Bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore "ăn cánh mũi" đã được xuất viện

T.LINH |

Sau hơn 3 tuần điều trị tích cực với sự phối hợp hiệu quả của nhiều chuyên khoa, bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore "ăn cánh mũi" được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã ổn định và được xuất viện vào ngày 19.9.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngày 28.9, Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân P.T.S. nữ (49 tuổi, ở Bắc Kạn) được bệnh viện tỉnh chuyển đến trong tình trạng sốt cao liên tục.

Một tuần trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện nhọt ở cánh mũi và có dấu hiệu hoại tử lan rộng, đồng thời xuất hiện thêm ổ áp-xe ở khớp cổ chân phải.

Tại tuyến dưới, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu trên nền bệnh nhân đái tháo đường týp 2 và được điều trị kháng sinh rocephin, vancomycin, metronidazol nhưng không đỡ và được chuyển đến Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Tại đây, dựa vào các dấu hiệu bệnh cảnh lâm sàng và kinh nghiệm nghề nghiệp, các bác sĩ đã cho cấy mủ để tìm nguyên nhân. Đúng theo dự đoán, kết quả nuôi cấy mủ từ vết thương sau 3 ngày cho kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn có tên gọi là Whitmore ).

“Khi đó chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Cường nói.

Với trường hợp này, trong giai đoạn tấn công, bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ kháng sinh đặc hiệu truyền tĩnh mạch liều cao.

Đồng thời được hội chẩn với nhiều chuyên khoa trong bệnh viện như Nội tiết - Đái tháo đường, Tai mũi họng, Cơ xương khớp, Vi Sinh,… để theo dõi, phối hợp điều trị bệnh nền và giải quyết các tổn thương tại chỗ, đặc biệt là chăm sóc vết thương hàng ngày để bảo tồn cánh mũi.

Sau 1 tuần điều trị, các dấu hiệu của bệnh đã bắt đầu thuyên giảm: sốt giảm dần, cánh mũi se lại, không còn chảy mủ. 3 tuần sau, bệnh nhân cắt sốt, toàn trạng ổn định, ăn ngon miệng, tổn thương ở cánh mũi đã được hồi phục hoàn toàn.

Khi các chỉ số xét nghiệm trở về bình thường, ngày 19.9 bệnh nhân được xuất viện, điều trị ngoại trú trong niềm vui của gia đình và các thầy thuốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Trước câu hỏi “Whitmore có phải là vi khuẩn ăn thịt người ?” như một số báo đã đưa tin khiến dư luận hoang mang trong thời gian gần đây, bác sĩ Đỗ Duy Cường khẳng định “Whitmore không phải là vi khuẩn “ăn thịt người” mà là bệnh đã được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây.

Bệnh cũng không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người.

Tuy là một bệnh nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao, nhưng nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế người dân không nên quá hoang mang”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại