Chiếc điện thoại bàn là động lực để một thanh niên Ấn vượt khó trở thành CEO Google

Bảo Nam |

Từ một đứa trẻ chưa bao giờ được tiếp xúc với máy tính, Sudar Pichai đã trải qua nhiều khó khăn để trở thành giám đốc điều hành của công ty công nghệ nổi tiếng nhất thế giới.

Sundar Pichai (Sundar Pich) lớn lên ở Chennai, thành phố thủ phủ lớn thứ 4 của Ấn Độ. Thuở bé, ông có rất ít cơ hội sử dụng điện thoại chứ đừng nói tới máy tính hoặc Internet. Tuy nhiên, chính nhờ môi trường sống khó khăn này mà ông dần nhận ra sức mạnh và tầm quan trọng của công nghệ.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN, Pichai cho biết gia đình ông từng phải chờ đợi 5 năm mới được chính quyền lắp cho một đường dây điện thoại bàn. Sau đó, nhà ông nhanh chóng trở thành điểm gọi điện công cộng để những người hàng xóm qua mượn nhờ sử dụng.

"Điện thoại nhà tôi đã trở thành điện thoại công cộng. Hàng xóm thường đến nhà tôi để gọi cho con cái họ. Theo tôi, chiếc điện thoại này đã khiến tôi nhận thấy công nghệ, cả sức mạnh và khả năng của nó", ông chia sẻ.

Trước khi nhận được học bổng của Đại học Stanford và sang Mỹ du học, Pichai không có máy tính riêng. Nhưng điều đó cũng không thể ngăn chàng thanh niên Ấn Độ này tạo nên lịch sử. Ông đã nhanh chóng làm quen được với môi trường mới, sau đó tốt nghiệp Đại học Stanford với bằng cử nhân kỹ sư và bằng MBA của Đại học kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. Cả hai đều là những trường đại học top đầu ở Mỹ.

Năm 2004, Pichai gia nhập Google. Trước đó ông làm việc cho McKinsey & Company với vai trò tư vấn và quản lý.Trong suốt thời gian làm việc tại Google, ông đã giữ nhiều vị trí khác nhau, bao gồm lãnh đạo bộ phận trình duyệt Chrome, giám đốc sản phẩm của Google và người đứng đầu hệ điều hành Android. Nhiều đồng nghiệp gọi ông là "nhạc trưởng" trong mảng dịch vụ phần mềm cho khách hàng. Năm 2015, ông trở thành CEO của công ty.

Chiếc điện thoại bàn là động lực để một thanh niên Ấn vượt khó trở thành CEO Google - Ảnh 1.

CEO Google chưa từng có một chiếc máy tính riêng cho tới khi bước chân vào đại học.

Khi được hỏi liệu ông có tin rằng "Giấc mơ Mỹ" vẫn còn tồn tại hay không, Pichai trả lời rằng bản thân vẫn luôn tin nước Mỹ là một "vùng đất đầy cơ hội". Ông nói: "Tôi vẫn nghĩ như vậy ngày hôm nay. Nhưng chúng tôi cần phải nỗ lực để đảm bảo rằng giấc mơ Mỹ vẫn tồn tại".

Pichay tin rằng một trong những cách quan trọng để giữ "giấc mơ Mỹ" là đảm bảo rằng những người nhập cư từ các quốc gia khác có thể tìm thấy con đường dẫn đến thành công ở nơi này. Chính ông là người đã kêu gọi Quốc hội Mỹ bảo vệ cái gọi là "Những kẻ mộng mơ" và kêu gọi những người nhập cư có tay nghề cao tới đây làm việc.

"Nếu bạn nhìn vào ngành công nghệ hiện tại, bạn sẽ thấy rằng nhiều công ty hàng đầu được tạo ra bởi những người nhập cư. Vị trí hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ của chúng tôi đến từ khả năng thu hút các nhà khoa học máy tính và những nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo giỏi nhất thế giới. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng và chúng ta phải tiếp tục làm như vậy", ông chia sẻ.

Pichai cũng nói rằng việc trở thành CEO của Google là "cơ hội quan trọng nhất trong cuộc đời". Nhưng vị trí này được trao tới tay ông một cách hoàn toàn tự nhiên. Hai nhà sáng lập Goole là Larry Page và Sergey Brin đã đến gặp một cách bất ngờ và nói rằng ông sắp trở thành CEO của Google. Hành động này đã khiến Pichai rất ngạc nhiên. "Lúc đó tôi đang bận rộn phát triển các sản phẩm khác nhau. Tôi thậm chí không mong đợi điều đó xảy ra", ông nhớ lại.

Trên thực tế, CEO không phải là một vị trí dễ làm. Ở trong vai trò này, Pichai sẽ gặp phải một số thách thức rất lớn, chẳng hạn như các lo ngại về quyền riêng tư của người dùng, phân biệt giới tính và chủng tộc trong công ty cũng như sự phản đối từ nhân viên. Để giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư, ông sẽ phải tham gia các phiên điều trần và cung cấp lời khai. Ngoài ra, công ty trong tay ông cũng có thể phải đối mặt với các cuộc điều tra từ những cơ quan chống độc quyền của Mỹ.

Ông nói: "Đây là một phần công việc của CEO và CEO cũng có nghĩa là 'Giám đốc đạo đức', vì công nghệ có tác động rất lớn đến xã hội. Theo tôi, đây là một phần thiết yếu trong trách nhiệm của mình. Tôi nghĩ rằng đối với một công ty, cảm nhận đạo đức nên bao quát tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp".

Trong bối cảnh mọi người trở nên quan tâm hơn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, Pichai cho biết Google đang nỗ lực để mang lại các công cụ tốt hơn cho người dùng, để người dùng có thể dễ dàng giảm thiểu việc chia sẻ thông tin và dữ liệu cá nhân, cũng như có thể kiểm soát nhiều hơn. Ví dụ như mới đây, Google đã thông báo sẽ cho phép người dùng tự động xóa thông tin vị trí lịch sử và thông tin hoạt động duyệt web.

"Tôi nghĩ rằng người dùng không hiểu đủ về cách các công ty sử dụng thông tin của họ. Ở một góc độ khác, chúng tôi đã đặt quá nhiều gánh nặng cho người dùng", CEO người Ấn Độ này phát biểu.

Chiếc điện thoại bàn là động lực để một thanh niên Ấn vượt khó trở thành CEO Google - Ảnh 2.

"Nước Mỹ là một vùng đất đầy cơ hội", Sundar Pichai, CEO Google.

Ngoài việc đối ngoại, Pichai cũng phải giải quyết nhiều thách thức to lớn khác bên trong công ty. Năm ngoái, các nhân viên của Google trên khắp thế giới đã tổ chức một cuộc biểu tình xuống đường bởi không hài lòng với văn hóa nội bộ của công ty. Nhiều nhân viên nghĩ rằng các giám đốc của Google đã có thái độ không quan tâm đến tình trạng quấy rối tình dục và phân biệt đối xử. Tuy vậy, Pichai cho biết cuộc biểu tình này đã biến Google thành một công ty tốt hơn.

"Vào thời điểm đó, công ty đã không làm đúng và nhân viên của chúng tôi đã chọn cách thể hiện ý tưởng của họ một cách rõ ràng. Tôi nghĩ đây là một phần tốt trong văn hóa của công ty này. Chúng tôi có thể thảo luận một số điều và sau đó làm việc chăm chỉ. Vấn đề đã được giải quyết và công ty đang trở nên tốt hơn. Khi bạn điều hành một công ty lớn, tôi nghĩ điều rất quan trọng là không có sự trả thù nào trong công ty. Tôi rất nghiêm túc về vấn đề này. Điều quan trọng nữa là chúng tôi có một quy trình rất nghiêm túc", ông nói.

Tuy nhiên, một số nhân viên tổ chức cuộc biểu tình nghĩ rằng họ đã bị trả thù. Một trong những người tổ chức đã rời Google vào đầu tháng này.

Về khía cạnh nhân viên nữ, Pichai nói rằng phụ nữ nên có được trải nghiệm làm việc toàn diện khi làm việc. Ông nói: "Chìa khóa là đầu tư vào nhân viên nữ, đầu tư vào phát triển nghề nghiệp và hỗ trợ họ. Loại hỗ trợ này sẽ chạy xuyên suốt công việc của họ". Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện trong việc tăng số lượng nhân viên nữ cũng như tăng số lượng quản lý nữ. Theo báo cáo mới nhất, nhân viên nữ chỉ chiếm 33% tổng lực lượng lao động của Google, trong khi quản lý nữ mới chỉ chiếm hơn một phần tư.

Vào năm 2017, một nhân viên tên James Damore đã viết một bản ghi nhớ gây tranh cãi, trong đó chỉ trích chính sách đa dạng của Google. Nhân viên này viết rằng phụ nữ không thích hợp làm việc trong ngành công nghệ vì các yếu tố mang tính "sinh học". Pichai đã lên án quan điểm này. Damore sau đó đã bị Google sa thải. Người này sau đó tuyên bố đã bị phân biệt đối xử, vì vậy Google đã đưa anh ta ra tòa.

Sundar Pichai cho biết trong quá trình làm việc tại Google, bài học quan trọng nhất mà ông học được là lắng nghe ý kiến ​​của người khác. Ông nói: "Ý tưởng của riêng bản thân là không đủ. Bạn phải lắng nghe ý kiến ​​từ thế giới bên ngoài. Bạn cũng phải giữ một quan điểm cởi mở về những gì đang xảy ra xung quanh bạn, để hiểu được tác động của sản phẩm đối với người khác và sau đó học hỏi. Từ đó cố gắng làm cho sản phẩm tốt hơn".

Tham khảo CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại