Tên lửa Tomahawk Mỹ ồ ạt tấn công hủy diệt tàu ngầm Kilo Iran: Những kịch bản kinh hoàng!

Trung Phạm |

Mục tiêu tấn công bao gồm các trận địa tên lửa, trung tâm chỉ huy và điều khiển, tàu chiến, máy bay quân sự và các cơ sở hậu cần khiến khả năng quân sự Iran suy giảm nhanh chóng.

Cuộc chiến tranh chớp nhoáng

Tổng thống Donald Trump đã nói rằng một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran "sẽ không kéo dài lâu" với hàm ý Mỹ sẽ là bên giành chiến thắng với mức chi phí tối thiểu.

Có thể ông Trump nói đúng khi cho rằng một cuộc chiến tranh với Iran có khả năng sẽ kết thúc nhanh chóng và Mỹ sẽ là nước thắng trận, tuy nhiên những thiệt hại cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với các lợi ích của Mỹ sẽ là rất lớn.

Cả Iran và Mỹ dường như đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột quân sự nhưng điều đó không có nghĩa là chiến tranh không thể xảy ra.

Ngày nay, khả năng bùng phát một cuộc xung đột như vậy thậm chí còn cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2011 khi Thủ tướng Israel Netanyahu có ý định tấn công ồ ạt vào chương trình hạt nhân của Iran, sự kiện sẽ kéo Mỹ tham chiến.

Một cuộc xung đột rất có thể sẽ bắt đầu bằng một hành động khiêu khích từ phía Iran khiến Mỹ không thể dung thứ và quyết định ra tay đáp trả để ngăn chặn Tehran tiến hành thêm những hành động khiêu khích tiếp theo.

Iran sẽ coi điều này là không thể chấp nhận và phản ứng tức thì của họ nhanh chóng làm cuộc xung đột leo thang. Đây sẽ là cuộc chiến "ngay trong đêm nay" mà không cần phải đợi thêm vài tuần hay vài tháng để huy động lực lượng. Mỹ hoàn toàn có thể đáp trả bằng những gì hiện có trong khu vực.

Mục tiêu chiến lược của Iran là tìm cách dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bằng việc chứng tỏ khả năng tác động lên nền kinh tế toàn cầu thông qua kiểm soát Eo biển Hormuz; chia tách Mỹ với phần còn lại của thế giới; và đạt được vị thế quốc tế bằng cách làm nhục Mỹ. Tất cả những hành động này được thực hiện trong khi vẫn tránh được mọi mối đe dọa nội bộ đối với chế độ.

Mục tiêu của Mỹ là buộc Iran phải "quỳ gối" đàm phán; duy trì tự do hàng hải; ngăn chặn các cuộc tấn công vào chính Mỹ; giảm khả năng Iran đe dọa các nước láng giềng; ngăn Tehran khởi động lại chương trình vũ khí hạt nhân. Mỹ sẽ thực hiện tất cả những điều này cùng với sự phối hợp của các đồng minh và đối tác truyền thống.

Tên lửa Tomahawk Mỹ ồ ạt tấn công hủy diệt tàu ngầm Kilo Iran: Những kịch bản kinh hoàng! - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump đã phát biểu rằng một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran "sẽ không kéo dài lâu". Ảnh: AP

Những kịch bản tàn khốc

Mặc dù chỉ là hư cấu, nhưng đây là cách một cuộc xung đột như vậy có thể diễn ra:

Dựa trên các lệnh trừng phạt bất hợp pháp và các hành động khiêu khích gần đây của Mỹ, Iran tuyên bố đóng cửa Eo biển Hormuz rồi sau đó tấn công bất kỳ tàu quân sự hoặc thương mại nào cố gắng quá cảnh qua đây.

Hàng chục xuồng và tàu tấn công nhanh của Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGCN) ngay lập tức bắt đầu truy tìm những con tàu nào còn chưa ra khỏi eo biển. Để tránh gây ra sự cố tràn dầu lớn, họ có thể tiến hành các cuộc tấn công hạn chế vào một số tàu chở dầu thương mại, bắt giữ thủy thủ đoàn một con tàu nào đó làm con tin.

Các hệ thống tên lửa của Iran, mà rất nhiều trong số đó được cất giấu trong các hang động hoặc hầm ngầm dọc Eo biển Hormuz bắt đầu được kích hoạt. Một quả tên lửa phóng đi và bắn trúng một tàu chở dầu khiến thủy thủ đoàn từ bỏ con tàu và bị Iran bắt giữ.

Một số tàu khác của Iran đang cố gắng đặt mìn ở eo biển thì bị các chiến cơ trên tàu sân bay Mỹ đánh chìm. Giá bảo hiểm hàng hải cho khu vực tăng vọt, tác động tiêu cực tới tất cả hoạt động lưu thông thương mại.

Tên lửa Tomahawk Mỹ ồ ạt tấn công hủy diệt tàu ngầm Kilo Iran: Những kịch bản kinh hoàng! - Ảnh 2.

Tàu quân sự tấn công nhanh của Iran khai hỏa. Ảnh: US Defense News

Ở những nơi khác, các tàu tên lửa La Combattante và Houdong của Iran từ căn cứ Bushehr ở phía Bắc và Bandar Abbas ở phía Nam vùng Vịnh truy tìm tàu Mỹ để tấn công.

Mặc dù hầu hết các tàu chiến Mỹ đã di chuyển đến nơi an toàn ở phía bên kia Vịnh Ba Tư và một số tàu Iran bị phát hiện và bị không quân Mỹ đánh chìm nhưng một vài quả tên lửa phóng đi được và bị bắn hạ bởi hệ thống phòng thủ trên tàu.

Tuy nhiên, một nhóm lớn các tàu của IRGCN phát hiện thấy một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ và tấn công nó. Rất nhiều các tàu này của Iran bị phá hủy nhưng một chiếc vẫn kịp phóng ngư lôi gây thiệt hại nặng nề cho tàu khu trục Mỹ.

Khi Qatar từ chối yêu cầu của Iran không cấp phép cho máy bay Mỹ hoạt động ở căn cứ không quân Al Udeid, Teharn đã ngay lập tức phóng một loạt tên lửa đạn đạo vào căn cứ này.

Nhiều tên lửa tấn công bị các hệ thống phòng không của Mỹ hạ gục nhưng một số vẫn lọt qua và gây ra thiệt hại ở mức độ hạn chế. Các tên lửa đạn đạo cũng được phóng vào tổng hành dinh của Hạm đội 5 ở Bahrain và một số căn cứ khác trong khu vực với kết quả tương tự.

Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk và các vũ khí khác tấn công tất cả các cơ sở phòng không và trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Iran dọc theo bờ biển Vịnh Ba Tư. Các kho tích trữ mìn hải quân cùng hai tàu ngầm Kilo của Iran do Nga cung cấp đang neo đậu tại Bandar Abbas cũng bị tấn công.

Tên lửa cũng ồ ạt giội xuống các sân bay quân sự ở Bandar Abbas và Bushehr bên trong Vịnh Ả Rập và tại Jask và Chah Bahar bên ngoài Vịnh. Chiếc tàu ngầm Kilo còn lại đang xuất phát từ Bandar Abbas nhanh chóng bị một tàu ngầm Mỹ phát hiện thấy và khai hỏa tiêu diệt.

Tên lửa Tomahawk Mỹ ồ ạt tấn công hủy diệt tàu ngầm Kilo Iran: Những kịch bản kinh hoàng! - Ảnh 3.

Một trong những tàu ngầm lớp Kilo của Iran do Nga cung cấp. Ảnh: NTI

Khi các lực lượng phòng không trong khu vực của Iran bị tê liệt, Mỹ bắt đầu nhắm tới các mục tiêu IRGC đã được biết tới ở khu vực Vịnh Ả Rập bằng cách sử dụng sức mạnh không quân cả ở trên tàu sân bay và trên bộ.

Mục tiêu tấn công bao gồm các trận địa tên lửa, các trung tâm chỉ huy và điều khiển, tàu chiến, máy bay quân sự và các cơ sở hậu cần. Khả năng quân sự của Iran suy giảm nhanh chóng.

Đáp trả, Iran phóng tên lửa tầm trung vào các mục tiêu là cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar. Cuộc xung đột mở rộng về mặt địa lý khi Mỹ tấn công các căn cứ tên lửa này.

Lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq và Afghanistan tấn công các căn cứ và cơ sở ngoại giao của Mỹ bằng các cuộc đánh bom sát và bằng tên lửa gây thương vong lớn cho Mỹ.

Khi xung đột leo thang, Iran bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu tài chính quan trọng của Mỹ như dịch vụ ngân hàng trực tuyến, máy ATM và mạng lưới dịch vụ thẻ tín dụng.

Một số cuộc tấn công dạng này thành công nhưng hầu hết đều được ngăn chặn giảm nhẹ thiệt hại bằng các khoản đầu tư an ninh mạng mà ngành dịch vụ tài chính đã thực hiện. Các cuộc tấn công mạng cũng được thực hiện nhằm vào mạng lưới điện của Mỹ nhưng nhanh chóng được khôi phục.

Tên lửa Tomahawk Mỹ ồ ạt tấn công hủy diệt tàu ngầm Kilo Iran: Những kịch bản kinh hoàng! - Ảnh 4.

Tàu tuần tra tấn công nhanh của Iran hoạt động trên Eo biển Hormuz (2017). Ảnh: MEHR

Cuộc xung đột khiến giá dầu tăng vọt lên hơn 250 USD/thùng và thị trường tài chính toàn cầu sụt giảm mạnh. Hưởng ứng vai trò tiên phong từ Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và kêu gọi ngừng bắn.

Iran ngay lập tức đồng ý vì quân đội của họ đã bị phá hủy đồng thời ý thức rằng họ đã đạt được vị trí cao về mặt đạo đức. Mỹ bác bỏ biện pháp này nhưng vì những tác động đến thị trường tài chính và áp lực ngoại giao lớn cũng nhanh chóng đàm phán ngừng bắn sau hậu trường với Oman đóng vai trò trung gian.

Như vậy, cuộc xung đột không kéo dài lâu - chỉ 4 ngày. Mặc dù Iran bị thất bại về mặt quân sự nhưng không bên nào đạt được tất cả các mục tiêu của mình. Do cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong khu vực bị tổn thất nặng nề và cần phải triển khai các nỗ lực rà quét mìn ở Eo biển Hormuz, giá dầu vẫn ở mức trên 150 USD/thùng.

Nga tăng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ và trở thành bên giành chiến thắng lớn về mặt kinh tế. Nền kinh tế toàn cầu, vốn đã xuất hiện những dấu hiệu suy yếu trước chiến tranh, giờ đây rơi vào suy thoái.

Sự chia rẽ chính trị ở Mỹ ngày càng sâu sắc khi các bên đổ lỗi cho nhau về sự thất bại. Khi các tác động đến kinh tế gia tăng, tổng thống Donald Trump thua cuộc trong chiến dịch bầu cử năm 2020.

Vị thế của Mỹ trên thế giới giảm sút sâu sắc. Cho dù Iran là nước khai hỏa đầu tiên nhưng sự phẫn nộ lại nhằm vào Mỹ bởi Washington đã quá nhanh chóng sử dụng sức mạnh quân sự ở mức chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh Iraq.

Tại Iran, cuộc xung đột gắn kết dân chúng lại với nhau về mặt chính trị, làm suy yếu sâu sắc bất kỳ phe phái "ôn hòa" nào. Tuy vẫn có một số tranh luận về con đường phía trước nhưng chính sách của Iran nhanh chóng tập hợp xung quanh quan điểm của phe cứng rắn, những người đã rất giận dữ với thỏa thuận hạt nhân ban đầu hiện đang bị phá hủy.

Một quyết định được đưa ra là khẩn trương chế tạo vũ khí hạt nhân bằng cách tận dụng một số địa điểm làm giàu bí mật mà Mỹ và các đồng minh không biết. Mục tiêu của Iran là không bao giờ cho phép một cuộc tấn công như vậy vào Iran một lần nữa. Năm 2022, một vụ thử hạt nhân được phát hiện bắt nguồn từ bên dưới sa mạc Dasht-e-Kavir ở Iran.

*Bài viết thể hiện quan điểm của hai chuyên gia Michael Morell và James A. “Sandy” Winnefeld trên tờ The Hill. Ông Michael Morell là nhà tình báo chuyên nghiệp giữ chức Phó Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ năm 2010 - 2013. Còn Đô đốc James A. “Sandy” Winnefeld là sĩ quan hải quân Mỹ từng đảm trách cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ từ năm 2011 - 2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại