Dệt may TQ lao đao vì thương chiến: Vải đầy kho nhưng cả tháng không có nổi một đơn hàng

Minh Khôi |

Từ tháng 6, Suzhou Jinzhu vẫn chưa nhận được bất cứ đơn hàng nào, và cho rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên nhân chính cho tình trạng này.

Khó khăn chưa từng có

Trong ngành dệt Trung Quốc có một câu nói nổi tiếng: nên tập trung vào thị trường quốc tế trong nửa đầu năm và sau đó là thị trường nội địa trong nửa năm còn lại, cho thấy thông thường các hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu sẽ bắt đầu đẩy mạnh vào thời điểm trước tháng 7.

Tuy nhiên từ tháng 6, Suzhou Jinzhu, một công ty may mặc ở Tô Châu, thủ phủ ngành dệt Trung Quốc, vẫn chưa nhận được bất cứ đơn hàng nào, và cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là nguyên nhân chính cho tình trạng này. 

Hiện nay, mặt hàng dệt may của Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào danh sách trong số hàng hoá trị giá 200 tỷ USD bị tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% kể từ tháng 5.

"Ngành dệt Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình huống chưa từng có, khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh của chúng tôi ngày càng trở nên khó khăn", công ty giải thích.

"Các đơn hàng trong tương lai sẽ phụ thuộc vào liệu Mỹ có thực sự nghiêm túc mong muốn một quá trình đàm phán công bằng. Chúng tôi sẽ cần phải thảo luận với khách hàng về khoản chi phí tăng thêm từ việc Mỹ áp thêm 15% thuế nhập khẩu".

Vào năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Trung Quốc đã tăng 8,12% so với thời điểm cùng kỳ năm trước lên 119 tỷ USD, một phần là bởi các công ty Trung Quốc đã thúc đẩy sản xuất nhằm tránh thời điểm Mỹ tăng thuế bắt đầu từ tháng 1. Đến thời điểm 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc đã chỉ còn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 1,5%.

Tô Châu được biết đến là thành phố sản xuất lớn của Trung Quốc với nguồn thu chủ yếu dựa vào xuất khẩu.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của vùng Ngô Giang, thị trấn lớn nhất của Tô Châu, đã giảm 7,6% so với 1 năm trước. Tổng kim ngạch thương mại của Ngô Giang với Mỹ, thị trường nước ngoài lớn nhất của vùng, đã giảm 12% trong 4 tháng đầu năm 2019.

Theo chính quyền địa phương, cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng tới ít nhất 770 công ty xuất khẩu ở Ngô Giang, trong số đó 541 công ty có sản phẩm nằm trong danh sách bị áp thuế của Mỹ.

Việc giảm mạnh các đơn hàng từ Mỹ cũng ảnh hưởng đến giá nguyên liệu thô đầu vào cho sản xuất dệt may, đặc biệt là mặt hàng sợi. Giá của FDY150D, một loại sợi thông dụng đã giảm gần 10% từ 8.900 Nhân dân tệ (NDT) xuống còn 8.050 NDT.

Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng dư thừa hàng dệt may trên thị trường, một phần là từ tác động của cuộc chiến thương mại, nhưng cũng do thực tế các công ty dệt may đã mở rộng sản xuất ra ngoài tỉnh Giang Tô nhằm tránh các quy định thắt chặt liên của chính phủ về đảm bảo an toàn môi trường trong vòng 2 năm trở lại đây.

Các nhà máy tại đây cần trung bình hơn 40 ngày để tiêu thụ hết nguồn sản phẩm. Tại Runze, công ty dệt may có nhà xưởng gần Suzhou Jinzhu, trong kho đã chất gần đầy vải do thiếu đơn hàng.

Dệt may TQ lao đao vì thương chiến: Vải đầy kho nhưng cả tháng không có nổi một đơn hàng - Ảnh 2.

Vải chất đầy bên ngoài nhà xưởng do không có đơn hàng. Ảnh: SCMP.

Chi phí nhân công tăng cao

Tình trạng khó khăn trong tiêu thụ hàng hoá cũng khiến các công ty giảm nhu cầu tuyển dụng người lao động, trong khi chi phí vẫn tiếp tục tăng cao trong những năm gần đây. Hiện, mức lương tăng cao so với Việt Nam và một số quốc gia ở Đông Nam Á đang trở thành một bất lợi đối với các công ty có nhà xưởng đặt ở Trung Quốc.

Tương tự, công ty dệt may Suzhou Rongshenga ở Tô Châu gần đây đã cho hơn 200 lao động được đi nghỉ 4 ngày sớm hơn dự định với mức chi trả khoảng 20 NDT (2,9 USD) mỗi ngày. Một nguồn tin cho biết trong những năm trước, công ty này không muốn kéo dài thời gian nghỉ, do lo ngại người lao động sẽ đi tìm một công việc khác.

Tuy nhiên hiện nay các công ty như Suzhou Rongshenga không còn lo ngại người lao động bị các đối thủ cạnh tranh thu hút do nhu cầu tuyển dụng trong ngành dệt may đang ngày càng suy giảm.

Yang, một công nhân từ tỉnh Hà Nam cho biết vị trí đốc công có thể giúp cô kiếm được khoảng 8.000 NDT (1.163 USD) mỗi tháng, nhưng cô sẽ cần làm ít nhất 12 tiếng một ngày.

"Chúng tôi có một nhóm khoảng 300 - 400 người lao động từ các tỉnh trên WeChat. Trong quá khứ, thường xuyên có người đăng tải các thông tin tuyển dụng, nhưng không phải là năm nay. Tôi nghĩ hiện không phải là thời điểm thuận lợi cho ngành dệt may", cô nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại