Phụ huynh bất an sau những tai nạn đuối nước thương tâm

Xuân Phương |

Những vụ tai nạn chết đuối thương tâm diễn ra liên tục suốt những ngày vừa qua ở một số địa phương đã khiến phụ huynh vô cùng lo lắng.

Chiều 12/4, Huỳnh Bảo Toàn, học sinh lớp 7 Trường THCS Trần Thế Sinh (Thạnh Đức, H.Bến Lức, Long An) đã rủ bạn ra vàm sông Thủ Đoàn để tắm. Không may vì nước sông lên cao và chảy mạnh, nên khiến Toàn bị đuối sức, chìm dần và mất tích. Đến chiều 13/4 thì thi thể của học sinh xấu số này mới được tìm thấy cách khu vực em bị đuối nước khoảng 100m.

Còn vào ngày 14/4, một nhóm 3 học sinh là Nguyễn Anh Khôi (học sinh lớp 3A3), Nguyễn Đăng Khôi (học sinh lớp 1A1, Trường tiểu học số 1 thị trấn Phú Túc, em ruột của Anh Khôi) và Hoàng Công Huân (học sinh lớp 2, Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai) rủ nhau ra hồ nước của gia đình em Huân câu cá.

Vì trời nắng nóng nên các em đã xuống ao tắm, nhưng cả 3 em đều không biết bơi nên đã đuối nước và tử vong.

Cũng trong ngày 14/4, một nhóm em nhỏ ở Thanh Hóa đi tắm biển, trong đó có 2 em là Nguyễn Văn Thành Long (8 tuổi) và Nguyễn Đình Hồ (9 tuổi), cùng ở thôn Thanh Đông, xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã đuối nước tử vong.

Được biết, trong lúc đang tắm và nô đùa, bất ngờ 2 em bị sóng biển cuốn vào vùng nước sâu và trôi dạt ra xa bờ. Đến chiều tối thì người dân mới có thể tìm thấy thi thể của Long và Hồ.

Phụ huynh hoang mang

Trao đổi với Trí Thức Trẻ vào trưa 15/4, ông Tô Văn Chánh, chủ tịch UBND huyện Krông Pa (Gia Lai) xác nhận có việc 3 học sinh tiểu học đuối nước tử vong.

Theo ông Chánh, thời điểm này đang vào mùa nắng nóng, nên tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị đuối nước khi tìm ra sông, suối, ao hồ để tắm, vui chơi.

"Các cơ quan chức năng trong huyện thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở người dân là trông coi con em cẩn thận, cũng như có những biển cấm tắm ở những khu vực nguy hiểm, nhằm tránh những tai nạn thương tâm. Thế nhưng, vụ việc lần này xảy ra tại hồ nước của gia đình nên chính quyền địa phương không kiểm soát được", ông Chánh nói.

Cũng từ sau những vụ đuối nước liên tục xảy ra ở các địa phương những ngày vừa qua đã khiến không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng.

Phụ huynh bất an sau những tai nạn đuối nước thương tâm - Ảnh 1.

Cho trẻ đi học bơi là một trong những cách để đề phòng trường hợp bị đuối nước

Nhiều phụ huynh ở TP.HCM, đang sống ở những khu gần sông, suối, kênh, rạch... cảm thấy bất an hơn.

"Nhà tôi ở sát mé sông. Con tôi cũng thường xuyên ra khu vực ấy để vui chơi với bạn bè. Mà những ngày này trời nắng nóng quá, tôi lo sợ con nghe theo lời bạn rủ mà nhảy xuống tắm thì quá nguy hiểm", anh Trần Thanh Trung (ở đường Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân, TP.HCM), nói.

Tương tự, chị Hà Vũ Tuyết Nhung (ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Tân, TP.HCM), cũng cho biết nhà chị ở gần khu cầu Thị Nghè. Những ngày này thời tiết ở TP.HCM quá nắng nóng, nên hàng ngày chị thường chứng kiến nhiều thanh niên, trẻ nhỏ đứng từ trên cầu Thị Nghè nhảy xuống dưới để tắm.

"Tôi đọc những thông tin trẻ đuối nước rồi nghĩ lại cảnh hàng ngày chứng kiến mà lo quá. Nhà tôi có 2 đứa nhỏ mới 8 tuổi và 11 tuổi. Tôi dặn hoài nhưng vẫn nơm nớp lo sợ", chị Nhung than thở.

Trước những sự việc đau lòng vừa xảy ra, trên nhiều diễn đàn dành cho các phụ huynh, cũng đăng tải và chia sẻ những cách để có thể đề phòng đuối nước cho trẻ.

Theo đó, ngoài việc cho trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, thì các phụ huynh dặn nhau phải dành nhiều thời gian chăm sóc con, giám sát con chặt chẽ, luôn căn dặn con tuyệt đối không được đi tắm ở sông, suối, ao, hồ...

"Ngoài ra, theo tôi thì các trường học cũng phải thường xuyên lưu ý học sinh về điều này. Phải răn đe học sinh để học sinh không được trốn đi tắm sông, suối, không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước. 

Tại các khu vực sông, suối, cần có những biển cấm lại gần hoặc cấm bơi...", chị Lê Thúy Hương (ở đường Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đề xuất.

Nhiều địa phương lo lắng trẻ em đuối nước

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh và Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em CAIP tại Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng cho trẻ, trong đó có nội dung phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh trong các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Nhiều trường THCS ở Gia Lai cũng đã phối hợp với công an các huyện để tổ chức tuyên truyền cho học sinh các kĩ năng phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích ở trẻ em...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại