Nguyên nhân nào khiến Nga kiên quyết từ chối cho "xe tăng bay" Su-25 về hưu?

Nam Đồng |

Tương tự như chiếc A-10 Thunderbolt II của Mỹ, máy bay cường kích tầm thấp Su-25 Frogfoot cũng đã nhiều lần bị đề cập đến khả năng cho "nghỉ hưu".

Sukhoi Su-25 Frogfoot là loại máy bay cường kích hoạt động ở độ cao thấp được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ chống tăng và yểm trợ hỏa lực đường không đối với bộ binh, nó được xem là đối thủ trực tiếp của chiếc A-10 Thunderbolt II trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Chuyến bay đầu tiên của Su-25 được thực hiện vào ngày 22/2/1975, chính thức ra mắt vào tháng 4/1981, đã có khoảng trên 1.056 máy bay xuất xưởng để trang bị cho Không quân Liên Xô cũng như nhiều quốc gia đồng minh.

Với trên 40 năm phục vụ liên tục trong Không quân Liên Xô trước kia và Không quân Nga ngày nay, rõ ràng tuổi đời của Su-25 đã rất cao và xứng đáng được "nhận sổ hưu", nhất là khi vai trò của nó đang được một số "hậu bối" sẵn sàng thay thế.

Tuy vậy cũng tương tự như chiếc A-10, Moskva chưa có dấu hiệu sẽ đồng ý cho nó "vào bảo tàng", nguyên nhân là do đâu?

Nguyên nhân nào khiến Nga kiên quyết từ chối cho xe tăng bay Su-25 về hưu? - Ảnh 1.

Máy bay cường kích tầm thấp Su-25 Frogfoot của Không quân Nga

So với những chiếc Su-25 thế hệ đầu, phiên bản nâng cấp Su-25SM3 tiên tiến nhất thực sự là một chiếc máy bay mới trong vỏ bọc cũ kỹ, nó vẫn được xem là cơn ác mộng hàng đầu của xe tăng và bộ binh địch.

Biến thể Su-25SM3 được tích hợp những thiết bị điện tử hàng không thế hệ mới nhất của Nga, năng lực chiến đấu của nó theo đánh giá gần gấp đôi phiên bản cũ.

Su-25SM3 thực hiện tốt nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất nhờ dàn hỏa lực mạnh mẽ gồm tên lửa không đối đất, rocket không điều khiển, bom dẫn đường và bom rơi tự do... phân bổ trên 8 điểm treo dưới cánh.

Trong chiến đấu, phi công chỉ cần điều khiển Su-25SM3 theo các thông số mà máy tính đưa ra, hệ thống kiểm soát cung cấp khả năng oanh tạc chính xác kể cả sử dụng bom thông thường. Bom sẽ được thả tự động vào thời điểm thích hợp căn cứ vào các điều kiện tự nhiên tác động lên vũ khí, độ sai lệch chỉ dao động trong vòng tròn bán kính 5 m.

Thực tế chiến trường cũng chỉ ra Su-25 chủ yếu oanh tạc mục tiêu mặt đất bằng rocket không điều khiển do chi phí rất rẻ nhưng vẫn đảm bảo uy lực cần thiết, "cơn mưa thép" từ trên cao trút xuống có tác dụng rất lớn trong việc uy hiếp tinh thần kẻ địch.

Nguyên nhân nào khiến Nga kiên quyết từ chối cho xe tăng bay Su-25 về hưu? - Ảnh 2.

Các loại vũ khí treo dưới cánh máy bay cường kích tầm thấp Su-25

Ngoài sức mạnh vượt trội, biệt danh "xe tăng bay" của Su-25 còn liên quan tới vỏ giáp cực dày có khả năng kháng cự rất tốt trước hỏa lực phòng không mặt đất. Lịch sử chiến đấu ghi nhận nhiều chiếc Su-25 bay được về căn cứ trong tình trạng lỗ chỗ vết đạn trên thân và động cơ bị bắn nát.

Tổng hợp những yếu tố kể trên, kết hợp cùng chi phí vận hành rẻ hơn đáng kể so với những dòng chiến đấu cơ đa năng hiện đại và độ tin cậy cực cao trong hoạt động khi có thể cất hạ cánh ngay trên sân bay dã chiến khiến cho Su-25 vẫn còn được Không quân Nga tin dùng, với ít nhất 250 chiếc vẫn bền bỉ phục vụ trong nhiều năm nữa.

Máy bay cường kích tầm thấp Su-25SM3 của Không quân Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại