Giải phóng Miền Nam: Cú đánh hiểm và bất ngờ, Mỹ và VNCH trở tay không kịp - Kinh thiên động địa

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Đó là quá trình xây dựng Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà của Bộ Tổng Tham mưu.

Sau khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, quân Mỹ đã rút khỏi miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc chiến chưa hề chấm dứt. Phía Việt Nam cộng hòa (VNCH) vẫn liên tục đẩy mạnh kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ", lấn chiếm vùng kiểm soát của Quân giải phóng tại nhiều nơi.

Trước tình hình đó, Bộ Thống soái tối cao đã chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu tiến hành xây dựng Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà làm cơ sở kết thúc chiến tranh, tiến tới hòa bình thống nhất trên cả nước.

Từ dự thảo lần thứ nhất

Để thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Tháng 4. 1973 Bộ Tổng Tham mưu đã thành lập Tổ Trung tâm (TT) do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách. Các thành viên của Tổ trung tâm gồm: Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng và hai Cục phó là Võ Quang Hồ và Lê Hữu Đức.

Ngay trong buổi làm việc đầu tiên, Tổ TT đã tranh luận rất sôi nổi về nhận định tình hình và phản ứng của đối phương. Những nội dung trọng tâm mà tổ thảo luận bao gồm:

Một là, quân đội VNCH bắt đầu suy yếu nhưng yếu đến mức nào và thời gian chống đỡ kéo dài bao lâu? Ban đầu, Tổ TT xác định có thể phải chiến đấu liên tục trong 2 năm, thậm chí có thể sang năm thứ 3 một thời gian sau khi tiêu diệt những bộ phận lớn sinh lực địch, thay đổi nhanh tương quan lực lượng mới giành thắng lợi trọn vẹn.

Giải phóng Miền Nam: Cú đánh hiểm và bất ngờ, Mỹ và VNCH trở tay không kịp - Kinh thiên động địa - Ảnh 1.

Hai là, khi chính quyền Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ, Mỹ có can thiệp không? Tổ TT nhận định, Mỹ đã thua, phải rút về nước, khó có khả năng quay lại, nhưng phải chú ý cảnh giác với lực lượng răn đe của Mỹ ở Đông Nam Á.

Tổ TT cũng dự kiến khi chính quyền Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ, Mỹ có thể sẽ đưa vào vài ba sư đoàn chiếm một vài vùng dọc bờ biển miền Nam Trung Bộ nhằm ngăn chặn đà tiến công của ta để củng cố vùng đồng bằng sông Cửu Long đông người, nhiều của hòng "mặc cả" với ta.

Thứ ba, cũng là vấn đề hết sức quan trọng là hướng tiến công chủ yếu và mục tiêu chủ yếu.

Đặc điểm và yêu cầu của cuộc tổng tiến công lần này, không phải là tiêu diệt một bộ phận binh lực hay phương tiện chiến tranh của địch như Mậu Thân 1968, hay cuộc tiến công năm 1972 mà là lớn hơn rất nhiều. Căn cứ bố trí của địch là "mạnh hai đầu, nhẹ ở giữa" mà Tổ TT không chọn trận mở đầu vào điểm mạnh của địch.

Giải phóng Miền Nam: Cú đánh hiểm và bất ngờ, Mỹ và VNCH trở tay không kịp - Kinh thiên động địa - Ảnh 2.

Giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu.

Trên có sở phân tích mạnh yếu của địch, tổ TT nhất trí với đề xuất của Thiếu tướng Vũ Lăng: "hướng tiến công chủ yếu của cuộc tổng tiến công chiến lược giải phóng miền Nam là Nam Bộ". Phải đánh vào đó - kho người, kho của và hang ổ ngụy quân, ngụy quyền mới nhanh dứt điểm chiến tranh.

Về trận tiến công mở đầu Tổ xác định là Tây Nguyên bởi "Ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ miền Nam". Tuy nhiên, giữa các mục tiêu Kon Tum, Pleiku và Buôn Ma Thuột thì chọn mục tiêu nào? Đó phải là nơi hiểm yếu mà đánh vào đó sẽ làm rung chuyển cả Tây Nguyên.

Xuất phát từ đặc điểm địch luôn đề phòng hướng bắc Tây Nguyên, phòng thủ mạnh ở Gia Lai – Kon Tum với một lực lượng rất hùng hậu. Còn Buôn Ma Thuột được coi như hậu phương với lực lượng khá mỏng nên qua thảo luận, Tổ TT nhất trí chọn Buôn Ma Thuột, điểm yếu, điểm sơ hở nhất và cũng là điểm hiểm yếu nhất của địch…

Thật ra, không chỉ Tổ TT phát hiện chính xác điểm đột phá chủ yếu của cuộc tổng tiến công là Buôn Ma Thuột, mà một số cán bộ trung, cao cấp từng chiến đấu ở Liên khu V trong kháng chiến chín năm cũng dễ nhận thấy, nếu đánh lớn ở Tây Nguyên thì nên và chỉ có thể tiêu diệt Buôn Ma Thuột trước…

Ngoài những nội dung trên, Tổ TT còn phải nghiên cứu thời điểm bắt đầu cuộc tổng tiến công: năm 1974 hay 1975? Sau khi phân tich về công tác chuẩn bị về quân số và đường sá của ta chưa thật sự đảm bảo nên tổ quyết định chỉ có thể mở chiến dịch lớn vào năm 1975-1976. Thời gian thực hiện kế hoạch dự kiến là 2 năm.

Giải phóng Miền Nam: Cú đánh hiểm và bất ngờ, Mỹ và VNCH trở tay không kịp - Kinh thiên động địa - Ảnh 4.

Bộ binh xe tăng Quân Giải phóng đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 của VNCH trong trận giải phóng Buôn Mê Thuột ngày 11/3/1975

Ngày 5/6/1973, bản Dự thảo lần thứ nhất hoàn thành ghi rõ: "Phương hướng chiến trường, phương hướng chủ yếu các đòn chủ lực:

1-Hướng tiến công chủ yếu là Nam Bộ.

2-Hướng chủ yếu của của chủ lực là: Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Chủ yếu là Tây Nguyên, vì địa hình tốt, bảo đảm phát huy được binh khí kỹ thuật, kết hợp được đòn tiến công chủ lực với đòn tiến công nổi dậy của đồng bằng Quân khu V; bảo đảm liên tục tiến công, có điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất, địch hiện tương đối yếu".

Toàn bộ công việc xây dựng kế hoạch và hoạt động của Tổ TT là tuyệt mật và hoàn toàn nằm trong phạm vi Bộ Tổng tham mưu.

Vào một ngày đầu tháng 6.1973, Thiếu tướng Lê Hữu Đức được "vượt cấp" sang báo cáo tình hình chiến trường như thường lệ với Bí thư thứ nhất (BTTN) Lê Duẩn. Khi biết Bộ Tổng Tham mưu đang xúc tiến xây dựng "Kế hoạch chiến lược...", ông yêu cầu được nghe báo cáo về kế hoạch này.

Sau khi nghe báo cáo sơ bộ, BTTN Lê Duẩn đã triệu tập toàn tổ TT sang trực tiếp trình bày cho ông nghe về bản kế hoạch ngay chiều hôm ấy. Ông cơ bản nhất trí với những nội dung chính của báo cáo, đồng thời chỉ ra một số phương hướng để thực hiện kế hoạch.

Bản kế hoạch sau đó được báo cáo lên Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Những người đứng đầu toàn quân đã nhất trí cao và chỉ thị cho Tổ TT cần nghiên cứu thêm một số vấn đề để hoàn chỉnh bản kế hoạch.

Đến Dự thảo lần thứ tám

Sau khi Dự thảo lần thứ nhất được báo cáo lên Bộ thống soái tối cao, Tổ TT tiếp tục thu thập thêm tình hình mọi mặt, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của một số cán bộ cao cấp già dặn kinh nghiệm chiến trường... để hoàn chỉnh bản kế hoạch.

Không chỉ vậy, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn đã có lần ra tình huống tập bài cho học viên Trường bổ túc quân sự cấp cao: "Nếu chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu thì mục tiêu đầu tiên là ở đâu?".

Tuyệt đại đa số đáp án của học viên đều thống nhất chọn hướng nam, đánh vào Buôn Ma Thuột.

Cuối năm 1974, khi được Bộ Quốc phòng hỏi nếu năm 1975 đánh lớn ở Tây Nguyên thì nên đánh vào đâu, Kon Tum, Pleiku hay Buôn Ma Thuột, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 thống nhất trả lời là nên đánh ngay từ đầu vào Buôn Ma Thuột.

Ngày 20.7.1974, Bí Thư thứ nhất Lê Duẩn lại có cuộc gặp riêng với Thượng tướng Hoàng Văn Thái và Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - hai Phó Tổng tham mưu trưởng tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Lúc này, bản kế hoạch đã dự thảo đến lần thứ 5.

Tại cuộc gặp, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn đã báo cáo kỹ về tình hình quân ta và đối phương trên các chiến trường.

Đồng thời, qua khai thác Đại tá Nguyễn Văn Thọ (tù binh ở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào) về kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh". Ông ta nói rằng: "không có hậu cần và vũ khí Mỹ, kế hoạch gì cũng rách; không có Mỹ thì quân đội VNCH giỏi lắm cũng chỉ trụ được 2 năm"...

Nghe xong, BTTN Lê Duẩn nói: "Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ Tổng tham mưu là Bộ Chính trị phải có nghị quyết về tình hình mới, thống nhất hành động, thống nhất ý chí để huy động sức mạnh của cả nước vào sự nghiệp lớn lao này". Và ông đã cho nhiều ý kiến chỉ đạo, xác đáng vào kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu.

Giải phóng Miền Nam: Cú đánh hiểm và bất ngờ, Mỹ và VNCH trở tay không kịp - Kinh thiên động địa - Ảnh 5.

Xe tăng 390 trong sân Dinh Độc Lập. Hiện nay, xe 390 được trưng bày tại Bảo tàng Binh chủng Tăng - Thiết giáp.

Tháng 8.1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm việc với Tổ TT để chuẩn bị nội dung cho họp Bộ Chính trị. Đại tướng chỉ thị:

Trước mắt, cần tổng kết cách đánh quân VNCH lấn chiếm, tăng thêm người và hoả lực, bảo đảm quân số tiểu đoàn địa phương có đủ 300, tiểu đoàn chủ lực 400, miền Bắc khẩn trương tổ chức từng tiểu đoàn, đại đội hoả lực mạnh đưa vào chiến trường, tiến tới trung đoàn phải diệt được quận lỵ, chi khu quân sự, tiểu đoàn diệt đại đội địch.

Về hướng tiến công chiến lược nhất trí là nam Tây Nguyên, mở đầu bằng đánh Buôn Ma Thuột. Ông nhấn mạnh về tầm quan trọng và vị trí chiến lược quân sự của Tây Nguyên và những chỗ mạnh, chỗ yếu trong thế bố trí chiến lược của VNCH. Vì vậy càng lộ rõ nam Tây Nguyên là địa bàn vừa hiểm yếu, vừa yếu lại vừa sơ hở.

Ngày 30.9.1974, Hội nghị Bộ Chính trị khai mạc tại Tổng hành dinh có mở rộng đến các ủy viên Quân uỷ Trung ương, đồng chí Võ Chí Công lúc này đang có mặt ở Hà Nội cũng được mời đến dự.

Hội nghị nhất trí phê duyệt kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ bảy do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị. Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu phải có kế hoạch tạo thời cơ và đón thời cơ, nhất là khi Thiệu đổ. Cụ thể: "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".

Về hướng chiến lược, Hội nghị đề ra bộ đội chủ lực phải chuẩn bị trên cả hai hướng:

- Tây Nguyên, trọng điểm là nam Tây Nguyên, là hướng chiến lược rất quan trọng.

- Miền Đông Nam Bộ là hướng quyết định cuối cùng.

Tây Nguyên được chọn làm chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp năm 1975.

Về cách đánh cần kết hợp đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, kết hợp ba mũi giáp công, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược.

Bộ đội chủ lực phải đánh những trận quyết chiến, đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường rừng núi, phối hợp với các chiến dịch tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long và Khu 5. Chú ý chia cắt chiến lược, cắt giao thông, tạo điều kiện nổ ra ly khai, binh biến.

Sau cuộc họp ấy, Tổ TT tiếp tục làm việc để hoàn thiện Dự thảo lần thứ 8 bản "Kế hoạch tổng tiến công, tổng công kích". Bản dự thảo này được trình ra cuộc họp của Bộ Chính trị mở rộng có các tướng lĩnh phụ trách các chiến trường tham dự từ ngày 18.12.1974 đến ngày 8.1.1975 với 3 phương án.

Hội nghị đã lựa chọn Phương án I: Tổng tiến công chiến lược. Hướng chủ yếu là Tây Nguyên. Hướng tiến công chủ yếu và nổi dậy là miền Đông và Sài Gòn. Đồng thời nhấn mạnh: "Nếu tạo được thời cơ vào đầu năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975".

Thực tiễn chiến trường năm 1975 đã chứng tỏ sự sáng suốt và thiên tài quân sự của Bộ Thống soái tối cao.

Giải phóng Miền Nam: Cú đánh hiểm và bất ngờ, Mỹ và VNCH trở tay không kịp - Kinh thiên động địa - Ảnh 6.

Thảm kịch của quân lực VNCH tháo chạy trên đường số 7. Ảnh tư liệu.

Ngày 10.3.1975, cuộc Tổng tiến công nổi dậy đã mở đầu bằng trận then chốt quyết định Ban Mê Thuột làm rung chuyển Tây Nguyên, tạo thời cơ để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà 55 ngày sau đó - ngày 30.4.1975.

Và điều thú vị là sau hơn 1 năm xây dựng với 8 lần dự thảo, có cả những đợt đưa ra làm bài tập cho học viên song Bản kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn hết sức bí mật và làm cho đối phương hoàn toàn bị bất ngờ.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong Hồi ký "Tổng hành dinh trong Mùa Xuân toàn thắng" của Đại tướng Võ nguyên Giáp).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại