Cuộc gặp của TT Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình: Đằng sau cái bắt tay hồ hởi là sự nghi ngờ

Gia Hân |

Sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Hội nghị G20, Mỹ và Trung Quốc có khoảng thời gian "dễ thở", nhưng những khác biệt không dễ khỏa lấp có thể lại đẩy hai nước trở lại bờ vực căng thẳng.

Lạc quan và khác biệt

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản đã kết thúc vào đầu giờ chiều 29/6. Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 12/2018 ở Buenos Aires, Argentina.

Theo Chánh văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, ông Marc Short, kết quả tuyệt vời nhất của cuộc gặp là việc hai bên đồng ý nối lại đàm phán thương mại. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc hai nước quyết định không duy trì hiện trạng, tạm thời không áp đặt biện pháp thuế quan mới cũng mang đến cho hai bên khoảng thời gian "dễ thở".

Ngoài ra, cuộc gặp còn cho thấy hai bên đã chú ý tới mối quan tâm của nhau. Bằng chứng là trong khi ông Trump cho phép các hãng công nghệ Mỹ tiếp tục bán thiết bị cho tập đoàn Huawei, không đề cập tới vấn đề Hồng Kông, phía Trung Quốc cũng lên kế hoạch mua sắm một lượng lớn thực phẩm và nông sản Mỹ.

Việc ông Tập nhắc đến sự kiện "ngoại giao bóng bàn" 48 năm trước và ông Trump chỉ rõ chuyến thăm Trung Quốc năm 2017 là một chuyến thăm vui vẻ nhất của ông đã làm dấy lên tâm lý lạc quan.

Tuy nhiên, so tới cuộc gặp tại Buenos Aires, cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một số khác biệt.

Thứ nhất, cuộc gặp tại Buenos Aires được tiến hành với hình thức vừa ăn tối vừa bàn thảo công việc, diễn ra trong 2,5 tiếng đồng hồ, vượt nửa giờ so với dự kiến. Tại Osaka, cuộc gặp diễn ra với thể thức trang nghiêm hơn, mỗi bên có 11 thành viên tham gia, ngồi đối diện nhau và chỉ diễn ra trong khoảng 80 phút, nghĩa là kết thúc sớm hơn kế hoạch 10 phút.

Thứ hai, so với cuộc gặp ở Buenos Aires, tuyên bố của hai bên tại Osaka giống nhau hơn, nhưng vẫn không tránh khỏi việc tồn tại một số khác biệt thực chất. Ví dụ: Trong vấn đề đàm phán thương mại, tuyên bố của phía Mỹ cho thấy Washington chỉ tạm dừng biện pháp thuế quan mới đối với Trung Quốc, đồng ý nối lại đàm phán bắt đầu từ điểm tạm dừng của hai bên trong cuộc đàm phán lần trước. Nếu không đạt được thỏa thuận, tương lai sẽ áp thuế trừng phạt mới. Tuyên bố của phía Trung Quốc lại không đề cập tới việc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại sẽ ra sao, chỉ nói phía Mỹ biểu thị không tiếp tục áp thuế trừng phạt mới đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ; đồng ý nối lại đàm phán kinh tế thương mại, ê kíp đàm phán kinh tế thương mại của hai nước sẽ tiến hành thảo luận các vấn đề cụ thể.

Ngoài ra, sự khác biệt cũng xuất hiện trong lĩnh vực mua sắm và cân bằng thương mại. Phía Mỹ cho biết phía Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn thực phẩm và nông sản Mỹ. Phía Mỹ sẽ đưa cho phía Trung Quốc một bản danh sách hàng hóa Mỹ cần được mua. Trong khi đó, tuyên bố của phía Trung Quốc không đề cập tới vấn đề mua sắm hàng hóa Mỹ, chỉ nói: "Donald Trump biểu thị hi vọng phía Trung Quốc có thể tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, giải quyết ổn thỏa vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước".

Quỹ đạo chông chênh

Sau cái bắt tay của nguyên thủ hai nước và những phát biểu "hồ hởi", quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Trung có trở lại quỹ đạo đúng đắn hay không? Chưa ai dám khẳng định bởi có quá nhiều nhân tố không xác định.

Thứ nhất, phát biểu của nguyên thủ hai nước cho thấy tương lai đàm phán vẫn rất khó khăn. Tân Hoa xã dẫn phát biểu của ông Tập tại cuộc gặp cho biết phía Trung Quốc có thành ý tiếp tục đàm phán với phía Mỹ, quản lý bất đồng, nhưng đàm phán cần bình đẳng, thể hiện tôn trọng lẫn nhau, giải quyết mối quan tâm hợp lý của mỗi bên. Về phía Mỹ, cũng theo Tân Hoa xã, ông Trump biểu thị mong muốn thông qua đàm phán giải quyết ổn thỏa vấn đề cân bằng thương mại giữa hai nước, mang đến đãi ngộ công bằng cho doanh nghiệp hai nước.

Ẩn chứa sau các từ "công bằng" và "bình đẳng" chắc chắn còn nhiều nút thắt không dễ cởi, bao gồm cả những vấn đề liên quan tới chủ quyền, quyết sách kinh tế quốc gia.

Ví dụ: Quyền sở hữu nhà nước và quy hoạch phát triển ngành nghề, bao gồm chiến lược "Chế tạo tại Trung Quốc 2025", có vai trò quan trọng đối với hệ thống kinh tế của Trung Quốc. Điều này hoàn toàn khác với mô hình kinh tế thị trường của Mỹ, nhưng được nhìn nhận là có thể mang tới cho doanh nghiệp Trung Quốc một số lợi thế khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài như vay vốn tín dụng, được sử dụng đất đai với giá ưu đãi. Làm thế nào để Mỹ có được thỏa thuận thương mại như kỳ vọng mà Trung Quốc vẫn bảo lưu được chủ quyền kinh tế, bài toán này quả thực không dễ giải.

Thứ hai, hai bên vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nghi ngờ thành ý của nhau. Màn đổ lỗi cho nhau sau khi đàm phán đổ vỡ hồi đầu tháng 5 vừa qua cho thấy mức độ tín nhiệm của hai bên giành cho nhau rất hạn chế. Sau khi ông Trump đồng ý để doanh nghiệp Mỹ tiếp tục bán thiết bị cho tập đoàn Huawei, Đặc sứ Hội nghị G20 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc tế Vương Tiểu Long cho rằng "Nếu phía Mỹ nói được, làm được, chúng tôi hoan nghênh". Điều này phần nào cho thấy phía Trung Quốc vẫn có sự e ngại nhất định về khả năng xuất hiện sự thay đổi trong cam kết của phía Mỹ. Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, sự khó lường của Donald Trump, khiến người ta rất khó phán đoán được đâu là "điểm dừng chân cuối cùng" của ông chủ Nhà Trắng.

Thứ ba, phía Mỹ gắn tiến triển trong đàm phán với việc đình chiến. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh chỉ cần đàm phán thuận lợi, thời gian đình chiến sẽ tiếp tục. Trong khi đó, thực tế các cuộc đàm phán trước đây cho thấy ngay cả khi 2 bên đi được 90% chặng đường, đổ vỡ vẫn xảy ra vì không thể hoàn thành 10% còn lại, bao gồm việc thống nhất cơ chế thực hiện và giám sát thỏa thuận thương mại đạt được.

Thứ tư, xuất phát từ nhu cầu liên nhiệm của ông Trump. Bài học từ các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đây cho thấy "cứng rắn với Trung Quốc" là sách lược hữu hiệu giành lá phiếu cử tri. Cùng với việc bầu cử tổng thống Mỹ ngày càng tới gần, ông Trump sẽ càng khó đưa ra thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Đó là chưa nói tới ảnh hưởng từ phe cứng rắn ở Nhà Trắng, nhất là từ ê kíp đại diện thương mại và ê kíp an ninh quốc gia.

Thứ năm, trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung 10 ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức 2,25% - 2,5%. Tuy nhiên, so với cuộc họp hồi tháng 5, quan chức Fed nhận định rủi ro với tăng trưởng đang tăng lên vì có nhiều bất ổn. Nếu Fed cắt giảm lãi suất, ông Trump sẽ có không gian sử dụng biện pháp thuế quan một khi đàm phán trục trặc.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại