Marjorie West và buổi dã ngoại định mệnh

Thái Hân |

Cuốn sách “Finding Marjorie West” (tạm dịch: Đi tìm Marjorie West) dài 270 trang của tác giả Harold Thomas Beck được xuất bản từng nhanh chóng làm dấy lên một cuộc tranh cãi trên các trang mạng và blog cá nhân, cũng như sự phản đối từ gia đình Marjorie West, một bé gái mất tích cách đó hơn 70 năm.

Vụ giết người để sinh tồn gây chấn động nước Mỹ Cái chết bí ẩn của nhà khoa học Mỹ Don Wiley

Câu chuyện mà tác giả Beck, cựu Tổng Biên tập Tạp chí Mountain Laurel Review, một tiến sỹ ngôn ngữ học và từng giảng dạy tại Trường Rasmussen, viết trong cuốn sách dựa trên ký ức của một nữ y tá từng được nhận nuôi khi còn nhỏ, một cuộc đời dường như rất trùng hợp với câu chuyện bé gái mất tích năm 1938 khi cùng cha mẹ đi dã ngoại trong rừng tại Bradford. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khúc mắc và câu hỏi chưa có lời giải khiến nhiều người không tin rằng nữ y tá trong câu chuyện của Beck chính là cô bé biến mất bí ẩn năm nào.

Marjorie đột nhiên biến mất trong rừng khi đang đi dã ngoại cùng gia đình nhân Ngày của Mẹ năm 1938. 

Đến tận ngày hôm nay, câu chuyện về Marjorie vẫn là một trong những điều bí ẩn nhất trong hồ sơ lưu trữ của Trung tâm Quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột.

Phải hơn 4 thập kỷ sau thời điểm Marjorie biến mất, cả nước Mỹ mới bắt đầu dấy lên một làn sóng lo ngại về các vụ bắt cóc, với sự kiện chấn động là vụ con trai của người dẫn chương trình nổi tiếng John Walsh đột nhiên mất tích tại một trung tâm thương mại ở Florida vào năm 1981. 

Các bậc phụ huynh lúc này mới thực sự để tâm và lo ngại về những nơi mà con mình tới hoặc những người mà chúng gặp. 

Trong khi đó, các chương trình an ninh của chính phủ cũng bắt đầu được triển khai để thu thập dấu vân tay và hồ sơ của trẻ em.

Cuộc tìm kiếm

Sáng chủ nhật, ngày 8-5-1938, gia đình của Shirley và Cecilia West cùng 3 đứa con là Dorothea, 11 tuổi; Allan, 7 tuổi; và Marjorie tới dự buổi cầu nguyện tại nhà thờ ở Bradford, một thành phố nhỏ thuộc quận McKean, tiểu bang Pennsylvania, cách Buffalo, New York 90 phút đi xe về phía nam. 

Shirley West là kế toán tại Nhà máy lọc dầu Kendall. Sau buổi lễ tại nhà thờ, cả gia đình West đi tiếp 13 dặm theo đường cao tốc 219 để tới cắm trại tại rừng Allegheny, một địa điểm rất được các thợ săn và người câu cá yêu thích. 

Tại đây, họ nhập hội cùng hai người bạn của mình là vợ chồng Lloyd Akerlind.

Marjorie West và buổi dã ngoại định mệnh - Ảnh 1.

Marjorie West lúc 4 tuổi (trái) và Dorothea, chị gái của Marjorie khi 65 tuổi.

Khoảng 3 giờ chiều, Cecilia ra xe để nghỉ ngơi trong khi Shirley đi câu cá cùng Lloyd dọc con suối. 

Hai cô bé, Dorothea và Marjorie, tha thẩn nhặt những bông hoa dại. Ông Shirley cảnh báo chúng cẩn thận với những con rắn ẩn mình sau các tảng đá. Hai cô bé ngắt được một chùm hoa violet. 

Dorothea đi về phía chiếc xe đậu bên đường để tặng chúng cho mẹ, và khi trở về, Marjorie đã biến mất.

Cả gia đình nhanh chóng tìm tới trạm điện thoại công cộng gần nhất, cách đó khoảng 7 dặm, để liên hệ với cảnh sát của thị trấn Kane.

200 sỹ quan từ các đơn vị lân cận đã tham gia cuộc tìm kiếm quy mô tới mức “mọi chiếc đèn pin trong thành phố đều được huy động”. 

Cuộc tìm kiếm bị chậm lại do cơn mưa lạnh lúc 1 giờ sáng. Tới ngày thứ Hai, số người tham gia cuộc tìm kiếm đã lên tới 500 người. Cảnh sát thẩm vấn mọi tài xế trong khu vực lân cận.

Tới ngày thứ ba, 10-5, cảnh sát đưa thêm chó nghiệp vụ từ New York tới. Tối cùng ngày, cảnh sát đã tìm được một số manh mối song báo chí và truyền thông lại đăng tải những thông tin rất khác nhau. 

Hai bài báo nói rằng các chú chó đã lần theo dấu vết của Marjorie khoảng nửa dặm dẫn lên núi, và tìm tới được một chiếc cabin đóng kín. Tuy nhiên, chẳng có gì đáng giá được tìm thấy tại đây. 

Những bài báo khác, cũng như các cuộc phỏng vấn người thân và các bài viết của nhiều người họ hàng sau này của Marjorie thì lại nói rằng chó nghiệp vụ đánh hơi thấy mùi của cô bé tới tận con đường dọc khoảng rừng thưa.

Vào thời điểm đó, và có lẽ là cho đến tận ngày nay, nhiều người vẫn tin rằng Marjorie đã đi lạc ra đến đường cái và được ai đó đón đi. 

Nhân chứng nói với cảnh sát rằng có 3 chiếc xe đã đi qua khu vực này vào khoảng 3 giờ chiều. 

Tối 10/5, hai trong số 3 tài xế đã được nhận diện trong khi tài xế thứ ba được nhân chứng cho là một người đàn ông chạy xe Plymouth mui kín với tốc độ cao như thể đang chạy trốn điều gì đó. 

Sang tới chiều thứ tư, ngày 11/5, Thị trưởng Bradford Hugh Ryan đã kêu gọi sự tham gia của 1.000 tình nguyện viên để tìm kiếm cô bé Marjorie. Khoảng 2.500 người đã hưởng ứng lời thỉnh cầu này.

Đến cuối tuần, khu vực tìm kiếm đã lên tới hơn 90 km2 mà không có tung tích của Marjorie. Cảnh sát sau đó bắt đầu phát đi các tờ tìm kiếm trong đó miêu tả Marjorie có mái tóc xoăn đỏ, làn da tàn nhang, chiếc mũ Shirley Temple màu đỏ và đôi giày da bóng. 

Trong quá trình tìm kiếm, người ta đã phát hiện được bó hoa violet nằm không xa tảng đá, gần nơi các cô bé hái hoa.

Năm 1953, cha mẹ của Marjorie ly hôn.

Những giả thuyết

Một số tờ báo đã liên hệ vụ Marjorie mất tích với vụ mất tích bí ẩn trong rừng khác của hai bé trai chỉ cách nhau vài giờ vào năm 1910. 

Ngày 16/4/1910, Edward Adams, 9 tuổi, đang câu cá với nhóm bạn gần Lamont, tiểu bang Pennsylvania, thì nghe tiếng chửi thề của một người lạ - người được truyền thông gọi là “người rừng”. Các cậu bé chạy đi nhưng khi dừng lại thì Eddie đã biến mất. 

Cách đó hơn 20 km tại thị trấn Ludlow, Michael Steffan, 7 tuổi, cũng đang câu cá với một người bạn.

Trên đường trở về nhà, người bạn quay lại và phát hiện Michael đã mất tích. Hai năm sau đó, cảnh sát Buffalo đã bắt được J Frank Hickey, kẻ đã thừa nhận sát hại hai cậu bé tại Buffalo và Manhattan cách nhau 9 năm. 

Nhiều người tình nghi tên này còn sát hại những cậu bé khác nữa, trong đó có Edward Adams và Michael Steffan.

Marjorie West và buổi dã ngoại định mệnh - Ảnh 2.

Một góc rừng Allegheny.

Những vụ việc kể trên diễn ra cách nơi gia đình Marjorie cắm trại tới gần 30km, và cũng thật khó để người ta tin rằng một “người rừng” hoang dã vẫn đang lẩn trốn trong khu rừng suốt 28 năm sau đó. 

Tuy nhiên, những gì diễn ra khiến người ta hiểu ra rằng gấu và rắn độc nhiều khi không phải là những mối đe dọa duy nhất tiềm ẩn trong các khu rừng.

Có ý kiến cho rằng Marjorie có thể bị bắt cóc để đòi tiền chuộc. Một số khác lại tin rằng Marjorie bị bắt cóc không phải vì tiền chuộc mà là phục vụ cho một tổ chức kiếm “tiền bẩn” khác. 

Ngày 12-9-1950, các nhà chức trách Tennessee đã cáo buộc Georgia Tann, Giám đốc điều hành chi nhánh Memphis của Tổ chức từ thiện nhà ở xã hội của trung tâm bảo trợ trẻ em tại Tennessee đã nhận nuôi hơn 1.000 trẻ em để kiếm lời 1 triệu USD suốt từ đầu những năm 1930 bằng cách lừa những cặp vợ chồng nghèo từ bỏ con mình. Tann chết chỉ 3 ngày sau khi vụ điều tra được công khai. 

Nhiều đứa trẻ thậm chí còn không biết được bố mẹ đẻ của mình thật sự là ai.

Vụ việc liên quan tới Tann khi đó cũng từng được xem là một giả thuyết rất có lý. 

Vài ngày sau khi Marjorie mất tích, một tài xế taxi tại Thomas, Tây Virginia, nói với cảnh sát rằng vào tối muộn Ngày của Mẹ, một người đàn ông và một bé gái trông có vẻ đang hờn dỗi đã nghỉ lại tại khách sạn Imperial trong thị trấn. 

Tuy nhiên, giả thuyết này nhanh chóng bị phủ nhận sau khi vào tháng 10-1938, cảnh sát Pennsylvania lần manh mối và tìm tới một người kinh doanh nhỏ có tên Conrad Fridley sống tại Ridgely, Tây Virginia. 

Fridley cho biết vào đêm đó, ông ta cùng con gái Lois, 5 tuổi, đang trên đường trở về nhà sau chuyến đi tới Parsons, và phải nghỉ lại bên đường do sương mù. 

Lois cảm thấy không vui khi phải dừng lại giữa đường, và họ đã rời đi vào sáng hôm sau.

Năm 2017, cảnh sát tại Kane cũng phủ nhận giả thuyết được lan truyền trên Internet suốt nhiều năm trước cho rằng Marjorie West là Annandale Jane Doe, một phụ nữ qua đời vào ngày 18-12-1996 tại Annandale, hạt Fairfax, Virginia. 

Hai người có khá nhiều điểm tương đồng và Jane Doe cũng ở độ tuổi của Marjorie khi đó. Tuy nhiên, theo dữ liệu quốc gia về người mất tích và chưa xác định, hai người có ADN hoàn toàn khác biệt.

Một câu chuyện hợp lý

Harold Thomas Beck khẳng định ông đã biết câu trả lời của vụ việc bí ẩn liên quan tới Marjorie West. 

Năm 1998, khi mạng Internet dần trở nên phổ biến, Beck đã thông báo trả thưởng cho ai biết được thông tin về Marjorie và đăng kèm bức ảnh mới nhất của người chị Dorothea vì cho rằng Marjorie ở thời điểm đó sẽ giống bà.

Một người phụ nữ đã liên lạc với Beck và khẳng định mình từng làm việc tại một bệnh viện ở Florida với một nữ y tá trong rất giống người trong hình. 

Beck nhanh chóng tới Florida để tìm gặp người y tá trong câu chuyện. Người phụ nữ này rất giống Dorothea song phủ nhận mình là Marjorie.

Năm 2005, Beck lại nhận được tin từ nữ y tá kể trên. Hai người đã có một cuộc gặp tại trang trại mà bà sinh sống lúc nhỏ tại Bắc Carolina. 

Nữ y tá kể cho Beck nghe câu chuyện mà mẹ bà hé lộ trước khi qua đời, với điều kiện ông không được tiết lộ cho bất kỳ ai danh tính của bà, trừ Dorothea – người mà bà tỏ ý muốn gặp mặt. 

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Dorothea khi đó đã quá già yếu và không thể gặp người có thể là em gái mình. Nữ y tá cho phép Beck xuất bản câu chuyện của mình chỉ sau khi bà qua đời.

Vào Ngày của Mẹ năm 1938, cha của nữ y tá đang trên đường trở về nông trại sau khi tạm nghỉ công việc tại nhà máy lọc dầu ở Bradford suốt mùa đông thì bất ngờ đâm phải một bé gái tại con đường ngang qua rừng Allegheny. 

Ông định đưa cô bé tới bệnh viện ở Kane, song cô bé bất ngờ tỉnh lại trên xe và không hề bị thương gì. Ông và vợ mất đi đứa con gái duy nhất vào mùa đông năm trước sau một ca sinh khó vì vậy họ quyết định giữ cô bé lại nông trại để nuôi nấng. 

Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ông nhập ngũ và mất đi một cánh tay – điều mà ông cho là cách Chúa trừng phạt vì những gì ông đã làm. Sau cuộc chiến, cha mẹ của nữ y tá này còn có thêm 4 người con nữa.

Nữ y tá đã qua đời cách đây hơn một thập kỷ. Beck cũng giữ lời hứa và xuất bản câu chuyện “Finding Marjorie West”, trong đó khẳng định nhân vật nữ y tá chính là Marjorie West. 

Nhiều người tin câu chuyện là có thật, bởi nó giải thích được vì sao cô bé 4 tuổi với mái tóc đỏ lại biến mất không chút dấu vết. 

Tuy nhiên, sau khi cuốn sách ra đời, nhiều người vẫn sôi nổi tranh cãi về việc tại sao hai người nhận nuôi Marjorie có thể giữ bí mật suốt ngần ấy năm.

Trong cuốn sách của Beck, nữ y tá cũng nói rằng mình chính là bé gái khóc nhè tại Tây Virginia vào đêm tháng 5-1938. 

Tuy nhiên, theo bài báo từ tháng 10-1983, cảnh sát và gia đình West đã đến gặp Conrad Fridley, người khẳng định ông mới chính là người cùng con gái nghỉ lại bên đường năm đó. 

Cảnh sát xác nhận con gái của Fridley có nhiều nét giống với Marjorie, nhưng không phải là người mất tích và cô bé được trông thấy đêm đó mặc quần áo khác với Marjorie.

Vậy nếu nữ y tá kia không phải là Marjorie West thì cô bé thực sự đã đi đâu, hay “biến mất” như thế nào?

Nhiều người dần nghiêng về khả năng Marjorie đã sảy chân và thiệt mạng do địa hình hiểm trở trong khu vực. 

Năm 2010, những người thân trong gia đình của Marjorie đã gây sức ép đối với cảnh sát bang, yêu cầu cảnh sát bang mở lại cuộc điều tra. 

Hai năm sau đó, cảnh sát bang đã lấy mẫu ADN từ hai người họ hàng của Marjorie tại Bradford và gửi tới Trung tâm Quốc gia về Trẻ em mất tích và bị lạm dụng, song không tìm được bất cứ manh mối nào.

Những họ hàng của gia đình nhà West cho biết người thân của Marjorie tin rằng cô bé vẫn còn sống ở đâu đó. 

Cháu gái của Dorothea West từng viết vào năm 2009 trên trang blog cá nhân của mình: “Tôi vẫn nhớ việc thường được bà kể lại chuyện về Marjorie và nỗi buồn của bà tôi khi bà nói về việc bà đã để em gái mình ở lại rừng một mình. 

Cảm giác tội lỗi theo đuổi bà tới tận khi qua đời cách đây 2 năm”.

Thái Hân (tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại