"Sóng thần" kinh tế sắp đánh vào Hong Kong?

Thi Anh |

Trung Quốc yêu cầu Cathay Pacific đình chỉ công tác của nhân sự tham gia biểu tình vì cho đó là mối đe dọa trong các chuyến bay tới Trung Quốc đại lục.

Cơn sóng thần

Các cuộc biểu tình đang khiến tình hình kinh tế của Hong Kong bị tổn hại - Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga phát biểu hôm 9/8, lặp lại lời cảnh báo của giới lãnh đạo kinh doanh khi gần 1.000 người biểu tình tại sảnh đến của sân bay Quốc tế Hong Kong.

Trước báo giới, bà Lâm cho biết, các công ty ở trung tâm tài chính của châu Á đều "rất lo lắng" về tác động không mong muốn tới kinh tế từ các cuộc biểu tình, vốn bắt đầu từ tháng Sáu và ngày càng diễn biến phức tạp hơn. 

"Chúng ta đã trải qua hai tháng mâu thuẫn chính trị", bà Lâm nói sau khi gặp các đại diện từ giới kinh doanh và cảnh báo rằng tình trạng kinh tế tuột dốc "đang tới rất nhanh".

"Một số người mô tả nó đang tới như một cơn sóng thần... Hồi phục kinh tế sẽ mất rất nhiều thời gian", bà Lâm nói. 

Bắt đầu chỉ là phản ứng phản đối trước dự luật dẫn độ khởi nguồn từ một vụ sát hại, các vụ biểu tình ở Hong Kong đã nhanh chóng lan rộng thành một hoạt động quy mô với những lời kêu gọi gia tăng quyền tự do dân chủ, yêu cầu bà Lâm từ chức và thậm chí đề nghị không cho khách du lịch từ Trung Quốc đại lục tới. 

Reuters cho rằng, biểu tình Hong Kong là một thách thức dân túy đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ cũng phần nào làm tổn hại tới nền kinh tế của Hong Kong. 

Động thái nhằm vào hãng hàng không Hong Kong

Trong một động thái mới nhất, Trung Quốc đã yêu cầu hãng hàng không Hong Kong Cathay Pacific Airways đình chỉ công tác đối với các nhân sự có liên quan tới các cuộc biểu tình. Một trong số phi công của hãng này đã bị bắt giữ hồi tuần trước.

Trung Quốc cho rằng những thành viên phi hành đoàn tham gia vào các cuộc biểu tình là mối đe dọa đối với sự an toàn trong các chuyến bay tới Trung Quốc đại lục. 

Về phần mình, Cathay cho biết hãng này đang nghiêm túc thực hiện chỉ thị, mặc dù khi được hỏi về những nhân sự tham biểu tình hồi tuần trước, Chủ tịch John Slosar khẳng định: Công ty "không mơ" tới chuyện yêu cầu nhân sự của mình "phải suy nghĩ như thế nào".

Hàng chục công ty Hong Kong khác đã cảnh báo về tình trạng doanh thu sa sút, trong khi một số quan chức Hong Kong nhắc tới khả năng biểu tình làm tổn hại tới sinh kế và có thể góp phần dẫn đến suy thoái.

Đặc khu trưởng Hong Kong cho biết, Hội đồng Lập pháp Hong Kong sẽ nối lại các cuộc họp bị ngừng từ giữa tháng 6 để chuẩn bị cho một chính sách, cân nhắc tới "những biện pháp táo bạo". 

Bà Lâm hối thúc các chủ đất giảm bớt giá cho thuê đối với những hộ kinh doanh bán lẻ đang gặp khó khăn, nhưng bác bỏ yêu cầu điều tra hành vi của cảnh sát trong các cuộc biểu tình.

"Tôi không đồng ý thành lập một nhóm điều tra độc lập nhằm vào công tác của cảnh sát", bà Lâm nói, "Tôi không nghĩ chúng ta nên nhượng bộ để xoa dịu những người biểu tình bạo lực". 

Hai lời cảnh báo - một nhằm vào các cư dân đang dự tính tiến hành thêm các cuộc diễu hành và một nhằm vào biểu tượng kinh tế - cho thấy lập trường cứng rắn của chính quyền Hong Kong khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ, Reuters nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại