Mỹ muốn xây dựng hiệp ước vũ khí mới với Nga và Trung Quốc

Minh Hạnh |

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang cử một phái đoàn cấp cao đến gặp các đối tác Nga tại Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận về việc xây dựng một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới. Đặc biệt, hiệp ước này sẽ bao gồm cả Trung Quốc.

Theo tờ New York Times, bất chấp các nỗ lực của Moscow, Nhà Trắng hiện không còn mặn mà với việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START), mà nước này kí với Nga năm 2010 và sẽ hết hạn vào năm 2019.

Để xây dựng hiệp ước mới, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cử một phái đoàn cấp cao đến gặp các đối tác Nga tại Thụy Sĩ.

Phái đoàn do Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan dẫn đầu, bao gồm Tim Morrison, người đang đảm nhận vai trò cố vấn hàng đầu của ông Trump về vấn đề nước Nga, đại diện Lầu Năm Góc, Cơ quan An ninh Quốc gia và các bên liên quan khác.

Phái đoàn Nga do Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov dẫn đầu.

Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó tiết lộ ông Sullivan sẽ tới Brussels (Bỉ) vào ngày 18/7 để thông báo về kết quả đàm phán cho các đồng minh NATO.

Dù Mỹ được cho là muốn thuyết phục Trung Quốc cùng kí kết hiệp ước vũ khí hạt nhân, tuy nhiên, theo Reuters, vì Trung Quốc hiện không phải là một bên tham gia các hiệp ước vũ khí giữa Nga và Mỹ, nên không rõ Bắc Kinh sẽ tham gia đàm phán bằng cách nào.

Đặc biệt, các quan chức Trung Quốc cũng đã bác bỏ ý tưởng về việc đàm phán xây dựng thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới với Washington. Bởi Bắc Kinh cho rằng quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) của ông Trump là bằng chứng cho thấy “không thể đặt niềm tin vào Mỹ”.

Tổng thống Trump lần đầu tuyên bố ý định rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hồi tháng 10 năm ngoái, vì cho rằng việc Washington “tiếp tục tuân thủ thỏa thuận, trong khi cả Nga và Trung Quốc đều bị cáo buộc phát triển vũ khí cấm” là không thể chấp nhận được.

Mỹ chính thức dừng thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp ước vào ngày 2/2/2019, kích hoạt quá trình rút khỏi hiệp ước kéo dài 6 tháng.

Moscow và Washington hiện vẫn bị ràng buộc bởi Hiệp ước START mới, bị giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân, tên lửa, máy bay ném bom hạng nặng và bệ phóng.

Tuy nhiên, hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, và hai bên vẫn chưa thảo luận về việc gia hạn.

Vấn đề kiểm soát vũ khí đã trở nên đặc biệt cấp bách đối với Nga và Mỹ, những quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

INF được ký kết vào năm 1987 bởi người đứng đầu Liên Xô khi đó là Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đưa thế giới đến bờ vực của một thảm họa hạt nhân.

Mỹ đã nhiều lần tỏ ra lo ngại về tên lửa 9M729 của Nga, theo Washington, vì cho rằng tên lửa này vi phạm các điều khoản của hiệp ước hạt nhân.

Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, khẳng định tên lửa nằm trong phạm vi cho phép của Hiệp ước INF, và tuyên bố Moscow sẵn sàng đối thoại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại