Học giả Đức khẳng định Nga "không phải đế quốc" dù có lại Crimea và dự đoán về thời đại "hậu Putin"

Hồng Anh |

"Nước Nga ngày nay đang ở trong trạng thái 'hậu đế quốc'. Họ sở hữu di sản của đế quốc Nga, nhưng họ không còn là đế quốc nữa", học giả người Đức bình luận.

Mới đây, báo Deutsche Welle (DW) của Đức đã thực hiện cuộc phỏng vấn nhà sử học Martin Aust về di sản từ thời đế quốc của nước Nga, và sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. Học giả này cũng đưa ra 3 dự đoán về tương lai của nước Nga khi Tổng thống Vladimir Putin thôi chức.

Sau đây là phần lược dịch nội dung cuộc phỏng vấn nói trên được DW đăng tải ngày hôm qua (12/6).


Deutsche Welle (DW): Giáo sư Aust, trong cuốn sách mới của ông - "Die Schatten des Imperiums: Russland seit 1991" (tạm dịch: Cái bóng của Đế quốc - Nước Nga kể từ năm 1991), ông đã lập luận rằng nếu mọi người muốn hiểu nước Nga, thì không thể "ác quỷ hóa" quốc gia này như một đế quốc xấu xa. Nhưng nước Nga là một đế quốc, phải vậy không, thưa ông?

Học giả Martin Aust: Không, nước Nga không phải là đế quốc. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua điểm khác biệt giữa nước Nga kể từ năm 1991, và nước Nga trong thời kỳ Sa hoàng trị vì hay thời Liên Xô. Năm 1991, nước Nga đã mất đi nhiều phần lãnh thổ từng thuộc về đế quốc Nga và Liên Xô trước đây.

Do đó, theo quan điểm của tôi, nước Nga ngày nay đang ở trong trạng thái "hậu đế quốc". Họ sở hữu di sản của đế quốc Nga, nhưng họ không còn là đế quốc nữa.

DW: Tuy nhiên nước Nga ngày nay đang cố gắng giành lại những phần lãnh thổ "đã mất" đó. Ví dụ chuyện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, và còn nhiều vùng lãnh thổ tranh chấp khác như Nam Ossetia, Abkhazia, và Transnistria.

Học giả Aust: Những vùng lãnh thổ này về bản chất không giống nhau. Crimea đã sáp nhập vào Liên bang Nga, nhưng phương Tây nói rằng "Nga sáp nhập Crimea". Nhưng tình hình ở Transnistria hay Nam Ossetia lại không giống như vậy.

Rất khó để so sánh những khu vực này. Và cũng không thể kết luận rằng chính quyền Moskva đang cố gắng giành lại phần đế quốc bị đánh mất.

Học giả Đức khẳng định Nga không phải đế quốc dù có lại Crimea và dự đoán về thời đại hậu Putin - Ảnh 2.

Học giả Martin Aust là một nhà sử học người Đức. Ông cũng giảng dạy môn lịch sử Đông Âu tại trường đại học Bonn và là tác giả của nhiều cuốn sách về Nga, Liên Xô và Đông Âu...

Đối với nước Nga, thì Crimea có một giá trị tinh thần đặc biệt mà Transnistria, Abkhazia và Nan Ossetia không có. Giả sử bây giờ có người nhắc tới việc Transnistria nên trở thành một phần của Liên bang Nga, thì điều đó cũng không thể khuấy động tinh thần yêu nước trong lòng người dân Nga như tình hình bán đảo Crimea năm 2014.

Tôi nghĩ rằng lãnh đạo Nga hành động dựa trên thực tế và tùy theo từng hoàn cảnh. Và điều này cũng không loại trừ khả năng điều tương tự [như việc Crimea sáp nhập vào Nga] sẽ xảy ra với một vùng lãnh thổ khác trong tương lai.

DW: Trong cuốn sách mới ra mắt của ông có đoạn đề cập tới việc Tổng thống [Vladimir Putin] đã tính toán sai lầm vào năm 2014, rằng Kremlin không thể ngờ rằng sẽ nhận được phản ứng đồng loạt và mạnh mẽ đến vậy từ phương Tây sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và xung đột tại miền Đông Ukraine bùng nổ.

Học giả Aust: Nếu ta lấy dự án Liên minh Kinh tế Á-Âu của ông Putin làm cơ sở, thì có thể thấy rằng ông này mong muốn Ukraine là một phần trong liên minh ấy. Điều này phản ánh khát vọng mạnh mẽ của Nga từ năm 1991 về việc duy trì mối liên kết giữa Ukraine và Nga chặt chẽ hết mức có thể.

Hầu hết các cựu Tổng thống Ukraine đều cố gắng duy trì điều đó bằng chính sách quan hệ qua lại giữa Nga và Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, chính sách duy trì quan hệ ấy đã chấm dứt từ năm 2014. Hiện nay, đường phân giới mà Ukraine vạch ra với Nga rõ rệt hơn bao giờ hết. Ông Putin đã vô tình biến viễn cảnh đáng sợ đối với nhiều quan chức chính phủ Nga trở thành sự thật. Ông ấy đã đánh mất người láng giềng Ukraine mãi mãi.

Học giả Đức khẳng định Nga không phải đế quốc dù có lại Crimea và dự đoán về thời đại hậu Putin - Ảnh 4.

Ảnh minh họa. Reuters.

DW: Nhưng bù lại, ông Putin đã củng cố chính sách nội bộ của Nga?

Học giả Aust: Tôi sẽ không nói như vậy. Vào năm 2014, chúng ta đã được chứng kiến tinh thần yêu nước mạnh mẽ tại Nga, và điều này đã kéo dài tới lần kỉ niệm sáp nhập đầu tiên vào tháng 3/2015. Tuy nhiên, kể từ hồi đó, tôi không còn thấy một làn sóng yêu nước nào lớn như vậy nữa.

Khi nhắc tới ngân sách quốc gia của Nga, luồng ý kiến chỉ trích đặt ra nhiều câu hỏi, ví dụ như: Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để Crimea sáp nhập vào Nga tốn bao nhiêu tiền, phải chi bao nhiêu cho phúc lợi xã hội cho người dân Crimea, và những hoạt động của Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Đông Ukraine tốn kém bao nhiêu...

DW: Cuối cuốn sách, ông đã liệt kê ra một số viễn cảnh trong tương lai. Điều gì có thể xảy ra sau khi ông Putin thôi chức?

Học giả Aust: Tôi đã đề cập tới 3 kịch bản. Thứ nhất là sự tiếp nối của kịch bản Crimea. [...] Một trong những quốc gia được nhắc tới nhiều trong các cuộc thảo luận gần đây về vấn đề này là Belarus, đồng minh thân cận đã lập liên minh với Nga.

Bất cứ khi nào có tập trận chung và quân đội Nga hiện diện ở Belarus, thì truyền thông [phương Tây] đều đặt ra câu hỏi rằng liệu Belarus có thể là "ứng cử viên" tiếp theo sẽ sáp nhập vào Liên bang Nga hay không.

Kịch bản thứ 2, trái ngược với kịch bản đầu tiên, là khi các vấn đề kinh tế của nước Nga trở nên trầm trọng hơn, nguồn lực dành cho chính trị giảm xuống và hình thái chia rẽ mới xuất hiện.

Tại nước Nga sau thời đại của ông Putin, quyền lực sẽ là thứ bất định, và tính địa phương chủ nghĩa sẽ tái xuất mạnh mẽ một lần nữa. Trong viễn cảnh này, thì sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga sẽ bị đe dọa.

Và trong kịch bản cuối cùng nằm giữa 2 kịch bản trên, thì tương lai của Liên bang Nga không được gắn với vấn đề lãnh thổ, mà là nỗ lực điều chỉnh lại hệ thống chính trị. Tôi cho rằng cuộc cạnh tranh quyền lực tại Nga sẽ rất khó đánh giá sau thời đại của ông Putin. [...]


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại