"Hồng nhị đại" tiết lộ chính quyền Hong Kong "kêu cứu", cảnh sát TQ có thể lợi dụng điểm mù pháp lý để can thiệp

An An |

Hoàn cầu cho rằng, việc công an TQ có hay không có khả năng hỗ trợ và chi viện cảnh sát Hong Kong chấp pháp hiện nay vẫn là một điềm mù pháp lý và không có quy định rõ ràng.

Vào lúc 10giờ 30 ngày 6/8 (giờ địa phương), 12.000 cảnh sát thuộc các lực lượng hải-lục-không quân đã tham gia diễn tập chống báo động tại quảng trường Hải Tân, quận Bảo An, thành phố Thâm Quyến, Quảng Đông.

Tài khoản weibo công an Thâm Quyến ngày 5/8 thông báo, hoạt động này nhằm mục đích đảm bảo an ninh cho lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc, cũng như tăng cường tập trung cảnh giác, củng cố tinh thần, tập luyện chuẩn bị chiến đấu, dốc toàn lực duy trì an ninh chính trị quốc gia và ổn định xã hội.

Bắc Kinh có khả năng can thiệp vào Hong Kong?

Theo Thời báo Hoàn cầu, các đoạn video diễn tập mô tả, cảnh sát Trung Quốc mang khiên đối đầu với "nhóm người biểu tình" - mặc trang phục tương tự nhóm người biểu tình tại Hong Kong - với áo đen, mũ bảo hộ đỏ hoặc vàng và khẩu trang đen, liên tục ném đồ vật, thậm chí dùng gậy gộc xông về phía cảnh sát. Trong khi đó, đội ngũ cảnh sát đã bắn đạn hơi cay vào "nhóm người biểu tình", đồng thời triển khai cảnh khuyển giải tán đám đông.

Ngoài ra, hình ảnh trực tiếp xuất hiện "nhóm người biểu tình" cố tình đẩy xe về phía cảnh sát và có hình ảnh giống như hiện trường vụ nổ.

Báo Trung Quốc cho biết, nhiều người dân đại lục đã liên tưởng cuộc diễn tập này với hình ảnh cảnh sát Hong Kong trấn áp các cuộc biểu tình đang diễn ra tại đặc khu này trong thời gian qua và dự đoán "Bắc Kinh đã sẵn sàng cho hành động khôi phục trật tự đặc khu".

Truyền thông Hong Kong cũng cho rằng, "đại lục muốn thông qua cuộc diễn tập này, cảnh báo rằng công an Trung Quốc có khả năng và năng lực can thiệp trực tiếp vào Hong Kong".

Thậm chí, tài khoản Weibo của "hồng nhị đại" Sái Tiểu Tâm - con trai của Thiếu tướng Sái Trường Nguyên, nhân vật thuộc thế hệ cách mạng đầu tiên ở Trung Quốc - đã bất ngờ đăng tải bình buận tiết lộ: "Chính quyền Hong Kong đã gửi yêu cầu tới chính phủ trung ương, công an đại lục đã sẵn sàng vào Hong Kong để hỗ trợ cảnh sát đặc khu".

Hồng nhị đại tiết lộ chính quyền Hong Kong kêu cứu, cảnh sát TQ có thể lợi dụng điểm mù pháp lý để can thiệp - Ảnh 1.

Bình luận của Sái Tiểu Tâm về khả năng cảnh sát đại lục can thiệp vào Hong Kong bất ngờ bị xóa sau vài giờ đăng.

Tuy nhiên, bình luận này đã nhanh chóng bị xóa sau vài giờ đăng. Thời báo Hoàn cầu cho rằng, đây không phải lần đầu tiên dư luận có những đồn đoán về việc "quân đội Trung Quốc can thiệp vào Hong Kong".

Trước đó, ngày 31/7, lực lượng PLA đồn trú tại Hong Kong đã đăng tải một video tuyên truyền trên weibo, cho thấy lực lượng này sử dụng xe bọc thép, sử dụng vòi rồng, mang khiên vũ trang và súng trường tiến hành diễn tập chống bạo động. Đáng chú ý hơn, trong video, binh sĩ PLA sử dụng tiếng Quảng Đông cảnh cáo "người biểu tình sẽ phải tự gánh chịu hậu quả", cuối video là hình ảnh người biểu tình bị trấn áp giải đi".

Video tuyên truyền còn nhấn mạnh, PLA có niềm tin và năng lực để đảm bảo an ninh Hong Kong.

Cùng ngày, Thiếu tướng Trần Đạo Tường, Tư lệnh lực lượng đồn trú PLA tại Hong Kong trong buổi lễ kỷ niệm 92 năm thành lập quân đội, đã lớn tiếng cho rằng các sự cố bạo lực gần đây ở Hong Kong là những hàng động "không thể dung thứ được".

Ông này cũng cho rằng, PLA kiên quyết ủng hộ Trưởng đặc khu Carrie Lam, ủng hộ cảnh sát Hong Kong.

Trước đó, vào ngày 30/7, công an Quảng Đông cũng tổ chức cuộc diễn tập quy mô lớn tại Phật Sơn với sự tham gia của 3.700 người dân, 160.000 cảnh sát và nhân viên an ninh, triển khai năng lực chống khủng bố, bạo động và chống hoạt động tội phạm của các lực lượng hải-lục-không quân.

Điểm mù pháp lý

Về việc PLA sẽ can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông, trên thực tế, Văn phòng sự vụ Hong Kong-Macau và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều cho biết, Bắc Kinh sẽ thực hiện hàng động theo quy định của Luật cơ bản.

Theo Điều 14 của Luật cơ bản Hong Kong, lực lượng đồn trú PLA tại Hong Kong "không can thiệp vào các vấn đề địa phương của Đặc khu hành chính Hong Kong. Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong trong tình huống cần thiết, có thể yêu cầu chính phủ trung ương cử lực lượng đồn trú PLA tại Hong Kong hỗ trợ bảo đảm trị an xã hội và cứu trợ thiên tai".

Ngoài ra, Điều 18 của Luật cơ bản và Điều 6 của Luật đồn trú quy định rằng, sau khi Ủy ban Thường vụ Đại biểu nhân dân toàn quốc tức Quốc hội tuyên bố Hong Kong đang trong tình trạng khẩn cấp, lực lượng đồn trú PLA có thể thực hiện các nhiệm vụ mang tính quốc gia tại Hong Kong theo quy định của Quốc vụ viện.

Hồng nhị đại tiết lộ chính quyền Hong Kong kêu cứu, cảnh sát TQ có thể lợi dụng điểm mù pháp lý để can thiệp - Ảnh 2.

Người biểu tình trên đường phố Hong Kong. Ảnh: AP

Thời báo Hoàn cầu cho rằng, việc công an đại lục có hay không có khả năng hỗ trợ và chi viện cảnh sát Hong Kong chấp pháp hiện nay vẫn là một điềm mù pháp lý và không có quy định rõ ràng.

Tuy nhiên, theo mục 40 của Điều lệ an ninh công cộng Hong Kong, Trưởng đặc khu có thể trao quyền cho Cảnh sát trưởng đặc khu về việc ủy nhiệm cảnh sát đặc vụ. Như vậy, theo điều lệ này, Cảnh sát trưởng đặc khu có thể ủy thác cho cảnh sát đại lục đến Hong Kong để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ.

Hoàn cầu khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào cũng đều có hai điều kiện như sau: Thứ nhất, điều này phải xuất phát từ yêu cầu của chính quyền Hong Kong. Thứ hai, chính quyền Hong Kong nắm quyền quản lý trị an đặc khu, dù đại lục có chi viện mạnh mẽ hay không, có triển khai lực lượng đồn trú PLA ở Hong Kong hay lực lượng cảnh sát đại lục thì Bắc Kinh luôn đóng vai trò hỗ trợ chính quyền Hong Kong.

Giới phân tích cho rằng, nội dung diễn tập của lực lượng cảnh sát công an đều có liên quan mật thiết đến các nhiệm vụ chấp hành trong thực tế.

Hoàn cầu dẫn lời một chuyên gia nhận định, "với năng lực hiện nay, cảnh sát đại lục đã luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu quốc gia, phối hợp với yêu cầu của chính quyền đặc khu Hong Kong, đảm bảo trật tự xã hội".

Đặc biệt, trong tuyên bố gần đây, Văn phòng sự vụ Hong Kong-Macau nhận định Hong Kong đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ ngày trở về đại lục (năm 1997) và nhiệm vụ quan trọng nhất của đặc khu này chính là "dập tắt bạo loạn, khôi phục trật tự xã hội".

Hiện nay, Trung Quốc đang thi hành nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" với đặc khu hành chính Hong Kong, tức Hong Kong độc lập về hệ thống pháp lý và chưa có bất cứ điều luật dẫn độ nào với Bắc Kinh. Do đó, nhiều người biểu tình lo ngại, nếu dự luật dẫn độ tội phạm hình sự được thông qua, đặc khu sẽ chịu sự ảnh hưởng ngày càng lớn hơn từ chính quyền Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại