Indonesia hiện đại hóa lực lượng hải quân

NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC |

Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 9 được tổ chức tại Myanmar vào năm 2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, khi đó mới đắc cử đã tuyên bố sáng kiến mang tính định hướng cho chính sách đối ngoại “Trục biển toàn cầu” (GMF) của “quốc gia vạn đảo” trong tương lai. Theo đó, Indonesia chú trọng phát triển hải quân, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm.

Tham vọng lớn

Ngay sau khi học thuyết GMF được công bố, tầm nhìn của Tổng thống Widodo về việc đưa Indonesia trở thành “trục biển” nối giữa hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã thu hút sự quan tâm chú ý tới từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trong năm trụ cột của học thuyết GMF, bên cạnh các trụ cột về phát triển kinh tế biển, Indonesia đặc biệt nhấn mạnh: “Là một quốc gia với vai trò là cầu nối giữa hai đại dương, Indonesia phải xây dựng sức mạnh quốc phòng trên biển của mình”.

Indonesia chủ trương làm mới, hiện đại hóa trang thiết bị cho lực lượng hải quân, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm. Thậm chí, năm 2011, việc bổ sung tàu ngầm đã sớm được chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Susilo Yudhoyono đưa vào Kế hoạch chiến lược quốc phòng tới năm 2024.

Theo đó, hải quân Indonesia dự kiến sẽ đón nhận ít nhất 12 tàu ngầm mới vào năm 2024, bổ sung vào lực lượng tàu ngầm khiêm tốn chỉ với hai chiếc do Đức chế tạo từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Theo ông Jarryd de Haan, chuyên gia phân tích và nghiên cứu thuộc Dự án nghiên cứu Ấn Độ Dương, tham vọng mở rộng hạm đội tàu ngầm của Indonesia là nhằm phục vụ ba lợi ích hàng hải quan trọng.

Thứ nhất, việc Trung Quốc thực hiện mục tiêu mở rộng ảnh hưởng tại Biển Đông có thể gây quan ngại về xung đột vùng đặc quyền kinh tế biển (EEZ) với Indonesia; vì vậy, thay vì chờ đợi biện pháp ngoại giao đạt hiệu quả, hiện đại hóa lực lượng hải quân nhằm mục tiêu ngăn chặn là hợp lý hơn cả.

Thứ hai, Indonesia sở hữu vị trí địa lý chiến lược quan trọng, trong đó có eo biển Malacca – nơi có tới ¼ tổng số hàng hóa thương mại toàn cầu vận chuyển qua.

Thứ ba, do đặc điểm được cấu thành từ nhiều đảo và quần đảo lớn nhỏ, chủ quyền trên biển của Indonesia đặc biệt dễ bị tổn thương trước bất cứ hành vi xâm phạm nào của hải quân nước khác.

Với nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng tàu ngầm, điển hình là đã từng đưa vào vận hành 12 tàu ngầm lớp Whiskey của Liên Xô vào những thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, có lẽ Indonesia sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc mạnh dạn đưa vào vận hành lực lượng tàu ngầm mới.

Trang bị tàu ngầm lớp Chang Bogo

Tháng 12-2011, Indonesia và Hàn Quốc chính thức ký kết hợp đồng cung cấp 3 tàu ngầm diesel-điện lớp Chang-Bogo trị giá 1,07 tỷ USD cho Indonesia như một phần trong nỗ lực thực hiện Kế hoạch chiến lược quốc phòng tới năm 2024 của Bộ Quốc phòng nước này.

Cho tới nay, 2 trong số 3 chiếc tàu ngầm đã được đưa vào biên chế hải quân Indonesia, với tên gọi KRI Nagapasa 403 và KRI Ardadedali 404. Cả hai chiếc tàu ngầm lớp Chang Bogo này đều được chế tạo tại xưởng đóng tàu và kỹ thuật hàng hải Daewoo (DSMC) ở Okpo, Hàn Quốc.

Tàu ngầm KRI Nagapasa 403 được chuyển giao cho Hải quân Indonesia vào tháng 8-2017 tại cảng biển tại Surabaya, Đông Java.

Đây là chiếc tàu ngầm mang nhiều ý nghĩa với Indonesia bởi lẽ nó đánh dấu nền móng đầu tiên trong việc nâng cấp hạm đội tàu ngầm, vốn đã bị lơ là suốt hơn 30 năm qua. KRI Nagapasa 403 có độ giãn nước từ 1.200-1.400 tấn với chiều dài gần 60m, bề ngang 6.3m.

Tàu ngầm thứ hai thuộc lớp Chang Bogo có tên gọi KRI Ardadedali 404 được đưa vào biên chế của Hải quân Indonesia vào tháng 5-2018, đánh dấu bước phát triển tiếp theo trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Indonesia và Hàn Quốc.

Đích thân Đô đốc Ade Supandi, tư lệnh Hải quân Indonesia đã tới dự lễ đón nhận chiếc tàu ngầm này. Ông đánh giá cao sự chuyển giao công nghệ giữa hai quốc gia và bày tỏ sự hứng khởi với sức mạnh của chiếc tàu ngầm có chiều dài 61,3m cùng trọng tải gần 1.300 tấn này.

Bốn động cơ diesel và một động cơ điện giúp KRI Ardadedali đạt tầm hoạt động tối đa 18.520km và tốc độ dưới nước đạt gần 40 km/h. Hệ thống vũ khí của tàu ngầm này bao gồm các ngư lôi 533mm và tên lửa chống hạm Boeing Harpoon.

Ngoài việc mua sắm các tàu ngầm được lắp ráp ở nước ngoài, Indonesia còn cho thấy tham vọng lớn khi tham gia trực tiếp vào công tác nghiên cứu và chế tạo. Cụ thể, tàu ngầm thứ ba của lớp Chang Bogo dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2018 sẽ là sản phẩm hợp tác giữa DSMC của Hàn Quốc và Xưởng đóng tàu PT PAL của Indonesia.

Ngoài ra, theo nguồn tin mà Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s có được, Bộ Quốc phòng Indonesia đã dành ra khoảng 1,9 triệu USD cho dịch vụ tư vấn liên quan tới việc bổ sung tàu ngầm thứ 6 cho hải quân.

Trong tương lai, Indonesia sẽ đón nhận nhiều tàu ngầm hơn nữa, với các đối tác như Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ...

Dù đã cho thấy tham vọng và những hành động cụ thể trong việc nâng cấp hạm đội tàu ngầm, theo nhiều nhà phân tích, Indonesia vẫn chưa thực sự tối ưu hóa được tiềm lực của mình và kế hoạch đón nhận 12 tàu ngầm vào năm 2024 đã bị giảm xuống chỉ còn 8 các lý do liên quan tới tài chính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại