Tiêm kích MiG-29 tai nạn kinh hoàng ngay tại Pháp, trên khoang là phi công hàng đầu Nga

N. Tuấn Sơn |

Anatoliy Kvochur - Phi công thử nghiệm hàng đầu Nga đã gặp tai nạn kinh hoàng ngay trên đất Pháp cùng tiêm kích MiG-29 khi bay biểu diễn ở Triển lãm Hàng không Paris Air Show 1989.

Vào năm 1989, khi Liên bang Xô Viết bắt đầu lâm vào khủng hoảng trầm trọng, để chứng minh với thế giới về tiềm lực khoa học công nghệ và quốc phòng, tiêm kích MiG-29 được lệnh "đem chuông đi đánh xứ người" và Anatoliy Kvochur - phi công thử nghiệm hàng đầu của Văn phòng thiết kế Mikoyan là người lĩnh ấn tiên phong.

Paris Air Show Le Bourget 1989 - Triển lãm thương mại quốc tế về công nghiệp hàng không truyền thống và quan trọng bậc nhất đã thế giới đã được lựa chọn để MiG-29 xuất trận.

Sự kiện này được tổ chức vào khoảng tháng 6 các năm lẻ tại Sân bay Paris-Le Bourget, gần thủ đô Paris của Pháp với sự tham gia tất cả các hãng sản xuất lớn, kể các nhà sản xuất quân sự..

Kíp bay, thợ kỹ thuật và MiG-29 đã có mặt ở Paris đúng lịch. Trước khi bay biểu diễn chính thức dưới sự chứng kiến của hàng chục nghìn công chúng vốn rất tò mò về dòng tiêm kích hiện đại bậc nhất của Nga mà cả thế giới sợ hãi, phi công Anatoliy Kvochur đã luyện tập lại những bài bay dự kiến sẽ biểu diễn ở Triển lãm lần nay.

Mọi việc tưởng như hết sức suôn sẻ. Ngày khai mạc Triển lãm (08/06/1989), Anatoliy Kvochur đã bay rất tốt, khiến các quan chức quốc phòng nước ngoài và đông đảo công chúng hết sức kinh ngạc và hâm mộ về khả năng cơ động tuyệt hảo của chiếc tiêm kích MiG-29 mang số hiệu "303 Xanh".

Nhưng bất ngờ đã xảy ra, khi Anatoliy Kvochur thực hiện động tác thao diễn với góc tấn lớn ở tốc độ thấp tại độ cao cực thấp chỉ có 160m (525 ft) để chuẩn bị kết thúc bài bay biểu diễn của MiG-29 thì động cơ trục trặc và tóe lửa, máy bay mất đà, giật cục.

Phi công thử nghiệm hàng đầu của Mikoyan lập tức tăng lực tối đa để lấy lại tốc độ và độ cao, tuy nhiên ở tốc độ 180km/h (111 dặm/h), anh đã không thể điều khiển được cánh tà và cánh đuôi nhằm giữ máy bay thăng bằng.

Động cơ MiG-29 đã ngừng hoàn toàn vào lúc 13h44p57 giây, máy bay mất điều khiển và xoay ngược rồi hướng đâm đầu xuống đất vào lúc 13h45p01 giây. 2,5 giây sau đó, Kvochur đã buộc phải nhảy dù ở độ cao 92m (302ft) sau khi đảm bảo rằng chiếc tiêm kích không đâm vào đám đông chứng chiến dưới mặt đất.

Vào lúc 13h45p05 giây, máy bay đâm xuống đất tại vị trí ngay bên cạnh đường băng và biến thành quả cầu lửa. Phi công tiếp đất chỉ cách quả cầu lửa chừng 30m và ghế phóng dù cũng rơi ngay bên cạnh anh.

Gần như ngay ngay lập tức, chỉ sau 55 giây kể từ thời điểm máy bay rơi, đội cứu hỏa và cứu hộ đã có mặt tại hiện trường. Kvochur đã được đưa đi viện ngay khi đó nhưng anh đã được ra viện trong cùng ngày do không bị thương tích gì nghiêm trọng.

Các chuyên gia đánh giá Kvochur đã hết sức may mắn khi nhảy dù kịp thời trong tình huống đó và đặc biệt là không rơi vào quả cầu lửa mà chiếc MiG-29 vừa tạo ra hay va đập vào chính ghế phóng dù rơi ngay bên cạnh.

Thêm một lần nữa, công chúng và các chuyên gia biết được không chỉ bản thân MiG-29 tuyệt hảo mà còn biết ghế phóng dù Zvezda K-36DM mà nó được trang bị cũng tuyệt hảo không kém.

Sau khi điều tra, các nhà chức trách kết luận rằng động cơ đã bị hư hại nghiêm trọng do đâm phải chim trời.

Tiêm kích MiG-29 Nga tai nạn và rơi ở Triển lãm Hàng không Paris, Pháp 1989

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại