phủ Yemen vào các cuộc đàm phán hòa bình mới nhất với Houthi có vẻ như là một động thái có tính toán của Saudi Arabia.

“Khi nói đến những nỗ lực đối thoại gần đây nhất ở Oman, rõ ràng là Iran đã xen vào mọi diễn biến, vì thế bất cứ điều gì xảy ra với với tiến trình hòa bình Yemen cũng sẽ liên quan tới Iran, thậm chí nếu không phủ nhận thì Iran có vai trò lớn trong tiến trình ngoại giao và chính trị”, nhà phân tích Nabeel Nowairah thuộc Diễn đàn Quốc tế vùng Vịnh có trụ sở ở Washington DC nói với Asia Times.

Trong khi đó, Thái tử Saudi Mohammed bin Salman đã biến việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu của công ty dầu mỏ nhà nước Aramco là một nền tảng quan trọng trong chính sách chuyển hướng nền kinh tế từ dầu mỏ sang các lĩnh vực mới và công nghệ mới. Bất cứ cuộc tấn công mới nào nhằm vào gã khổng lồ dầu mỏ này cũng sẽ làm chùn bước các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, chính quyền Saudi cũng đã thừa nhận rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa được chuẩn bị để đi đến chiến dịch quân sự vì đồng minh Vùng Vịnh của mình.

“Tôi nghĩ Saudi Arabia đã phải thừa nhận rằng Mỹ sẽ không sẵn lòng đi đến chiến tranh với Iran vì đồng minh”, Nowairah nói. Mặt khác, Iran đã thể hiện sẵn sàng sử dụng vũ lực.

“Saudi Arabia sẽ có lợi ích nếugiảm căng thẳng với Iran. Bất cứ sự đáp trả nào đối với cuộc tấn công Aramco cũng sẽ ‘đối mặt với một sự đáp trả mạnh mẽ hơn’”, nhà phân tích Nowairah nhận định./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại