4 tiêm kích F-16 Hà Lan quây chặt, bắn hạ MiG-29: Cuộc không chiến quá chóng vánh

Bình Nguyên |

Lúc 19h30, giờ địa phương, biên đội 4 tiêm kích F-16 cất cánh làm nhiệm vụ hộ tống chặn kích trên không, bảo vệ nhóm máy bay cường kích của NATO tấn công Serbia.

Trận chiến chóng vánh: MiG-29 bị hạ

Biên đội 4 tiêm kích F-16 (phiên bản F-16AM) của Không quân Hoàng gia Hà Lan (RNLAF) nằm trong số những máy bay chiến đấu đầu tiên của NATO xâm nhập không phận Serbia đêm ngày 24/03/1999.

Chỉ trong vòng vài phút, Không quân Hoàng gia Hà Lan đã bắn hạ 1 tiêm kích MiG-29, lập chiến công tiêu diệt máy bay đối phương trong không chiến lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II.

Chiến thắng này cũng đánh dấu trận không chiến đầu tiên của tiêm kích F-16AM, phiên bản tiên tiến nhất của dòng máy bay F-16 tính tới thời điểm bấy giờ (1999).

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Tạp chí quốc phòng hàng đầu thế giới Jane's Defence Weekly, Trung tá phi công Jon Abma thuộc Không quân Hoàng gia Hà Lan, sĩ quan chỉ huy của Nhóm tác chiến đặc nhiệm liên hợp không quân Hà Lan-Bỉ (DATF) đã kể lại các sự kiện xảy ra trong những khoảnh khắc đầu tiên của chiến dịch không kích của Liên quân.

"Vào lúc 19h30, giờ địa phương, biên đội 4 tiêm kích F-16AM cất cánh từ căn cứ đi làm nhiệm vụ chặn kích trên không, bảo vệ nhóm máy bay cường kích NATO trong phi vụ đầu tiên đánh vào Serbia. Sau khi tiếp dầu trên không ở khu vực vùng trời Biển Adriatic, biên đội bay ngang qua không phận Albania tiến vào Serbia.

Vừa vào tới không phận Serbia, họ đã nhận được thông báo từ máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) của Liên quân cho biết, có 3 tiêm kích MiG-29 đã cất cánh từ một căn cứ không quân gần Belgrade", Trung tá Abma kể lại.

4 tiêm kích F-16 Hà Lan quây chặt, bắn hạ MiG-29: Cuộc không chiến quá chóng vánh - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-29 Serbia bị bắn hạ.

Sân bay đó nằm ở Batajnica, là căn cứ của phi đội tiêm kích số 127, đơn vị tiêm kích MiG-29 duy nhất trong biên chế Không quân Yugoslav (Không quân Liên bang Nam Tư). Trung tá Abma nói:

"Biên đội 4 tiêm kích F-16 hướng thẳng tới khu vực mục tiêu, sục sạo để phát hiện các máy bay MiG bằng chính radar của mình. Bỗng nhiên, 1 chiếc MiG-29 bị tóm gọn bởi cả 4 chiếc F-16 cùng lúc. Khi tới cự ly phóng đạn hiệu quả, chỉ huy biên đội đã khai hỏa 1 quả tên lửa không đối không tầm trung AMRAAM nhằm vào mục tiêu.

Quả đạn cắm thẳng một cách chính xác vào chiếc MiG-29 chỉ sau khi phóng khoảng 30 giây. Rất chóng vánh".

Tên lửa không đối không AMRAAM, có tốc độ tới hơn 4.000km/h, vượt cự ly 33km chỉ trong vòng 30 giây. Theo các sĩ quan thuộc Không quân Hoàng gia Hà Lan ở Amendola, quả tên lửa nổ ở cự ly cách chừng 18km phía trước chiếc F-16 dẫn đầu.

"Phi công có thể nhìn rõ vụ nổ bằng mắt thường. Cùng lúc đó, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không ghi nhận có 1 MiG biến mất khỏi màn hình radar", Trung tá Abma nói. "Chúng tôi chưa tìm thấy 2 chiếc MiG còn lại, nhưng gần như cùng lúc ấy, 2 chiếc tiêm kích F-15 đã bắn hạ chúng".

4 tiêm kích F-16 Hà Lan quây chặt, bắn hạ MiG-29: Cuộc không chiến quá chóng vánh - Ảnh 2.

Tiêm kích F-16 của Không quân Hoàng gia Hà Lan.

Yêu cầu phối hợp tác chiến khắt khe

Trung tá Abma cho biết nguyên tắc tác chiến đối với các nhiệm vụ tiêm kích phòng không yêu cầu mục tiêu phải được giám sát bởi máy bay AWACS trong toàn bộ hành trình, và ngoài ra còn phải đáp ứng 4 yêu cầu khác nữa.

Các sĩ quan khác thuộc RNLAF cho biết, trong số đó có việc nhận dạng địch ta và lệnh cho phép tấn công từ người chỉ huy.

Khi bay nhiệm vụ chặn kích, mỗi chiếc tiêm kích F-16AM ở Amendola mang theo 4 quả tên lửa không đối không tầm trung AMRAAM, 2 thùng dầu phụ và 1 khối thiết bị (pod) gây nhiễu/tác chiến điện tử Northrop Grumman ALQ-131 ECM

Thêm vào đó, 4 trong số 8 máy bay còn mang thêm 2 quả tên lửa không đối đất Raytheon AGM-65G Maverick nữa.

"Nhờ cấu hình vũ khí linh hoạt này, họ có thể phản ứng ngay lập tức khi một mục tiêu mặt đất cần phải được tiêu diệt", Trung tá Col Abma cho biết. "Khả năng hoán đổi vai trò nhiệm vụ nhanh chóng này được đánh giá rất cao Bởi Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp của NATO (CAOC) tại Vicenza, Italy, nơi lập và triển khai các chiến dịch trên không".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại