Mới đây, Bloomberg cho biết, một tổ chức nghiên cứu về Nga do cựu Trợ lí Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ David Kramer làm chủ tịch đã công bố một tài liệu dài 170 trang dự đoán về tình hình của Nga vào năm 2030.
Mặc dù các chuyên gia thực hiện bản tài liệu có một số bất đồng quan điểm về nhiều lĩnh vực liên quan tới kinh tế, chính trị, nhưng cũng có nhiều điểm đã được đồng thuận.
Một vài trong số đó là:
Nga sẽ tiếp tục phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Mặc dù Nga mong muốn cắt giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, nhưng nguồn thu từ hoạt động này vẫn chiếm tới 40% doanh thu của Nga trong năm 2017, trong khi hồi năm 2000 tỉ lệ chỉ là 25%.
Xuất khẩu năng lượng sẽ bị thách thức bởi những bối cảnh tương lai, ví dụ như người tiêu dùng sử dụng nhiều xe điện, các cuộc cạnh tranh ngày càng nhiều trên thị trường khí đốt thế giới, suy giảm nhu cầu than đá - mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Nga.
Các chuyên gia cho biết sẽ không có cuộc khủng hoảng năng lượng nào trước năm 2024. Bên cạnh đó, nếu giá dầu tiếp tục sụt giảm xuống mức dưới 30 USD trong khoảng thời gian dài, thì các cấm vận của phương Tây sẽ là một rắc rối lớn cho Moskva.
Nga sẽ củng cố mối quan hệ với Trung Quốc. Quan hệ song phương Nga - Trung Quốc sẽ tiếp tục được thắt chặt. Nga sẽ cung cấp nhiều nguyên liệu thô cho Trung Quốc và ngược lại sẽ nhận được các mặt hàng công nghiệp từ nước đồng minh.
Hoạt động hợp tác quân sự giữa hai bên có thể được thúc đẩy khi hai nước đều có xu hướng chống lại sự ảnh hưởng của Mỹ. Cấm vận phương Tây và sự đối đầu giữa Washington - Bắc Kinh trong thời gian gần đây có thể sẽ khiến bối cảnh này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Không có cuộc giao tranh lớn nào nổ ra. Các chuyên gia đều không cho rằng Nga sẽ có hoạt động quân sự nhằm vào các quốc gia khác. Tuy nhiên, báo cáo vẫn trích dẫn lại khả năng Nga có thể sẽ sáp nhập thêm Belarus và tạo điều kiện cho ông Putin tiếp tục nắm quyền sau năm 2024 ở một "nước Nga" mới.
Bên cạnh đó, tình hình chính trị ở Kazakhstan cũng có thể là mối đe dọa với Moskva. Nếu các lãnh đạo kế nhiệm ở Kazakhstan lựa chọn nghiêng về phía Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, thì Nga sẽ mất đi một vùng đệm về mặt an ninh quốc phòng.
Điều khiến các chuyên gia không chắc chắn nhất là sức mạnh thực sự của quân đội Nga. Những chiến thắng của Nga tại Ukraine và Syria là minh chứng khá rõ ràng cho sự phát triển của Nga trong thời gian qua.
Thông qua bản tài liệu, có thể thấy bức tranh toàn cảnh nước Nga từ một hệ thống ổn định, vững chắc chuyển sang thời kì "hậu Putin" mà không có nhiều biến động.
Đối với phương Tây, có thể viễn cảnh tốt đẹp nhất là Nga sẽ từ bỏ những dự định ở miền đông Ukraine và ngừng can thiệp vào các sự kiện ở những quốc gia này.
Dù sao đi chăng nữa, các quốc gia trên thế giới cũng cần cố gắng và xây dựng mối quan hệ mới với Nga một cách khôn ngoan hơn khi cơ hội mở ra cách đây gần 30 năm.