Bẽ bàng trước Mỹ, Trung Quốc đã nhờ Su-30MKK của Nga mà "ngẩng mặt lên" như thế nào?

Lâm Vy |

Nhận thức được rõ rằng mình chưa đủ khả năng đối đầu với Mỹ, TQ đã tìm tới Nga– lúc này đang triển khai tiêm kích Su-30, được đông đảo ý kiến đánh giá là đáng gờm nhất thế giới.

Mỹ khiến Trung Quốc phải chùn bước

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô sụp đổ, thế giới tiếp tục chứng kiến căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Trung Quốc, và có lẽ trọng tâm chính trong kế hoạch quốc phòng của Trung Quốc là chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm năng với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Vụ Mỹ oanh tạc sứ quán Trung Quốc năm 1989, khiến một số binh lính Trung Quốc thiệt mạng, và việc Mỹ đe dọa phát động chiến tranh chống Triều Tiên, đã khiến giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc (PLA) tăng cường chuẩn bị đề phòng trường hợp Mỹ có bất cứ hành động quân sự nào ở Đông Bắc Á.

Căng thẳng lên tới đỉnh điểm trong Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần ba (1995-1996), Bắc Kinh lo sợ rằng chính quyền thân Mỹ tại Đài Bắc sẽ tìm cách giành độc lập chính thức, tách khỏi Đại lục với sự hỗ trợ của châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, phương Tây lại lo sợ Trung Quốc sẽ phát động tấn công đối tác lâu năm của họ ở Đông Á.

Bẽ bàng trước Mỹ, Trung Quốc đã nhờ Su-30MKK của Nga mà ngẩng mặt lên như thế nào? - Ảnh 1.

Tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ.

Trong lúc Trung Quốc đang điều động binh lính và thử nghiệm tên lửa ngay gần eo biển Đài Loan để thị uy sức mạnh thì Mỹ đã đáp trả bằng một màn phô diễn lực lượng quy mô lớn – triển khai 3 tàu sân bay và các nhóm tác chiến đi kèm tới khu vực.

Lực lượng vũ trang Trung Quốc khi ấy đã trải qua một số chương trình hiện đại hóa cơ bản kể từ năm 1991 và được trang bị một số hệ thống vũ khí tân tiến nhất của Liên Xô thời bấy giờ (thông qua Nga và Ukraine).

Tuy nhiên, nhìn chung các chương trình này vẫn trong giai đoạn còn trứng nước, trong khi Bắc Kinh ngày càng nhận thức được rằng họ chưa có đủ khả năng đối đầu với Mỹ hoặc thậm chí ngăn Hải quân Mỹ tiếp cận các vùng biển cận bờ.

Điều yếu này càng nổi bật rõ hơn khi hai tàu sân bay Mỹ, USS Belleau Wood và USS Nimitz, di chuyển qua eo biển Đài Loan với đội hình tác chiến đầy đủ. Điều đó đã buộc Bắc Kinh phải tạm thời chùn bước.

Bước ngoặt lớn với Su-30MKK

Theo tạp chí MW, nhằm đáp trả cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan, PLA đã gia tăng các nỗ lực hiện đại hóa lực lượng và đặc biệt củng cố năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) nhằm phòng thủ trước các cuộc tấn công hàng hải.

PLA tìm tới Nga – lúc này đang triển khai mẫu tiêm kích hạng nặng Su-30, được đông đảo ý kiến đánh giá là đáng gờm nhất thế giới. Trang bị các tiêm kích này là một phương thức mang lại hiệu quả chi phí cao nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Trung Quốc và bù đắp cho các điểm yếu còn tồn tại của PLA.

Mặc dù Không quân Trung Quốc (PLAAF) đặt mua các máy bay Su-27 của Nga từ năm 1992 và sau đó cho ra đời mẫu chiến đấu cơ nội địa J-11B nhưng Su-30 là một biến thể mạnh mẽ hơn nhiều với vector lực đẩy hai chiều cho độ cơ động cao hơn, cảm biến mạnh mẽ hơn, hệ thống điện tử hàng không ưu việt, thiết kế hai chỗ ngồi, rất lý tưởng cho vai trò tấn công và diệt hạm.

Bẽ bàng trước Mỹ, Trung Quốc đã nhờ Su-30MKK của Nga mà ngẩng mặt lên như thế nào? - Ảnh 2.

Các tiêm kích Su-27 của Trung Quốc.

Trong số các biến thể của Su-30 từng được phát triển thì Su-30MKK là biến thể mạnh nhất vào thời điểm đó và là mẫu tiêm kích tiên tiến bậc nhất của Nga.

Do phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, Moscow đã sẵn lòng cung cấp các máy bay này cho Trung Quốc bất chấp những bê bối của Bắc Kinh liên quan tới việc ăn cắp công nghệ.

Su-30MKK được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu phòng thủ của Trung Quốc, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã ký hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD để có được mẫu tiêm kích chiếm ưu thế đường không hàng đầu thế giới này.

Ban đầu Trung Quốc chỉ đặt mua 38 chiếc nhưng khả năng ấn tượng của Su-30MKK đã khiến Bắc Kinh đặt hàng thêm nữa, và cuối cùng họ triển khai tới 73 chiếc Su-30MKK.

Hệ thống thông tin liên lạc tầm xa tiên tiến, hệ thống điều khiển fly-by-wire, buồng lái kính, mũ bay hiển thị, hệ thống máy tính hiện đại, hệ thống dẫn đường kết hợp GPS và GLONASS… là những tính năng ưu việt của Su-30MKK.

Vật liệu composite được dùng để chế tạo Su-30MKK chiếm tỷ lệ lớn hơn so với trên các biến thể khác, hợp kim nhôm mới giúp giảm khối lượng máy bay, trong khi bánh lái máy bay làm từ vật liệu composite sợi carbon giúp tăng cường sức mạnh cho chúng.

Bẽ bàng trước Mỹ, Trung Quốc đã nhờ Su-30MKK của Nga mà ngẩng mặt lên như thế nào? - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-30MKK của Trung Quốc.

Theo MW, khung máy bay của Su-30MKK có một số điểm tương đồng với mẫu tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ 4++ Su-35 (được Nga đưa vào biên chế năm 2014).

Cùng với những ưu thế tác chiến đường không được thừa hưởng từ phiên bản gốc Su-30, biến thể MKK được thiết kế để đảm nhận vai trò tấn công hàng hải. Do đó, Su-30MKK chủ yếu do Hải quân Trung Quốc (PLAN) vận hành, thay vì PLAAF.

Chúng được Nga chuyển giao nhanh chóng để đảm bảo mạng lưới phòng thủ tại các bờ biển của Trung Quốc có thể nhanh chóng được củng cố.

Su-30MKK được bổ sung thùng dầu phụ và khả năng tiếp dầu trên không, điều đó cho phép chúng có thể tác chiến tốt hơn dưới vai trò tấn công hàng hải nhằm vào các mục tiêu ở xa.

Bộ tiếp nhận cảnh báo radar của Su-30MKK có thể cung cấp thông tin mục tiêu cho các tên lửa chống tàu Kh-31 mới mà không cần dùng tới các hệ thống phát hiện mục tiêu khác, do đó máy bay có thể đảm nhiệm tốt hơn vai trò tấn công hàng hải với mức độ sống sót cao.

Mỗi chiếc Su-30MKK có thể mang theo một số tên lửa chống tàu Kh-31 với tốc độ Mach 3 và đầu đạn năng hơn 100kg. Các tên lửa này đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các tàu chiến Mỹ nằm trong tầm ngắm của chúng.

Khả năng mang vũ khí lớn hơn và sức bền cao hơn phiên bản gốc Su-30 đã khiến Su-30MKK trở thành biến thể nguy hiểm hơn nhiều dưới vai trò tấn công hàng hải.

Hiện nay Su-30MKK vẫn có mặt trong biên chế Hải quân Trung Quốc (PLAN) và nó vẫn là mẫu tiêm kích tiên tiến nhất của PLA cho tới khi mẫu máy bay chiến đấu nội địa J-16 được đưa vào trang bị trong năm 2013.

Kể từ cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan, năng lực A2/AD của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể và hiện nay đã mở rộng ra ngoài Biển Đông.

Các hệ thống vũ khí như tên lửa đạn đạo "diệt tàu sân bay" DF-21D đã tiếp tục mở rộng tầm bắn tới hơn 1.500km.

Trong khi đó, Trung Quốc gần đây đã triển khai các hệ thống khác như tên lửa chống tàu YJ-12 và hệ thống phòng không HQ-9B tới các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông, càng làm phức tạp thêm các hoạt động hải quân và không quân trong khu vực.

PLAAF đang tiếp tục gia tăng về cả quy mô và chất lượng, mẫu chiến đấu cơ mới nhất của họ ngang bằng và thậm chí có nhiều điểm vượt trội Su-30. Hệ thống tên lửa chống tàu mới đang tiếp tục được thử nghiệm.

Một số nguồn tin cho biết Su-30MKK đã được Trung Quốc trang bị tên lửa không-đối-không nội địa PL-12, sau khi được điều chỉnh hệ thống kiểm soát hỏa lực. Nó dự kiến sẽ còn được trang bị nhiều loại đạn dược với tầm bắn xa hơn nữa trong tương lai, có thể là tên lửa hành trình chống tàu YJ-12 và tên lửa không-đối-không PL-15.

Tạp chí MW cho rằng, việc tích hợp các loại vũ khí tiên tiến mới, kết hợp với hệ thống tác chiến điện tử được cải tiến sẽ giúp Su-30MKK dẫn đầu các cuộc cạnh tranh thêm một số năm nữa.

Mặc dù Su-30MKK đóng vai trò nòng cốt từ những năm 1990 và giờ đây vai trò bảo đảm các lợi ích của Trung Quốc phần lớn đã được chuyển giao sang các hệ thống vũ khí khác, nhưng khả năng tác chiến hàng hải cao, kết hợp với khung máy bay ưu việt của Su-30MKK vẫn sẽ khiến nó tiếp tục là phương tiện chiến đấu quý giá của PLA trong vài thập kỷ tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại