"Thế kỷ ô nhục": Mở màn ác mộng lịch sử và di chứng khiến TQ hùng mạnh luôn yếu bóng vía

Hải Võ |

Không có thời gian để phát triển một đội quân đẳng cấp hàng đầu, cơn ác mộng lịch sử thôi thúc các nhà hoạch định Trung Quốc phải tung ra chiến lược khắc chế đối thủ bằng mọi giá.

Trong chuỗi ấn bản đăng tải trên tạp chí National Interest (Mỹ) vài năm qua, tác giả Harry J. Kazianis, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm lợi ích quốc gia tại Washington, đã nhgiên cứu biến động trong cuộc cạnh tranh mới nổi lên trong lĩnh vực an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc: Chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực (viết tắt là A2/AD) của Bắc Kinh và Tác chiến không-biển (ASB) của Hoa Kỳ, đồng thời cung cấp một số giải pháp để giảm thiểu khả năng mối bất đồng này trở nên thâm căn cố đế trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

A2/AD được phát triển dựa trên sự kết hợp các yếu tố quân sự khác nhau như tàu ngầm diesel siêu yên tĩnh, hơn 80.000 thủy lôi, nhiều loại hình chiến tranh mạng, vũ khí chống vệ tinh và tấn công số đông của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Trong đó, quy mô lớn của các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình được đánh giá là điểm mạnh nhất của A2/AD, có thể phá hủy các sân bay, máy bay trên mặt đất và các tàu hải quân.

Các nhà phân tích cho rằng ý đồ của A2/AD nhắm đến lực lượng quân sự Mỹ và các đồng minh trong các hoạt động quân sự trên biển Hoa Đông và biển Đông, các vấn đề liên quan đến Đài Loan, và các hoạt động tại khu vực trong và xung quanh chuỗi đảo đầu tiên.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc phát triển và thực thi A2/AD ngay nay, trên thực tế có những nguyên nhân sâu xa. Một trong số đó cần phải được tìm hiểu và đánh giá cặn kẽ là "cơn ác mộng lịch sử", khi Bắc Kinh bị khuất phục dưới tay của hàng loạt cường quốc thực dân và châu Á.

Trên nhiều phương diện, Trung Quốc đang cố gắng xử lý một vấn đề tồn tại nhiều thế kỷ qua: Làm thế nào để đạt được năng lực đánh thắng các lực lượng vũ trang vượt trội hơn [so với quân đội Trung Quốc] trong tương lai gần.

Nếu thay đổi tầm nhìn hiện nay - giới hạn trong lịch sử hiện đại - bằng góc độ xa hơn về sự tụt hậu của Bắc Kinh trong lĩnh vực quân sự, thì không khó nhận thấy nước này hoàn toàn có lý khi thúc đẩy một chiến lược chống tiếp cận.

Đô đốc Ngô Thắng Lợi, cựu tư lệnh Hải quân Trung Quốc, nói "trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, các nước đế quốc và thực dân đã phát động hơn 470 lần tấn công Trung Quốc, bao gồm 84 cuộc tấn công lớn từ biển". Như thế, nếu Quân giải phóng nhân dân (PLA) có khả năng ngăn chặn hoặc kìm hãm các lực lượng vũ trang mạnh hơn triển khai binh lực đến những khu vực mà Bắc Kinh cho là "lợi ích cốt lõi", thì về mặt lý thuyết Bắc Kinh sẽ vượt qua được giai đoạn mà ban lãnh đạo nước này nhìn nhận là một hình thức chinh phục mới [của các nước lớn đối với Trung Quốc].

Kazianis chỉ ra, A2/AD cho phép Bắc Kinh cạnh tranh một cách bất đối xứng với Mỹ, với lực lượng vũ trang có thể không hùng mạnh bằng Mỹ.

Các luận điểm dưới đây chỉ ra lý do nhiều người Trung Quốc tin rằng "ác mộng lịch sử" của họ đến từ các thế lực nước ngoài, và tại sao A2/AD là giải pháp bảo vệ Trung Quốc khỏi một cuộc viễn chinh khác của phương Tây.

Cơ hội bị đánh mất

Theo Kazianis, có một vài sự kiện trong lịch sử Trung Quốc mà các học giả, chính khách Đại lục nhận định là làm suy yếu sức mạnh tập thể của đất nước, cũng như làm suy giảm vị thế toàn cầu của Bắc Kinh trong nhiều thế hệ.

Rõ ràng, nhìn lại vài thế kỷ qua, các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc nhận thức rõ các thế hệ đi trước của họ đã bỏ lỡ hàng loạt cuộc cách mạng trong hoạt động quân sự - một nhân tố đưa đến sự thất thế của nước này trước các cường quốc Á-Âu khác.

Giai đoạn các lực lượng vũ trang quốc tế chuyển tiếp từ mặt trận vũ khí lạnh (đao, kiếm, và các công cụ tương đương) sang chiến tranh vũ khí nóng (với súng và thuốc nổ), cũng như từ vũ khí nóng đến chiến tranh cơ giới hóa (xuất hiện thêm xe tăng, tàu thuyền bọc thép, máy bay,...), thì Trung Quốc đã để tuột mất thời cơ nâng cấp quân đội của mình thành một lực lượng tác chiến hiện đại.

Hậu quả là Trung Quốc đã vấp phải cú sốc nặng nề khi các cường quốc phương Tây được vũ trang "tận răng" rầm rập mở đường tiến vào nước này hai thế kỷ trước. Người Trung Quốc - với công nghệ lỗi thời và thô sơ - hoàn toàn lép vế.

Trong khi phương Tây phát triển hàng loạt vũ khí cơ giới hóa trong và sau Thế chiến II, Trung Quốc vẫn còn vật lộn trong cuộc nội chiến và kháng chiến chống Nhật Bản, khiến họ không đủ khả năng lẫn nguồn lực bắt kịp các công nghệ quân sự mới.

Thế kỷ ô nhục: Mở màn ác mộng lịch sử và di chứng khiến TQ hùng mạnh luôn yếu bóng vía - Ảnh 2.

Tranh vẽ Chiến tranh nha phiến thứ nhất: Chiến hạm Nemesis của Công ty Đông Ấn Anh Quốc cùng nhóm tàu của Anh giao tranh với các thuyền chiến Trung Quốc do tướng Quan Thiên Bồi chỉ huy tại vịnh Anson, tháng 1/1841 (Ảnh: E. Duncan/Wikipedia / Creative Commons 2.0 )

Mở màn của "Thế kỷ ô nhục": Chiến tranh nha phiến thứ nhất

Rất nhiều học giả Trung Quốc ngày nay đề cập đến "Thế kỷ ô nhục" (theo cách gọi của người Trung Quốc là "Trăm năm quốc nhục") - từ khoảng năm 1840 đến sau 1940, khi Trung Quốc bất lực trước sự xâu xé củacác cường quốc Á-Âu, cho rằng giai đoạn này đã khiến Trung Quốc đánh mất vị thế siêu cường, mất lãnh thổ, và trong nhiều khía cạnh khác thì đánh mất cả chủ quyền.

Thất bại quân sự trên chiến trường đã đánh dấu mở màn cho một thế kỷ mất mát và hổ thẹn. Thất bại lớn đầu tiên là Trung Quốc trở thành bên thua cuộc trước Vương quốc Anh trong Chiến tranh nha phiến thứ nhất (1839-1842). Cuộc chiến đã để lại hậu quả trên diện rộng đối với Trung Quốc và tác động đến cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Học giả Richard Harris giải thích, "Người Trung Quốc có khái niệm chung chung về lịch sử của mình: Họ thường nghĩ theo mốc 'trước Chiến tranh nha phiến' và 'sau Chiến tranh nha phiến'. Nói cách khác, một thế kỷ hổ thẹn và yếu ớt đã bị lướt qua."

Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng thương mại Nhà Trắng của tổng thống Donald Trump, cho biết tính từ đầu thập niên 1600 đến trước năm 1839, nhà nước phong kiến Trung Quốc đã chinh phục các chư hầu xung quanh và xây dựng vị thế siêu cường không thể tranh cãi tại châu Á.

"Đến năm 1693, vương triều Trung Quốc đã thôn tính luôn cửa ngõ quan trọng ra Thái Bình Dương: đảo Đài Loan," ông nói, chỉ ra rằng vị thế bá chủ khu vực không tranh cãi của Bắc Kinh đã bị gián đoạn và đi đến kết thúc đáng hổ thẹn vào năm 1839, trong tay Anh Quốc.

Hậu quả của xung đột quân sự là quân đội của Trung Quốc bị thất bại theo mọi nghĩa. Vị thế địa chính trị của Bắc Kinh tại châu Á sụt giảm chóng mặt. Quân đội hoàng gia của triều Thanh, với nòng cốt là các lực lượng Bát Kỳ người Mãn Châu đáng tự hào, bị nghiền nát bởi quân đội Anh - lực lượng có quy mô nhỏ hơn rất nhiều, nhưng vượt trội về công nghệ và khí giới.

Công nghệ, chiến thuật, và cả chiến lược của quân đội Trung Quốc cho thấy rõ sự bất tương xứng với phương Tây. Sự thất bại trong Chiến tranh nha phiến 1, với kết quả là Trung-Anh ký kết Hiệp ước Nam Kinh ngày 29/8/1942, đã mở màn cho Pháp, Mỹ, Nga,... nhảy vào "miếng bánh Trung Quốc", kéo theo hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng mà hoàng gia Thanh phải thỏa hiệp.

Hậu Hiệp ước Nam Kinh, 5 hải cảng được mở cửa cho giao dịch ngoại thương, lần đầu tiên phá vỡ chính sách bế quan tỏa cảng được thực thi qua nhiều thế kỷ từ triều Minh. Đồng thời, Vương quốc Anh lập thuộc địa tại Hồng Kông, cho đến khi đặc khu này được trao trả về Đại lục năm 1997.

Bình luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu nhân kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc (tháng 4/2019), thiếu tướng hải quân Dương Nghị nhận định trong lịch sử, Trung Quốc có ý thức mờ nhạt về đại dương, không chú trọng xây dựng lực lượng quân sự trên biển, dẫn đến việc bị hàng loạt cường quốc tấn công và khuất phục từ hướng biển.

Ông Dương cho hay, theo thống kê không đầy đủ, từ năm 1840 đến 1940, các nước phương Tây và các nước khác đã tấn công Trung Quốc từ biển 479 lần, trong đó có 84 lần quy mô lớn, 1860 lượt tàu thuyền xâm lược, ép chính phủ Thanh triều ký hơn 50 điều ước bất bình đẳng.

Viên tướng Trung Quốc nêu, nhu cầu phát triển và lợi ích an ninh quốc gia đang kêu gọi Trung Quốc xây dựng lực lượng hải quân nước xanh, với nền tảng là "cơ động viễn dương" và "kiểm soát khu vực", nghĩa là hải quân Trung Quốc cần có khả năng hoạt động tại tất cả vùng biển trên thế giới, đồng thời kiểm soát an ninh ở những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố có "lợi ích cốt lõi".

Thế kỷ ô nhục: Mở màn ác mộng lịch sử và di chứng khiến TQ hùng mạnh luôn yếu bóng vía - Ảnh 4.

Tranh vẽ của báo Le Figaro, ghi lại cảnh chỉ huy Charles Cousin-Montauban dẫn dắt quân Pháp áp đảo quân đội Thanh trong Chiến tranh nha phiến thứ hai, năm 1860 (Ảnh: Wikipedia/Creative Commons 3.0)

Hải chiến Trung-Nhật: Khi nước yếu vượt lên

Trước khi Nhật hoàng Minh Trị phát động cuộc Duy tân năm 1868, Nhật Bản vẫn bị coi là nước nhỏ và có tiềm lực thua kém Trung Quốc trên mọi phương diện. Chiến thắng lịch sử của hải quân Nhật Bản trước Hạm đội Bắc Dương của hải quân Thanh trong cuộc chiến 1894-1895, được biết đến với tên Hải chiến Giáp Ngọ, là thất bại to lớn thứ hai trong chiều dài "Thế kỷ ô nhục" của Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, Trung-Nhật đã chia sẻ và cạnh tranh tầm ảnh hưởng về chính trị, đối ngoại trên bán đảo Triều Tiên. Đối với Tử Cấm Thành, vương quốc Triều Tiên là một chư hầu và chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Trung Hoa. Còn Nhật Bản, trong nỗ lực thực hiện công cuộc Tây hóa theo Duy tân Minh Trị, đã cố gắng đưa Triều Tiên vào vòng ảnh hưởng. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đầu tư nhiều nguồn lực để đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Chiến tranh Trung-Nhật và hệ quả của nó có ảnh hưởng rất lớn về sau. Nhật Bản đánh bại Trung Quốc một cách thuyết phục, trong đó quan trọng nhất là thắng lợi hải quân thuyết phục trên sông Áp Lục.

Trung Quốc, đến thời điểm này đã hoàn toàn bị phương Tây vượt mặt và đánh mất cả vị thế lẫn lãnh thổ, thì tiếp tục bị đánh bại bởi nước láng giềng nhỏ bé. Triều Tiên được tuyên bố giải thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và đặt dưới quyền kiểm soát của Nhật, trong khi Bắc Kinh còn phải bồi thường chiến phí hơn 200 triệu lượng bạc trắng. Tokyo còn nhận được lãnh thổ bán đảo Liêu Đông, nhưng phải từ bỏ trước sức ép phương Tây.

Thập niên hỗn loạn, nội chiến và thế chiến

Chuỗi sự kiện từ đầu thập niên 1930 cho đến khi Mao Trạch Đông lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc giải phóng đất nước và thành lập nước CHND Trung Hoa (1949) cũng có ảnh hưởng kéo dài đối với Trung Quốc ngày nay.

Năm 1931, Nhật Bản chiếm đóng vùng lãnh thổ Mãn Châu và lập nên chính phủ Mãn Châu. Tháng 7/1937,căng thẳng bùng lên trong sự kiện Lư Câu Kiều được cho là khai màn chiến tranh toàn diện giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Xung đột đẫm máu đã kéo dài cho đến khi Thế chiến II kết thúc năm 1945, mà Nhật là bên thua trận. Những địa bàn lớn ở Trung Quốc bị người Nhật chiếm đóng, cũng như các hạ tầng thương mại, công nghiệp và đồng ruộng của Trung Quốc bị hủy hoại.

Song song với chiến tranh Trung-Nhật, giữa lòng Trung Quốc còn diễn ra cuộc nội chiến từ năm 1927 đến 1937 - khi các phe đình chiến để bắt tay chống Nhật. Nội chiến tái bùng phát năm 1946, Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch thất bại và chạy tới Đài Loan vào năm 1949. Cho đến nay, Bắc Kinh coi Đài Loan là vùng lãnh thổ chờ sáp nhập, hòn đảo này cũng là nhân tố quan trọng trong tư duy chiến lược của Trung Quốc về A2/AD.

Hơn 7 thập kỷ sau chiến tranh, mâu thuẫn về lịch sử vẫn là nguồn cơn làm dấy lên căng thẳng ngày nay giữa Bắc Kinh với Tokyo và cản trở những nỗ lực xây dựng quan hệ song phương tích cực hơn.

Giai đoạn biến động kéo dài cả một thế kỷ đã để lại hệ quả sâu rộng trong xã hội và con người Trung Quốc, cả về cảm quan của công chúng về lịch sử cũng như "tâm lý quốc gia". Các học giả Trung Quốc đã tranh cãi trong vài thập kỷ qua về vai trò của "Thế kỷ ô nhục" khi đề cập vị trí của Trung Quốc trong trật tự thế giới hiện đại. Trong thế kỷ 21, Bắc Kinh sẽ phải tái định nghĩa đất nước và vị thế trong trật tự toàn cầu, khu vực châu Á cũng như cảm quan lịch sử.

Thế kỷ ô nhục: Mở màn ác mộng lịch sử và di chứng khiến TQ hùng mạnh luôn yếu bóng vía - Ảnh 5.

Dàn chiến hạm Trung Quốc, bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh, trong cuộc diễu hành trên biển vào năm 2018 (Ảnh: Xinhua)

A2/AD: Câu trả lời của lịch sử?

Tác giả Kazianis và nhiều nhà phân tích khác nêu, chiến lược A2/AD của Trung Quốc nhắm vào những điểm yếu chọn lọc trong công nghệ quân sự, cấu trúc lực lượng và học thuyết chiến lược của Mỹ, thay vì tìm cách cạnh tranh với Mỹ trên tất cả phương diện tác chiến.

Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, song nước này vẫn chưa có đủ nền tảng kinh tế và công nghệ để thách thức Mỹ trong một cuộc "rượt đuổi" quân sự cân xứng. Điều mà PLA theo đuổi là một chiến lược bất đối xứng cho phép họ gây tổn thất tối đa cho đối thủ, trong trường hợp quân đội Mỹ can thiệp vào những lợi ích mà Bắc Kinh cho là cốt lõi ở biển Hoa Đông, biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

Lịch sử đã minh chứng hậu quả nặng nề mắc Trung Quốc gánh chịu từ sự tụt hậu trong công nghệ trên chiến trường, trong khi các nước khác bắt kịp thời đại. "Thế kỷ ô nhục" đã để lại cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc một bài học: Để cho các lực lượng quân sự bên ngoài tiếp cận bờ biển và gây dựng lực lượng có khả năng tấn công [Đại lục] sẽ làm lộ những điểm yếu chiến lược và kéo theo nguy cơ bị chinh phục bởi nước khác.

Bắc Kinh không nhận thấy họ có thời gian xa xỉ cho việc phát triển quân lực đẳng cấp hàng đầu nếu bị thách thức bởi quân đội Mỹ hay các lực lượng khác. A2/AD là chiến lược giúp giải quyết vấn đề cố hữu trong tương lai gần, và ít nhất có thể giúp Bắc Kinh cản bước Mỹ/đồng minh, trong khi Trung Quốc bảo toàn "lợi ích cốt lõi".

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại