Nhận tối hậu thư S-400, Mỹ buộc phải xuống nước với đồng minh?

Kiệt Linh |

Ankara có thể mua thêm một lô hàng tên lửa phòng không tối tân S-400 thứ hai của Nga nếu không mua được các tên lửa Patriot từ Mỹ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu mới đây đã tuyên bố như vậy.

"Hiện tại, chúng tôi cần thêm các hệ thống phòng không cho đến khi chúng tôi tự sản xuất được các hệ thống của riêng mình. Và nếu chúng tôi có thể mua được từ Mỹ, chúng tôi sẽ mua các hệ thống Patriot. Nếu không thì chúng tôi sẽ mua thêm các hệ thống S-400. Chúng tôi là một đất nước độc lập”, ông Cavusoglu đã nhấn mạnh như vậy tại một diễn đàn chiến lược ở Bled.

Tuyên bố trên của ông Cavusoglu được xem như một tối hậu thư mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhắn gửi đến đồng minh của Mỹ. Theo đó, Ankara muốn nói rằng, nếu Washington chần chừ trong ý định bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ như trước đây thì nước này sẵn sàng quay sang Nga một lần nữa.

Tối hậu thư của Ankara có thể có tác dụng bởi trước đó, Mỹ từng muốn dùng Patriot để phá hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga, Mỹ đã tìm mọi cách để phá vỡ hợp đồng này. Mỹ đã tung ra hàng loạt lời chỉ trích, cảnh báo đầy đe dọa nhằm thuyết phục từ bỏ ý định mua S-400.

Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt với Ankara trong đó có việc loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35. Tuy nhiên, những lời cảnh báo đó không có tác dụng.

Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn tình thế, Mỹ bất ngờ bật đèn xanh cho việc bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ với giá trị hợp đồng lên tới 3,5 tỉ USD. Trước đó, trong một thời gian dài, Mỹ không chấp nhận bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ dù Ankara liên tục bày tỏ mong muốn có được thứ vũ khí thiện chiến này.

Mặc dù rất muốn có trong tay các hệ thống Patriot nhưng lời đề nghị hấp dẫn của Mỹ vẫn không khiến Ankara thay đổi quyết định về hợp đồng S-400. Kết quả là Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã được bàn giao hệ thống tên lửa S-400 đầu tiên từ Nga.

Với phát biểu mới nhất được xem như tối hậu thư của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hệ thống Patriot, Mỹ chắc chắn sẽ phải cân nhắc để hành động. Washington đương nhiên không muốn đồng minh tiếp tục mua các tên lửa S-400 của Nga. Vì thế, rất có thể, lần này, Mỹ sẽ thúc đẩy việc bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Patriot là hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không tầm xa được nhiều "ông lớn" về quân sự trên thế giới ưa chuộng. Hệ thống tên lửa này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và độ cao để chống lại các tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến khác.

Tầm bắn của Patriot nằm trong khoảng từ 70 - 160 km, trần bắn cao nhất lên đến 24km và có thể hạ gục các mục tiêu di chuyển với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh), tương đương gần 6.200 km/h.

Sở hữu hệ thống radar theo dõi giai đoạn để đánh chặn mục tiêu có hiệu suất cao cùng với những tên lửa thông minh, Patriot có khả năng cùng một lúc nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau, liên tục theo sát được tối đa 8 mục tiêu.

Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa dẫn đường khác nhau như Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3. Các tên lửa này được phóng đi và thu thập thông tin của mục tiêu gửi về trạm radar mặt đất. Từ đó các sĩ quan điều khiển sẽ tính toán và vạch hướng tấn công gửi trở lại cho các tên lửa thực hiện.

Những thế hệ tên lửa dẫn đường của Patriot đã được cải tiến rất nhiều từ khi ra đời với những mục đích sử dụng cũng được thay thế. Thế hệ mới nhất của các tên lửa dẫn đường là PAC-3, với nhiều cải tiến về kĩ thuật cũng như hình dáng để đối phó với các tên lửa chiến thuật và máy bay ngày càng hiện đại, tinh vi hơn.

Patriot được xem là phiên bản tương đương với hệ thống phòng không đình đám S-300 và S-400 của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại