Bi quan cùng cực trước "sức ép" của Nga, dân biển Ukraine đành học cách... sống chung với lũ

Tất Đạt |

Những người dân Ukraine tại các thành phố công nghiệp và các làng du lịch dọc bờ biển Azov biết cuộc đụng độ với Nga "không sớm thì muộn" sẽ xảy ra. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian.

Khung cảnh ảm đạm

Thậm chí nhiều tháng trước vụ đụng độ vào ngày 25/11 vừa qua, Moskva đã dành nhiều tháng bao vây và gây áp lực lên vùng biển "nhạy cảm" - nơi tọa lạc nhiều thành phố cảng Ukraine, nằm giữa vùng lãnh thổ của Nga và Crimea.

Theo tờ The Guardian (Anh), hiện tại, Kiev khẳng định một số thành phố quan trọng đã hoàn toàn bị phong tỏa tuyến đường biển. Nhiều tàu biển bị mắc kẹt tại các cảng ở Mariupol và Berdyansk, các cần cẩu bị bỏ mặc, ngừng hoạt động lâu ngày, dẫn tới việc thất thoát hàng triệu hryvnia (đồng tiền nội địa).

Trong 6 ngày qua, nhiều tàu chở ngũ cốc và kim loại không thể rời khỏi vùng biển lạnh giá gần cảng Berdyansk, chờ đợi trong vô vọng tới ngày phía Nga cho phép đi qua eo biển Kerch. Không còn con đường nào khác để ra vào biển Azov.

"Mọi thứ bắt đầu từ mùa hè vừa qua. Nga đã có câu trả lời cho chúng tôi," Alexander Barchan, một quan chức tại cảng biển Berdyansk cho biết. Theo người đàn ông này, sau nhiều năm, lượng tàu đi lại trong khu vực đã giảm tới 50% do tác động từ bên ngoài.

Bi quan cùng cực trước sức ép của Nga, dân biển Ukraine đành học cách... sống chung với lũ - Ảnh 1.

Cảng biển ở thành phố Mariupol. Ảnh: EPA

"Tôi nghĩ chúng ta có thể gọi đây là cấm vận kinh tế. Chúng tôi đang mất các dòng vận chuyển hàng hóa, chúng tôi thiệt hại rất nặng nề. Lượng hàng được vận chuyển qua khu vực này chỉ bằng một nửa so với những năm trước."

Nga đã phủ nhận mọi cáo buộc can thiệp đối với hệ thống vận tải đường thủy của Ukraine. Khi được hỏi liệu tình trạng này sẽ tiếp tục đến lúc nào, ông Barchan ngừng lời, chắp tay băn khoăn: "Chúng tôi chẳng buồn nghĩ tới chuyện này nữa."

Cuộc đối đầu tại Biển Đen đã làm dấy lên quan ngại rằng căng thẳng sẽ đẩy Nga và Ukraine vào tình trạng chiến tranh. Từ khi Nga hoàn thành cây cầu dài hơn 19km ở eo biển Kerch để nối liền tuyến đường từ vùng Crimea tới lãnh thổ Nga và không đi qua Ukraine, tình hình khu vực đã có nhiều dấu hiệu bất ổn.

Hôm 29/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã kêu gọi NATO gửi thêm các tàu chiến tới biển Azov để hỗ trợ Ukraine và phá vỡ lệnh phong tỏa của Nga.

Vai trò đặc biệt của cầu Kerch

Tình hình tại Mariupol cũng không khả quan hơn là bao. Một quan chức cảng biển miêu tả số lượng tàu đi vào và đi ra cảng: "Từ hoạt động nhỏ giọt, bây giờ chúng tôi nghỉ hẳn".

Trong 4 năm trở lại đây, thành phố 500.000 người này đã trở thành "tiền tuyến" trong cuộc đối đầu giữa Ukraine và phe ly khai. Những cuộc giao tranh chết người vẫn đang tiếp diễn, chỉ cách thành phố này hơn 19km về phía đông.

Lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến tranh ở Ukraine khởi phát, Mariupol được đặt trong tình trạng khẩn cấp bên cạnh 10 vùng khác dọc theo biên giới Ukraine. Thiết quân luật cũng được áp dụng trong 30 ngày, kéo theo sự hoang mang và bất bình khó diễn tả.

Dù từng chứng kiến thành phố gần như rơi vào tay phe ly khai vào năm 2014, từng trải qua cảnh loạt rocket Grad bắn phá một khu căn hộ trong thành phố khiến 20 người thiệt mạng, cư dân Mariupol vẫn chưa thể hoàn toàn "quen" với hiện thực.

"Sự nguy hiểm chưa bao giờ thôi rình rập chúng tôi, chúng tôi buộc phải học cách sống chung với nó," một cư dân nói.

Bi quan cùng cực trước sức ép của Nga, dân biển Ukraine đành học cách... sống chung với lũ - Ảnh 2.

Đội tuần tra an ninh biển Azov ở Mariupol. Ảnh: Martyn Aim/Getty Images

Ngày 28/11, Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine Volodymyr Omelyan cho biết 18 tàu - trong đó có 4 tàu đi tới Berdyansk và 14 tàu đi tới Mariupol - đã bị Nga chặn lại tại eo biển Kerch. 17 tàu khác mắc kẹt tại biển Azov và không thể rời khỏi đây.

"Chỉ những tàu đi tới cảng của Nga ở biển Azov mới được phép di chuyển," ông Omelyan viết.

Ukraine cho rằng Nga đã nắm quyền điều hành eo biển Kerch mặc dù theo thỏa thuận năm 2003, tàu của Ukraine được phép hoạt động trong vùng biển Azov.

Nhưng từ sau khi cây cầu Crimea hoàn thiện - trong thời gian ba năm và chi phí 3,9 tỉ USD - Nga đã bắt đầu thực hiện hoạt động kiểm tra nghiêm khắc hơn với các tàu tiến vào cảng Ukraine - thậm chí giữ những tàu này trong nhiều ngày.

Tờ Guardian cho rằng, hơn cả biểu tượng về sự kiểm soát, cây cầu còn đóng vai trò khác trong vụ đụng độ hồi tuần trước.

Sau khi tàu Nga tiếp cận 3 tàu Ukraine, các trực thăng và phi cơ Nga bắt đầu đổ bộ vùng eo biển này.

Thậm chí, một tàu chở hàng cỡ lớn còn chặn trước cây cầu để ngăn các tàu nhỏ khác đi qua, hoàn toàn chặn đứng và kiểm soát mọi hoạt động tại đây.

Đối với một số người dân, vụ đụng độ ở Kerch đã cho thấy tham vọng rõ ràng của Nga ở Biển Azov. Ukraine cũng tiết lộ mặc dù những quốc gia phương Tây tỏ ra "đặc biệt quan ngại" nhưng đều từ chối trực tiếp ngăn cản hành động của Nga.

"Bây giờ đối với Nga, cây cầu Kerch giống như viên ngọc quý. Nga sẽ dồn toàn lực bảo vệ nó. Tôi tin rằng đối với Nga, việc bảo vệ cầu Kerch còn quan trọng hơn khóa chặt Ukraine tại các cảng biển ở Azov. Khóa cảng là kết quả của việc bảo vệ cầu Kerch," ông Oksana Syroid - Phó chủ tịch Quốc hội Ukraine - phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại Kiev.

Tại Mariupol, hoạt động thiết quân luật đã thay đổi đời sống hàng ngày của người dân. Những lính vũ trang đứng canh gác tại các ga tàu và những trạm kiểm soát trong và ngoài thành phố bắt đầu xiết chặt quản lí.

"Những người dân thường sẽ không phản ứng quá khác biệt, cho tới lúc chiến tranh nổ ra," Odnorog, một cựu quân nhân, cho hay.

Khoảnh khắc tàu Nga va chạm với tàu Ukraine trên Biển Đen

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại