Đài Loan có trong tay vũ khí khiến Trung Quốc phải kiêng nể?

Kiệt Linh |

Đài Loan đã bắt đầu bắt tay vào sản xuất hàng loạt một loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất mới có sức mạnh khiến Trung Quốc cũng phải kiêng nể.

Báo chí Đài Loan hôm 4/8 đưa tin, Viện Công nghệ và Khoa học Chung-Shan của Đài Loan đã quyết định đưa tên lửa Yun Feng vào sản xuất hàng loạt. Tên lửa siêu âm Yun Feng được phát triển từ những năm 1990. Nó có thể bay đến gần 2000km, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, D.C, cho hay.

Tầm bắn trên cho phép Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan có thể đe dọa nhiều căn cứ không quân, cảng biển và các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc có thể sử dụng để làm bàn đạp tấn công hòn đảo Đài Loan.

Taipei được cho là đang chế tạo 20 tên lửa Yun Feng cùng với 10 bệ phóng được đặt trên xe tải.

Đài Loan cũng đang phát triển một loại tên lửa hành trình mới được phóng đi từ trên không. Đài Loan được cho là đang tìm cách thay thế các tên lửa cũ để tăng cường sức mạnh quân sự.

Kho vũ khí của Đài Loan hiện đang có hàng trăm tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn đủ để tấn công vào đại lục Trung Quốc.

Thông tin trên gây lo ngại cho Trung Quốc bởi nó là một bước đi thêm nữa trong chiến dịch tăng cường sức mạnh quân sự mà chính quyền của bà Tsai đang cấp tập thực hiện.

Trước đó, Đài Loan vừa khánh thành nhà máy đóng tàu giúp họ có thể đóng những chiếc tàu ngầm mới đầu tiên trong gần 40 năm trở lại đây. Phát biểu trong buổi lễ khánh thành, Nhà lãnh đạo Đài Loan Tsai Ing-wen cho biết, chính quyền Đài Loan quyết tâm phát triển các hệ thống vũ khí phòng thủ tự chế của riêng mình và đóng những chiếc tàu ngầm tự chế để nâng cao năng lực chiến đấu của Hải quân.

Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đã bị chia cắt năm 1949, sau một cuộc nội chiến và kể từ đó đến nay Bắc Kinh luôn khẳng định mục tiêu kiên quyết thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc. Bắc Kinh công khai ý định sẵn sàng dùng vũ lực đối với VLT Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Vì thế, Đài Loan vẫn luôn canh cánh cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với hòn đảo này.

Căng thẳng ở Eo biển Đài Loan từng trở nên dịu nhẹ dưới thời Nhà lãnh đạo Ma Ying-jeou khi ông này lên cầm quyền năm 2008 với cương lĩnh củng cố, phát triển các mối quan hệ thương mại và du lịch với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, kể từ khi bà Tsai Ing-wen lên cầm quyền hồi năm 2016, tình hình Eo biển Đài Loan bắt đầu leo thang căng thẳng do Nhà lãnh đạo mới của Đài Loan áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc.

Bà Tsai công khai thực hiện nhiều bước đi nhằm đối phó với Trung Quốc như tăng chi tiêu quân sự, tăng cường mua sắm vũ khí và mở rộng hợp tác với các nước lớn, đặc biệt là đồng minh Mỹ. Bắc Kinh đương nhiên không thể chấp nhận một Đài Loan ngày càng thách thức khi hòn đảo này luôn luôn được Trung Quốc coi là một vùng lãnh thổ của họ

Bắc Kinh luôn phản đối gay gắt và quyết liệt việc bất kỳ nước nào tăng cường quan hệ với Đài Loan và đặc biệt trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, bởi Bắc Kinh tin rằng điều đó vi phạm chính sách Một Trung Quốc.

Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, Mỹ vẫn có nhiều bước đi thể hiện sự ủng hộ của nước này dành cho VLT Đài Loan. Điều này đã gây thêm sóng gió cho quan hệ Mỹ-Trung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại