Căng thẳng Úc - Trung Quốc lan từ ngoại giao sang thương mại

Anh Tú |

Hải quan cảng Đại Liên (phía bắc Trung Quốc) đã cấm nhập khẩu than Úc và sẽ giới hạn tổng lượng nhập khẩu than trong năm 2019 ở mức 12 triệu tấn, Reuters trích nguồn tin từ một quan chức ở cảng Đại Liên.

Hải quan cảng Đại Liên (phía bắc Trung Quốc) đã cấm nhập khẩu than Úc và sẽ giới hạn tổng lượng nhập khẩu than trong năm 2019 ở mức 12 triệu tấn, Reuters trích nguồn tin từ một quan chức ở cảng Đại Liên.

Lệnh cấm vô thời hạn đối với than nhập khẩu từ Úc có hiệu lực kể từ đầu tháng 2, xuất hiện khi các cảng lớn ở Trung Quốc kéo dài thời gian thanh toán bù trừ đối với than Úc ít nhất 40 ngày. Than vốn là nguồn thu nhập lớn nhất từ xuất khẩu của Úc nên ngay sau khi có thông tin này thì đồng đô la Úc giảm hơn 1% xuống mức chỉ còn ăn 0,7086 đô la Mỹ.

News của Úc ám chỉ lệnh cấm phản ánh ngoại giao 2 nước xấu đi trong thời gian gần đây. Mối quan hệ của Úc với Trung Quốc vốn đã xấu đi kể từ năm 2017, khi Canberra cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề trong nước.

Và căng thẳng đã dâng cao đột ngột vào tháng trước sau khi Úc hủy bỏ thị thực của một doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc. Động thái đó diễn ra chỉ vài tháng sau khi Úc cấm công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc là Huawei cung ứng thiết bị cho mạng băng thông rộng 5G theo lời kêu gọi từ Mỹ.

Khi được hỏi liệu lệnh cấm nhập khẩu có liên quan đến căng thẳng song phương hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm qua cho biết hải quan nước này đang kiểm tra khâu nhập khẩu than để đảm bảo an toàn và chất lượng.

Mục tiêu việc này được ông Cảnh nêu ra là để bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc và vì bảo vệ môi trường. Ông Cảnh nói thêm rằng hành động đó là hoàn toàn bình thường.

Khi được hỏi liệu lệnh cấm có liên quan đến một cuộc tấn công mạng gần đây vào Quốc hội Úc mà báo chí Úc ám chỉ có bàn tay Trung Quốc, ông Cảnh cho biết các hoạt động trên không gian mạng là "khó theo dõi".

"Người ta đáng ra nên đưa ra nhiều bằng chứng khi điều tra và xác định bản chất của hoạt động không gian mạng thay vì đưa ra những suy đoán vô căn cứ và phát ngôn bừa bãi nhắm vào người khác", ông Cảnh nói.

Đồng thời, ông Cảnh còn khuyên Úc nên duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. "Như chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần trước đây, mối quan hệ Trung Quốc - Úc lành mạnh và ổn định sẽ phục vụ lợi ích chung của cả hai quốc gia và nhân dân hai nước," ông nói. "Trung Quốc hy vọng Úc có thể hợp tác với chúng tôi để thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi".

Tuy nhiên, theo ABC thì động thái cấm nhập khẩu than có vẻ mang màu sắc chính trị vì chỉ có than Úc bị nhắm mục tiêu trong khi than nhập khẩu từ Nga và Indonesia lại không bị ảnh hưởng.

Nhập khẩu qua Đại Liên chỉ chiếm 1,8% tổng xuất khẩu than của Úc. Tuy nhiên, lệnh cấm lại phản ánh mối quan hệ thương mại giữa Úc và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tiêu cực và nó có thể có tác động rộng lớn hơn với tâm lý thị trường.

Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham cho biết ông đã liên lạc với đại sứ quán của Úc tại Bắc Kinh và tìm hiểu điều gì đang xảy ra. "Trung Quốc là đối tác có giá trị của Úc và chúng tôi tin tưởng rằng các cam kết hiệp định thương mại tự do giữa 2 bên sẽ tiếp tục được tôn trọng".

Ông Birmingham cũng cho biết, xuất khẩu than của Úc sang Trung Quốc trong quý IV/2018 có khối lượng và giá trị cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Trong phiên điều trần của Thượng viện ngay hôm qua, ông Birmingham đã cảnh báo không nên đi đến kết luận rằng tình hình hiện nay là kết quả của căng thẳng ngoại giao.

Thời gian qua, Úc đã điều tàu chiến và máy bay đi qua Biển Đông cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung ở khu vực này. Hiện tại, các tàu Úc vẫn chưa vào trong phạm vi 12 hải lý quanh thực thể nhân tạo được quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông (như Mỹ đã làm).

Nhưng trước áp lực của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump thì các hành động của Úc gần đây đã có dấu hiệu vỗ mặt Trung Quốc thật sự thay vì gắng đứng ngoài tranh chấp như thời ông Barack Obama làm chủ Nhà Trắng.

Cả Úc và Canada đều là những đồng minh thân cận của Mỹ. Trong thời gian qua, ông Trump yêu cầu trách nhiệm đồng minh ngày càng lớn hơn từ Úc và Canada. Úc là nước đầu tiên mà ông Trump đề nghị loại Huawei ra khỏi kế hoạch phát triển mạng 5G (e ngại ảnh hưởng đến các thông tin tình báo).

Còn Canada cũng được phía Mỹ đề nghị dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, CFO của Huawei sang Mỹ vì các hoạt động đi ngược lại lợi ích của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại