Dùng nước cờ S-400 cao tay: Ông Putin gây "náo loạn" Washington, "bẻ gãy" liên minh Mỹ ở Trung Đông?

Quốc Vinh |

Chỉ xoay quanh vấn đề ai sẽ là người mua S-400, người Nga đang sử dụng hệ thống phòng thủ tiên tiến này như một hình thức ngoại giao đầy sức nặng ở Trung Đông.

Mỹ ngừng nhận thêm phi công Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình huấn luyện máy bay tiêm kích tàng hình F-35, truyền thông đưa tin hôm 7/6. Cùng ngày, Nga cho biết họ chưa nhận được yêu cầu từ Iran trong việc mua hệ thống phòng không S-400 như báo chí Mỹ loan tin trước đó.

Cả hai báo cáo đều liên quan đến việc bán S-400 của Nga và cách sử dụng hệ thống phòng thủ tiên tiến này như một hình thức ngoại giao của Moscow ở Trung Đông, theo Jerusalem Post.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý mua S-400 và dự kiến giao hàng trong tháng này, như một phần trong liên minh đang phát triển giữa Moscow và Ankara. Điều này dĩ nhiên đã khiến Mỹ tức giận.

Cách đây không lâu, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ở hai bên chiến tuyến trong cuộc chiến ở Syria, với việc Nga ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phiến quân đối lập.

Nhưng hai nước đã phát triển gần gũi hơn trong những năm gần đây, với các thỏa thuận năng lượng và cùng hợp tác chặt chẽ về các lệnh ngừng bắn ở Syria.

Nga hiểu rằng việc bán hệ thống phòng không của mình cho Ankara là một phần làm thay đổi cuộc chơi. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và cũng nằm trong chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.

Chỉ vì lùm xùm xoay quanh S-400, chương trình F-35 cũng bị xáo trộn. Các phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu được đào tạo vào năm ngoái, nhưng vào cuối tháng 5, các nguồn tin cho biết Mỹ sẽ ngừng nhận thêm các phi công mới từ đối tác.

Hai quan chức Mỹ cho rằng quyết định này có thể được đảo ngược và nó chỉ ảnh hưởng đến các nhóm phi công và đội bảo dưỡng của Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới.

Hiện tại, vẫn chưa có quyết định chính thức nào về việc ngừng đào tạo phi công và đội bảo dưỡng Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ không quân Luke ở Arizona. Nhưng đó có thể là bước tiếp theo mà Mỹ có thể đưa ra.

Không khó để nhận thấy rằng Mỹ đang giận dữ như thế nào trong tranh cãi mua vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua.

S-400 được chế tạo bởi kẻ thù của Mỹ và sẽ có mặt ở quốc gia đồng minh sở hữu F-35. Điều này gây ra lo ngại rằng người Nga có thể học cách đối đầu với máy bay tiên tiến của Mỹ.

Nếu thành sự thật, nó sẽ là một đòn đánh "chí mạng" đối với F-35, tiêm kích vốn sinh ra là để vượt mặt các hệ thống như S-400.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần nói, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hủy bỏ thỏa thuận. Trong khi đó, Mỹ đã thảo luận về một nhóm làm việc để xem xét tranh cãi S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Mỹ cũng nhấn mạnh, việc mua hàng là không chấp nhận được.

Trong một diễn biến khác, vào ngày 30/5, một báo cáo gây chú ý nói rằng Nga đã từ chối yêu cầu mua S-400 của Iran. Theo Bloomberg, Ngoại trưởng Iran đã đến thăm Moscow vào ngày 7/5 và người Nga đã từ chối đề nghị của Iran đối với việc mua hệ thống này.

Dùng nước cờ S-400 cao tay: Ông Putin gây náo loạn Washington, bẻ gãy liên minh Mỹ ở Trung Đông? - Ảnh 2.

S-400 đang trở thành đòn bẩy ngoại giao cho Tổng thống Putin.

Mỹ và Iran bắt đầu leo thang căng thẳng hồi tháng 5, khi Mỹ cáo buộc Iran đe dọa ở vùng Vịnh. Do đó, Nga đã từ chối bán S-400 vì không muốn căng thẳng nhiều hơn trong khu vực.

Chính sách giảm căng thẳng của Nga là một phần trong chính sách rộng lớn hơn của nước này ở Syria. Moscow đã đồng ý gặp các đối tác Mỹ và Israel trong một cuộc họp ba bên trong tháng này. Người Nga cũng đang tìm cách giảm căng thẳng ở Syria trong bối cảnh các cuộc đụng độ gia tăng giữa Israel và Syria.

Đã có bốn sự cố, bao gồm các cuộc không kích của Israel, được báo chí Syria đưa tin từ ngày 27/5 đến 6/6. Nga không muốn có một cuộc xung đột khác ở Syria vì đồng minh của họ đang chiến đấu tại một mặt trận khác ở Idlib.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib vào tháng 9/2018, nhưng thỏa thuận này đang nhanh chóng trở nên căng thẳng với các cuộc đụng độ lớn giữa quân đội Syria và phiến quân ở đó.

Vấn đề Idlib rất quan trọng đối với Nga, bởi vì Nga có một căn cứ quân sự ở Latakia, gần Idlib. Vì vậy, bất kỳ căng thẳng nào ở phía Nam giữa Israel và Syria đều ảnh hưởng đến các mục tiêu của Moscow đối với khu vực.

Bên cạnh đó, nó cũng liên quan đến căng thẳng quy mô lớn hơn giữa Mỹ và Iran cũng như giữa Israel và Iran. Từ quan điểm của Moscow, một cuộc chiến khu vực giữa Mỹ cùng các đồng minh và Iran sẽ là một thảm họa.

Mặc dù Nga có thể hài lòng rằng thỏa thuận S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến về phía trước, nhưng dường như Moscow ít quan tâm đến việc củng cố liên minh với Iran bằng S-400.

Phó Thủ tướng Yury Borisov hôm 7/6 lần đầu tiên xác nhận, Moscow đã không nhận được yêu cầu từ Iran về việc cung cấp các hệ thống phòng không S-400 cho họ.

Ông Vladimirov đã gặp một phái đoàn Syria vào ngày 5/6, theo truyền thông Syria, điều này cho thấy mối quan tâm chính của Nga vào lúc này là Syria chứ không phải Iran. Ông Borisov thậm chí còn gọi các báo cáo về Iran mua S-400 là tin tức giả.

Nếu phản ứng của Nga trước những tin đồn về lợi ích của Iran là chính xác thì nó vẫn cho thấy rằng trên toàn khu vực, vấn đề của S-400 và vai trò của Nga là hết sức quan trọng, tờ Jerusalem Post nhận định.

Những tin đồn về mối quan tâm của Iran với S-400 có thể đã được thiết kế để kiểm tra phản ứng của Mỹ và Israel. Trên thực tế Iran không phải là quốc gia duy nhất muốn có hệ thống này ở Trung Đông.

Vào ngày 15/5, hãng tin TASS của Nga đã đưa tin về việc Iraq đang tìm cách mua hệ thống phòng không nổi tiếng. Mỹ đang tham gia chặt chẽ vào việc đào tạo và trang bị cho lực lượng Iraq, điều đó có nghĩa là một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực đang trở thành một phần của "câu lạc bộ S-400".

Năm ngoái, CNBC đã liệt kê các nước Saudi Arabia, Qatar, Algeria, Morocco và Ai Cập đều đã thảo luận về S-400.

Trong đó, Saudi, Qatar, Ai Cập và Morocco đều là đồng minh của Mỹ, đặc biệt Saudi còn là đối tác quân sự quan trọng và là nơi đặt một căn cứ của Mỹ. Trong khi quân đội Ai Cập từ những năm 1980 cũng nhận được sự hỗ trợ quân sự từ Washington.

Với những điều trên - chỉ với S-400 - Nga có khả năng làm cả Washington bối rối lẫn việc gây chia rẽ hệ thống liên minh truyền thống của nước này trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại