Tiêm kích J-11 vượt giới hạn ở eo biển Đài Loan, TQ muốn “nhắc nhở” Mỹ điều gì?

Minh Thu |

Chuyên gia Nga nhận định việc hai chiến đấu cơ J-11 của không quân Trung Quốc cố tình vượt qua đường giới tuyến ở eo biển Đài Loan hôm 31/3 là thông điệp Bắc Kinh muốn nhắc nhở chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, Cơ quan quốc phòng Đài Loan xác nhận vào lúc 11h ngày 31/3, hai chiến đấu cơ J-11 của không quân Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận lâu nay bằng việc vượt qua đường giới tuyến ở eo biển Đài Loan . Hành động của Trung Quốc buộc Đài Loan điều động các chiến đấu cơ bám sát.

Sau 10 phút đối mặt với các chiến đấu cơ Đài Loan, hai máy bay J-11 Trung Quốc đã buộc phải quay đầu và tránh đường giới tuyến trên eo biển Đài Loan, khu vực phân tách Đài Loan và Trung Quốc đại lục.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã lên tiếng khẳng định, Đài Loan sẽ có “hành động đáp trả mạnh mẽ” nếu bất cứ máy bay nào của Trung Quốc còn cố tình vượt qua đường giới tuyến ở eo biển Đài Loan.

Về phần mình, Mỹ cũng cảnh báo Bắc Kinh cần dừng lại những hành động “làm thay đổi hiện trạng” ở eo biển Đài Loan bằng “vũ lực hoặc bắt nạt”.

Phía chính phủ Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận chính thức sau vụ việc hai tiêm kích J-11 “vượt rào” ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu lại nhấn mạnh, “Trung Quốc đại lục chưa từng công nhận đường giới tuyến trên eo biển Đài Loan. Ngoài ra, Bắc Kinh chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và vẫn nằm trong lãnh thổ đại lục.

“Đường giới tuyến trên eo biển Đài Loan chỉ là thỏa mãn trí tưởng tượng và tâm lý của chính quyền Đài Loan. Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ công nhận điều này. Do đó, nếu chiến đấu cơ Trung Quốc vượt qua đường giới tuyến, diễn biến tiếp theo phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ và Đài Loan. Washington đã đi quá xa khi điều động các tàu chiến qua eo biển Đài Loan trong năm nay”, Thời báo Hoàn Cầu viết.

Do đó, chia sẻ với Sputnik, Phó Giám đốc Viện Các quốc gia châu Á và châu Phi thuộc Đại học Quốc gia Moscow, ông Andrei Karneev nhận định vụ chiến đấu cơ J-11 vượt giới hạn ở eo biển Đài Loan chính là thông điệp gửi tới Washington.

Dù loại trừ khả năng xảy ra một cuộc “xung đột trực tiếp”, song theo ông Karneev vụ việc ngày 31/3 cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả trước việc Washington và Đài Bắc ngày càng thân thiết.

Quan hệ Mỹ - Đài trở thành mối quan ngại với Trung Quốc sau cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Thái Anh Văn vào ngày 2/12/2016. Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động của ông Trump.

Giống như nhiều quốc gia khác, Mỹ công nhận chính sách “một Trung Quốc” của chính quyền Bắc Kinh, nhưng Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ với Đài Loan kể từ năm 1979 theo Đạo luật Các mối quan hệ với Đài Loan.

Thậm chí, Đạo luật cấp phép quốc phòng quốc gia Mỹ cho năm tài chính 2019 của chính quyền Tổng thống Trump còn có nội dung thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ - Đài như hỗ trợ Đài Loan nâng cấp năng lực quân sự cùng nhiều lĩnh vực khác.

Theo ông Karneev, Tổng thống Trump đã "vũ khí hóa" vấn đề Đài Loan để gia tăng sức ép với Bắc Kinh dù trong các cuộc đối thoại riêng với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ nhiều lần tái khẳng định cam kết công nhận chính sách “một Trung Quốc”.

Cũng theo ông Karneev, sự xuất hiện của hai chiến đấu cơ J-11 ở eo biển Đài Loan còn là đòn đáp trả của Trung Quốc trước thông tin Mỹ có kế hoạch bán hơn 60 chiếc tiêm kích F-16 của Tập đoàn Lockheed Martin cho Đài Loan.

Trong khi đó, kể từ mùa hè năm 2018, Mỹ đã tăng cường hoạt động tuần tra ở eo biển Đài Loan. Cụ thể riêng trong năm nay, Mỹ đã ba lần cho tàu thuyền đi qua khu vực này.

Hồi cuối tháng Một, Mỹ điều động tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell và tàu tiếp liệu USNS Walter S. Diehl đi qua eo biển Đài Loan.

Tới ngày 25/2, tàu USS Stethem và USNS Cesar Chavez của Mỹ tiếp tục di chuyển qua eo biển Đài Loan.

Gần nhất là vào ngày 24/3, tàu khu trục USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ và tàu tuần duyên Bertholf thuộc Lực lượng tuần tra bờ biển Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Hoạt động của tàu chiến Mỹ ở eo biển Đài Loan là nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington với Đài Bắc, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép để buộc Đài Loan sáp nhập vào lãnh thổ đại lục.

Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và khẳng định sự có mặt của hai tàu chiến Mỹ ở eo biển Đài Loan đã làm xấu đi mối quan hệ Mỹ - Trung.

“Trung Quốc đã theo dõi sát sao từ đầu tới cuối hành trình tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Trung Quốc phản đối hành động của Mỹ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại