Cuộc gặp của mong đợi
Trưa 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Cuộc gặp dự kiến kéo dài 90 phút này trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Trước khi nguyên thủ Mỹ-Trung gặp nhau, hai nước đều thể hiện thiện ý, khiến dư luận kỳ vọng Mỹ-Trung sẽ nối lại đàm phán thương mại. Việc này là rất quan trọng.
Theo Giáo sư Tony Walker thuộc Đại học La Trobe có trụ sở ở Melbourne (Australia), nếu ông Trump và ông Tập không thể sớm đạt được thỏa thuận hay ít nhất cho phép các quan chức thương mại hai nước trở lại bàn đàm phán thì cuộc chiến thương mại hiện nay có thể trở nên cực kỳ căng thẳng với những hậu quả khó lường đối với nền kinh tế toàn cầu.
Hậu quả này, như nhận định của chiến lược gia đầu tư Peter Boockvar thuộc Bleakley Advisory Group, là khả năng suy thoái toàn cầu ngày càng lớn. Đây cũng là nhận định của Arend Kapteyn, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại ngân hàng Thụy Sỹ UBS.
Điều may mắn là khi xem xét tình hình hiện nay có thể thấy kết quả cuộc gặp Trump-Tập cơ bản đã định hình. Sau khi nguyên thủ hai nước gặp gỡ, ê kíp đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ trở lại bàn đàm phán. Để tạo không khí mở đầu thuận lợi cho việc tái đàm phán, rất có thể phía Mỹ không vội không áp thuế trừng phạt đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại.
Trên thực tế, trước khi tới Osaka, nguyên thủ hai nước đã có cuộc đàm thoại, thể hiện mong muốn đạt được một sự thỏa hiệp để giảm bớt căng thẳng đang ảnh hưởng không chỉ nền kinh tế của hai nước mà cả toàn thế giới. Ngoài sự thúc đẩy bởi các số liệu kinh tế mới nhất yếu kém, nhân tố chính trị trong nước cũng buộc hai nhà lãnh đạo sớm ngồi lại với nhau để quyết định nối lại đàm phán thương mại.
Đối với Trung Quốc, dư luận cho rằng ông Tập đã đích thân sang Nhật Bản gặp ông Trump thì không thể ra về tay trắng, nếu không sẽ rất mất thể diện và khó ăn nói với trong nước. Điều này có thể thấy được từ việc trước cuộc gặp, phía Trung Quốc nỗ lực hết sức để loại bỏ mọi nhân tố gây nhiễu để bảo đảm sẽ không xảy ra chuyện ngoài ý muốn.
Đối với Mỹ, trước áp lực tranh cử, ông chủ Nhà Trắng không thể dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp thuế quan như yêu cầu của Trung Quốc, nhưng nếu tay trắng trở về sẽ bị đảng Dân chủ công kích, cho rằng không biết cách đối phó với Trung Quốc.
Ngoài ra, ê kíp ngoại giao, thương mại của Mỹ hiện nay có nhiều gương mặt "diều hâu" gây áp lực, khiến ông Trump khó lòng chệch khỏi quỹ đạo cứng rắn với Trung Quốc.
Nhân tố phá hoại
Nếu chỉ xem xét thuần túy ở lĩnh vực kinh tế thương mại, lãnh đạo Mỹ-Trung đều có nhu cầu "bóp phanh" chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, có thể cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Ngay cả khi Mỹ-Trung nối lại đàm phán thương mại thì vẫn tồn tại nhân tố khiến nó đổ vỡ.
Thứ nhất, Mỹ-Trung tới nay vẫn chưa có dấu hiệu thỏa thiệp trong các vấn đề then chốt của đàm phán. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC ngay trước thềm Hội nghị G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết đàm phán đi đến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã hoàn thành 90%, hi vọng cuối năm nay hai bên sẽ ký kết.
Bề ngoài thì lạc quan, nhưng trên thực tế, đàm phán lần trước đổ bể chính là do không thể giải quyết được 10% còn lại. Trong đó bao gồm yêu cầu Trung Quốc cải cách kết cấu, giảm trợ cấp ngành nghề, chấm dứt đánh cắp bản quyền tri thức và ép buộc công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Nhưng khó khăn nhất là cơ chế thực hiện và giám sát thỏa thuận vì việc này liên quan tới vấn đề chủ quyền của Trung Quốc.
Thứ hai, nếu nhượng bộ lớn, lãnh đạo Trung Quốc cũng phải đối mặt với áp lực của phe cứng rắn trong nước. Ngày 25/6, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài với tiêu đề "Dám đấu tranh mới có thể giành được sự tôn trọng", lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ phe đầu hàng.
Bài báo nhấn mạnh những kẻ lấy nhượng bộ làm đầu, khom mình cầu toàn, nếu không có dụng ý khác thì đã mắc bệnh ấu trĩ. Từ đó có thể thấy phe cứng rắn ở Trung Quốc cũng đang tìm cách gây áp lực đối với xu hướng đàm phán thương mại.
Thứ ba, Mỹ đang tấn công Trung Quốc toàn diện, chiến tranh thương mại chỉ là một mắt xích. Không khí cuộc gặp Trump-Tập tại Osaka giống với lần gặp gặp tại Hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina vào ngày 1/12/2018. Khi đó, lãnh đạo hai nước đã đồng ý với kế hoạch đình chiến 90 ngày, nhưng ngay trong ngày Trump-Tập gặp nhau, Canada đã bắt giữ Giám đốc Tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Do đó, dù đàm phán thương mại có được nối lại, Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung trên các lĩnh vực khác vẫn tiếp tục với hậu quả còn nghiêm trọng hơn chiến tranh thương mại.
Nói tóm lại, dù có nhận định cho rằng cuộc gặp Trump-Tập tại Osaka sẽ là một trong những cuộc gặp quan trọng nhất của lãnh đạo Mỹ-Trung kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhưng có lẽ nó chỉ mang lại bầu không khí lạc quan trong ngắn hạn. Va chạm Mỹ-Trung không thể giải quyết qua 1-2 cuộc gặp. Khung đối phó với Trung Quốc của Mỹ vẫn không thay đổi. Cho nên, những diễn biến sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung mới là điều đáng quan tâm.
Nguy cơ khó tránh
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một thay đổi lớn chưa từng xảy ra trong 100 năm, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế thương mại mà mọi người đã quen thuộc trong nhiều thập kỷ. Quan trọng hơn, đã có những nhận định cho rằng chiến tranh thương mại chỉ là khởi đầu cho cuộc chiến vận nước giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới.
Như thông tin trên tờ Nhân dân Nhật báo, ở Mỹ tồn tại một lô gíc, đó là khi quy mô kinh tế một nước nào đó tương đương 60% của Mỹ, Washington sẽ coi đó là đối thủ đe dọa vị trí bá quyền của mình, tìm trăm phương nghìn kế để kiềm chế nước đó. Với tốc độ tăng trưởng 6% còn kinh tế Mỹ tăng trưởng đều đặn 2%, quy mô kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ ngang bằng Mỹ vào năm 2029, đều ở mức 25.500 tỷ USD. Với lô gíc nêu trên, xem ra Trung Quốc có muốn "giấu mình" thì cũng đến thời phải đối mặt trực diện với Mỹ.
Trên thực tế, giới tinh anh Mỹ càng ngày càng có khuynh hướng ủng hộ việc sử dụng biện pháp cấp tiến nhằm chặn đứng xu thế phát triển của Trung Quốc. Ngay cả ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, vốn được nhìn nhận là chính trị gia hiểu và hữu hảo với Trung Quốc cũng đã "quay ngoắt 180 độ" với Trung Quốc.
Cuối tháng 4/2019, khi tham gia một cuộc vận động tranh cử ở bang Iowa, Biden không chỉ tuyên bố Trung Quốc không phải là đối thủ cạnh tranh của Mỹ, mà còn nói "Trung Quốc đã giành lấy bữa trưa của chúng ta ư". Nhưng vào ngày 11/6 vừa qua, cũng tại Iowa, Biden cho rằng Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ phải cứng rắn với Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các nước đồng minh liên kết thành mặt trận thống nhất để thách thức các hành vi ngạo mạn của Trung Quốc.
Cứng rắn với Trung Quốc dường như không còn dừng lại ở vai trò là quân bài tranh cử, thậm chí đã trở thành "đúng đắn chính trị" trong giới tinh anh Mỹ. Điều này có thể thấy được từ việc Quốc hội Mỹ dễ dàng thông qua các dự luật mang yếu tố Trung Quốc như Luật Ủy quyền quốc phòng, Luật Du lịch Đài Loan… Còn ở Nhà Trắng, xem ra vào năm 2020, dù ai làm Tổng thống Mỹ thì đó khó có thể là một nhân vật hữu hảo với Trung Quốc.