S-300, S-400 và S-500 Nga biến máy bay chiến đấu tối tân nhất châu Âu thành "bia đỡ đạn"?

Trịnh Ngọc Tiến |

Các nước châu Âu đang thực hiện những nỗ lực tuyệt vọng để bắt kịp hai quốc gia luôn đi đầu và có tính chất định hướng trong ngành hàng không quân sự thế giới đó là Mỹ và Nga.

Vào ngày 17/6, Triển lãm quốc tế về Hàng không - Không gian năm 2019 được khai mạc tại sân bay Le Bourget, ngoại ô Paris (Pháp). Triển lãm là điểm hẹn của các hãng sản xuất máy bay dân sự, quân sự và một số đối tác trong lĩnh vực thám hiểm không gian.

Sự kiện nổi bật năm nay là Pháp và hai đối tác lớn ở châu Âu là Đức và Tây Ban Nha đã trình làng dự án chung chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5 mang tên "Hệ thống phòng thủ tương lai (SCAF/FCAS).

Nỗ lực trong tuyệt vọng của châu Âu

Dự án chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của châu Âu được coi là động thái nhằm đảm bảo khả năng tự vệ của châu Âu mà không phải phụ thuộc vào các đồng minh ngoài khối.

Theo dự án, hai hãng sản xuất máy bay Dassault (Pháp) và Airbus (châu Âu) sẽ chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2040. Các nhà sản xuất dự kiến nguyên mẫu của chiến đấu cơ mới sẽ được giới thiệu vào năm 2026.

Mặc dù dự án đang còn đang nằm trên giấy, tuy nhiên đây cũng là nỗ lực đáng ghi nhận sự cố gắng của các nước châu Âu để hợp sức chế tạo ra mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, thế hệ máy bay mà Mỹ đã chế tạo và đưa vào sử dụng từ lâu còn ở Nga thì trong tương lai gần.

Nhưng điều đó cũng không thể phủ nhận là các nước công nghiệp hàng đầu châu Âu đang thực hiện những nỗ lực tuyệt vọng để bắt kịp hai quốc gia luôn đi đầu và có tính chất định hướng chính trong ngành hàng không quân sự thế giới đó là Mỹ và Nga.

Nếu lấy nước Nga thời kỳ hậu Xô viết để tham chiếu thì mặc dù bước ra từ đống đổ nát thời Liên Xô, nhưng nước Nga đã nhanh chóng lấy lại vị thế của một cường quốc công nghiệp hàng không.

Đầu tiên là họ tiếp tục sản xuất mẫu máy bay chiến đấu Su-27 cực kỳ thành công và các bản nâng cấp dựa trên nó. Phiên bản Su-30MKI phát triển cho Ấn Độ dựa trên mẫu Su-27, thực tế đã cứu ngành hàng không quân sự của nước Nga, đồng thời giữ lại được các cơ sở sản xuất, viện nghiên cứu cũng như thợ lành nghề.

Thứ hai, mặc dù còn rất nhiều khó khăn thời hậu Yeltsin, nhưng từ những năm 2000, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, Nga đã tiến hành khởi động dự án nghiên cứu máy bay chiến đấu thế hệ 5 đầu tiên được gọi là PAK FA, sau đó đổi tên là T-50 và hiện mang tên chính thức là Su-57, để làm đối trọng với chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mỹ là F-22 và F-35.

S-300, S-400 và S-500 Nga biến máy bay chiến đấu tối tân nhất châu Âu thành bia đỡ đạn? - Ảnh 1.

Mô hình máy bay FCAS của Dassault Aviation và Airbus tại triển lãm bay Le Bourget 2019

Mặc dù việc chế tạo ra phiên bản máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nga đến nay chưa hoàn thiện (chưa hoàn chỉnh thiết kế động cơ), nhưng hiện nay đã có 12 chiếc được chế tạo để tiến hành thử nghiệm, thậm chí Nga còn đưa cả sang chiến trường Syria để thực chiến.

"Ông kẹ" trong ngành công nghiệp hàng không quân sự đó là Mỹ đã đi trước Nga hàng chục năm về máy bay chiến đấu thế hệ 5 và hiện quân đội Mỹ đang có kế hoạch thay thế dần máy bay chiến đấu thế hệ 4 bằng toàn bộ máy bay thế hệ 5 là F-35.

Nhưng đáng buồn cho ngành hàng không của EU, mặc dù rất có tiềm năng, nhưng loại máy bay chiến đấu duy nhất mà họ chung sức tạo ra là Eurofighter Typhoon, một dự án máy bay thuộc thế hệ 4, rõ ràng không đáp ứng được kỳ vọng cũng như đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại.

Khi mà các đối thủ tiềm năng của họ đã đưa vào biên chế các hệ thống phòng không hết sức hiện đại như S-300, S-400 và sắp tới là S-500; những loại máy bay chiến đấu thế hệ 4 như Typhoon chỉ là những bia bay cho các hệ thống phòng không này.

Chiều ngược lại, máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ đang dần chiếm lĩnh thị trường EU: Na Uy, Hà Lan, Bỉ và gần đây Ba Lan đã thể hiện sự quan tâm đến nó. Nói cách khác, các quốc gia châu Âu càng gần Mỹ, thì EU càng mất thị trường máy bay chiến đấu của riêng mình.

Trong khi đó, một số các nhà lãnh đạo chính trị các nước hàng đầu châu Âu, đang ngày càng nghe nhiều tuyên bố về sự cần thiết của một chính sách quốc phòng độc lập với Mỹ, không chỉ trong chiến lược phòng thủ, mà còn độc lập trong việc phát triển công nghệ tiên tiến như máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Rõ ràng, đây là động lực chính để các tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu của Pháp, Đức và Tây Ban Nha (tất nhiên là theo lệnh trực tiếp của lãnh đạo của các quốc gia này) hợp sức trong một dự án của tương lai.

Thế nhưng đây không phải là lần đầu họ có ý định như vậy; trong quá khứ, họ đã từng có dự án chế tạo máy bay tương lai của châu Âu; theo kế hoạch ban đầu, Anh sẽ chiếm phần quan trọng nhất trong dự án (BAE Systems làm tổng thầu), nhưng vì sự kiện Brexit, nên Anh đã chủ động chấm dứt việc này.

S-300, S-400 và S-500 Nga biến máy bay chiến đấu tối tân nhất châu Âu thành bia đỡ đạn? - Ảnh 2.

Eurofighter Typhoon máy bay chiến đấu chung duy nhất của châu Âu

Dự án mới do Pháp khởi xướng có tên là Hệ thống không quân chiến đấu tương lai (FCAS) và sau đó được đổi tên thành Máy bay chiến đấu thế hệ mới (NGF). Theo giới thiệu của công ty Dassault của Pháp, dự án thậm chí không phải là chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, mà ngay lập tức là máy bay thế hệ thứ 6.

Máy bay mới này sẽ thay thế hai loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của châu Âu hiện nay là Eurofighter và Rafale, chuyến bay đầu tiên của nó được lên kế hoạch vào năm 2026.

Sẽ có ba chương trình được tiến hành cùng một lúc, thứ nhất, chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5 (hoặc 6); thứ hai, chế tạo các UAV đi kèm; và thứ ba là một hệ thống gọi là Air Combat Cloud, nghĩa là một hệ thống kết nối, trao đổi thông tin chiến đấu theo thời gian thực.

Châu Âu đang đứng ở đâu?

Trên thực tế, châu Âu đang chậm chân so với cả Nga và Mỹ, những quốc gia đã chế tạo và đưa vào biên chế những máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và quan trọng là họ đã hoàn toàn làm chủ công nghệ của thế hệ máy bay hoàn toàn mới.

Mơ ước của các quốc gia châu Âu về máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đã được thể hiện rõ ràng vào thứ Hai vừa qua tại Le Bourget - một mô hình NGF kích thước đầy đủ lần đầu tiên được trình chiếu trước công chúng, và nó đã xuất hiện ngay trong chuyến thăm triển lãm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Do đó Pháp đã chứng minh tầm quan trọng của việc tạo ra hệ thống vũ khí này.

S-300, S-400 và S-500 Nga biến máy bay chiến đấu tối tân nhất châu Âu thành bia đỡ đạn? - Ảnh 3.

Các UAV hỗ trợ máy bay chiến đấu trong Hệ thống FCAS

Ông Erik Trappier, người đứng đầu Tập đoàn công nghiệp Hàng không Dassault cho biết: Trong những tháng qua, chương trình FCAS đã đạt được những tiến bộ ấn tượng, đây sẽ là dự án hàng không lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ tới và sẽ là bước quyết định trong việc khẳng định tính độc lập của Châu Âu.

Thông số chi tiết của chương trình FCAS vẫn còn hoàn toàn trong vòng bí mật nhưng theo các chuyên gia, những nội dung chính của dự án là NGF phải trao đổi được dữ liệu với nhiều hệ thống chiến đấu khác (bao gồm cả vệ tinh), cũng như được trang bị các yếu tố trí tuệ nhân tạo.

Như đã đề cập, có những ý kiến ​​cho rằng máy bay chiến đấu thế hệ mới có thể trở thành trung tâm điều khiển của nhóm UAV. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới khi mà Su-57 của Nga hay F-35 của Mỹ cũng có các tính năng và nhiệm vụ tương tự.

Cũng tại triển lãm Le Bourget, một buổi ra mắt tương tự khác cũng không kém phần gây tò mò, một dự án tương tự của máy bay chiến đấu thế hệ năm (cũng là một mô hình có kích thước tương đương) đã được Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Indonesia đã tham gia vào các dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5. Trung Quốc tất nhiên sẽ không bao giờ đứng ngoài cuộc, hiện tại họ là quốc gia thứ hai sau Mỹ đồng thời phát triển hai phiên bản máy bay chiến đấu thế hệ 5 là J-20 và J-31.

Do đó có thể nói rằng Mỹ và sau đó là Nga, đã đặt ra xu hướng quan trọng nhất cho máy bay chiến đấu trong những thập kỷ tới - máy bay chiến đấu điện tử có nhiệm vụ chính sẽ là quản lý các nhóm UAV và thực sự châu Âu không chỉ đi sau Mỹ và Nga, thậm chí họ còn sau cả Trung Quốc và Nhật Bản trong phát triển máy bay thế hệ thứ năm./.

Anh đưa tiêm kích Typhoon chặn máy bay săn ngầm của Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại