Sự thực phũ phàng: Tên lửa S-300 Nga "vô dụng" trong cuộc không kích của Israel vào Syria?

Anh Tú |

Syria dường như vẫn đang phải vật lộn học cách sử dụng hệ thống S-300 hoặc thậm chí còn lo sợ không dám bật nó lên vì như thế sẽ biến thành "mồi ngon" cho các tên lửa của Israel.

Israel không kích ngay "trước mũi" của S-300

Theo truyền thông Syria, các cuộc không kích của Israel nhằm vào một loạt mục tiêu trên lãnh thổ nước này diễn ra vào sáng sớm ngày thứ Hai đầu tuần (1/7) ở các khu vực gần Thủ đô Damascus và tỉnh Homs.

Một chi tiết rất đáng chú ý là cuộc tấn công dồn dập được Israel thực hiện lần này chỉ diễn ra có vài tiếng sau khi Công ty tình báo ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) cho công bố những bức ảnh mới nhất về việc tất cả 4 bệ phóng của hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga chế tạo đã đi vào trực chiến ở gần Masyaf, địa bàn không cách xa vụ tấn công là mấy.

Nga quyết định cung cấp S-300 cho Syria sau khi một chiếc máy bay trinh sát IL-20 của Moscow bị tên lửa phòng không của chính Syria ra vô tình bắn rơi trong quá trình truy đuổi các máy bay F-16 Israel tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ nước này trước đó.

Sự thực phũ phàng: Tên lửa S-300 Nga vô dụng trong cuộc không kích của Israel vào Syria? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300. Ảnh: Mil.ru

Mục đích chuyển giao hệ thống phòng thủ tiến tiến này cho Syria của Nga khi đó là nhằm "hạ nhiệt những cái đầu nóng" trong khu vực, mà thực chất là phát đi thông điệp mạnh mẽ cảnh báo Israel, nước bị Moscow cáo buộc chính là bên đứng sau thảm kịch khiến 15 quân nhân Nga trên chiếc Il-20 thiệt mạng.

Tuy nhiên, trong suốt hơn 9 tháng qua kể từ thời điểm S-300 được chuyển tới Syria, hệ thống vẫn chưa từng đi vào hoạt động. Mọi việc thay đổi vào ngày 30/6 khi ISI tiết lộ các hình ảnh về cả 4 bệ phóng S-300 đã được dựng lên ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cùng 2 tổ hợp radar bên cạnh.

Radar của S-300 tại Syria có tầm phát hiện vài trăm km còn tên lửa thì được cho là có thể đánh chặn các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 200 km. Địa bàn Masyaf nơi hệ thống S-300 được triển khai chỉ cách khu vực bị Israel tấn công hôm 1/7 vài chục km, nghĩa là vụ không kích diễn ra ngay trước mũi S-300.

Sự thực phũ phàng: Tên lửa S-300 Nga vô dụng trong cuộc không kích của Israel vào Syria? - Ảnh 2.

S-300 phóng tên lửa trình diễn tại International Army Games 2017 ở trường bắn Ashuluk ngoại vi Astrakhan, Nga ngày 5/8/2017. Ảnh: Reuters

S-300 chưa được kích hoạt hay "vô dụng"?

Như vậy, nếu tổ hợp tên lửa này đã được đưa vào hoạt động đầy đủ thì tại sao Israel vẫn có thể tiến hành các vụ tập kích ngay bên cạnh hệ thống? Điều này làm giấy lên câu hỏi liệu rằng mạng lưới phòng không của Syria có thực sự hiệu quả?

Các cuộc không kích ngày 1/7 diễn ra trên diện rộng, kéo dài hơn 160 km từ tỉnh Homs cho tới Damascus. Có hai tình huống đặt ra ở đây: Hệ thống S-300 hoặc không hiệu quả hoặc vẫn chưa được kích hoạt.

Nó có thể đã đi vào hoạt động nhưng vì bất cứ lý do gì thì Syria và đồng minh Nga đã chọn cách bố trí các bệ phóng ở cùng một vị trí, có thể phát hiện được bằng vệ tinh. Đó cũng có thể là thông điệp mà Chính phủ Syria muốn chuyển đi, rằng các bệ phóng được đặt công khai, ai cũng có thể biết được vị trí của chúng.

Sự thực phũ phàng: Tên lửa S-300 Nga vô dụng trong cuộc không kích của Israel vào Syria? - Ảnh 3.

Hình ảnh vệ tinh của ImageSat International cho thấy tất cả các bệ phóng của hệ thống tên lửa S-300 đã được dựng lên ở tỉnh Tây Bắc Masyaf ngày 30/6/2019. Ảnh: ISI

Với 4 giàn phóng, Syria hoàn toàn có khả năng theo dõi tới hàng trăm mục tiêu và cùng lúc có thể khai hỏa tấn công nhiều mục tiêu. Các vụ không kích rạng sáng ngày 1/7 có lẽ phải cần thêm thời gian và nhiều thông tin nữa để làm sáng tỏ hơn.

Thế nhưng, sự kiện đã cho thấy Syria dường như vẫn đang phải vật lộn học cách sử dụng hệ thống phòng không tiên tiến này hoặc thậm chí còn lo sợ tới mức chẳng dám bật nó lên vì như thế sẽ đứng trước nguy cơ "làm mồi ngon" cho các tên lửa tấn công của Israel.

Không giống hoàn toàn, nhưng kịch bản này không phải chưa từng có tiền lệ. Tờ Ynet hồi tháng 5/2019 đưa tin, một hệ thống tên lửa Khordad 3 do Iran phát triển được chuyển tới căn cứ Không quân T-4 chờ để triển khai nhưng nó đã bị Israel tập kích phá hủy ngay khi vẫn còn nguyên đai nguyên kiện.

Trên một số khía cạnh, Khordad 3 tương tự như hệ thống S-300 và có nguy cơ bộc lộ mối đe dọa to lớn đối với các máy bay chiến đấu của Israel. Tuy nhiên, khác với số phận của Khordad 3, các tên lửa S-300 triển khai ở Masyaf đã không bị phá hủy trong cuộc tấn công của Israel ngày 1/7.

Hệ thống phòng không S-300 của Nga diễn tập bắn đạn thật

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại