Bộ Chỉ huy Trung tâm Không quân Mỹ (AFCENT) ngày 28/6 cho biết, các máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor đã tới Căn cứ Không quân Al-Udeid ở Qatar để "bảo vệ các lực lượng và lợi ích Mỹ" tại đây.
Lầu Năm Góc không tiết lộ chính xác số lượng máy bay F-22 mà họ triển khai tới Al-Udeid nhưng theo chuyên gia David Cenciotti của trang mạng The Aviationist thì có ít nhất 9 chiếc F-22 thuộc phi đội Tiêm kích Số 192, Không quân Vệ binh Quốc gia Virginia đã bay tới vùng Vịnh từ căn cứ liên hợp Langley và dự kiến sẽ có thêm 3 chiếc nữa gia nhập đội hình này.
Động thái triển khai F-22 diễn ra chỉ một tuần sau khi Iran sử dụng tên lửa đất đối không (SAM) bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái (UAV) RQ-4Q Global Hawk trên bầu trời Eo biển Hormuz.
Peter Layton, cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) và hiện đang là nhà phân tích quốc phòng của Viện châu Á Griffith nhận định, trong trường hợp xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện với Iran thì nhiều khả năng sứ mệnh chủ chốt của F-22 sẽ là tấn công hủy diệt các tổ hợp phòng không của Tehran, đặc biệt là S-300 - hệ thống tiên tiến nhất của nước này hiện nay.
"Các hệ thống S-300 có thể sẽ là mục tiêu đầu tiên trong loạt không kích mở màn nhằm mở toang không phận Iran cho các đợt tấn công tiếp theo của các máy bay có độ tàng hình thấp hơn", chuyên gia Layton bình luận.
Tiêm kích tàng hình F-22 tiếp nhiên liệu trên không. Ảnh: Yahoo
Trong khi đó, Carl Schuster - cựu Giám đốc Chiến dịch của Trung tâm Tình báo Liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thì cho rằng, sự hiện diện của các máy bay F-22 là thông điệp răn đe mạnh mẽ đối với bất cứ hành động theo thang căng thẳng nào của Iran.
Sự kiện chiếc UAV RQ-4A Global Hawk bị bắn rơi là diễn biến mới nhất trong loạt động thái làm cho mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran bị đẩy lên nấc thang căng thẳng có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Viễn cảnh về một cuộc đối đầu quân sự giữa hai nước leo thang sau khi Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản trên Vịnh Oman hôm 13/6 và tiếp đó, ngày 20/6 Tehran lại thông báo đã bắn hạ chiếc RQ-4A Global Hawk của Mỹ với cáo buộc vi phạm không phận Iran.
Tổng thống Donald Trump đã thông qua quyết định trả đũa Iran và chỉ rút lại mệnh lệnh đúng 10 phút trước khi nó được thi hành.
Trước đó, Nhà Trắng thông báo Mỹ đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln tới Trung Đông cùng với 4 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 tới Căn cứ Al-Udeid nhằm đối phó với những dấu hiệu leo thang căng thẳng mới trong khu vực. Sự có mặt của các máy bay F-22 Raptor tại đây là động thái tăng cường lực lượng mới nhất.
Được trang bị tên lửa không đối không nhưng vẫn có thể thực hiện các sứ mệnh tấn công mặt đất, tiêm kích tàng hình 2 động cơ F-22 trước đây đã được triển khai tới Căn cứ Không quân Al-Dhafra tại Các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để hỗ trợ cho các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Syria.
Ở chế độ không đối không, F-22 là máy bay chiếm ưu thế trên không tốt nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Còn ở chế độ không đối đất, nhờ tốc độ và khả năng tàng hình, F-22 là vũ khí tấn công chính xác đầu bảng cho các sứ mệnh tiêu diệt mục tiêu đối phương.
Tiêm kích tàng hình F-22 khai hỏa lần đầu tiên tại Syria