Điệp viên Anh kể về âm mưu ám sát Gorbachev ở Đông Đức

Hồng Anh |

Trong cuốn hồi ký mới ra mắt, một cựu sĩ quan đặc nhiệm Anh cho biết ông ta từng tự tay ngăn chặn âm mưu ám sát Gorbachev cuối thập niên 1980.

Người "cứu mạng" Mikhail  Gorbachev

Mới đây, một cựu sĩ quan SAS (Special Air Service - lực lượng đặc nhiệm của Hoàng gia Anh) đã tiết lộ âm mưu ám sát Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tại Đông Đức năm 1989 trong cuốn hồi ký mới được xuất bản. Người này cũng tự nhận rằng chính ông ta đã ngăn cản âm mưu trên được tiến hành.

Trong cuốn hồi ký mới ra mắt mang tên Pilgrim Spy (tạm dịch: Điệp viên tha hương), với bút danh Tom Shore, cựu sĩ quan SAS trên đã tiết lộ những câu chuyện đằng sau "tấm rèm sắt", và kế hoạch của tổ chức cực đoan mang tên Baader-Meinhof, ám sát Tổng thống Gorbachev trong chuyến thăm Berlin ngày 7/10/1989.

Điệp viên Anh kể về âm mưu ám sát Gorbachev ở Đông Đức - Ảnh 1.

Ông Gorbachev (trái) trong chuyến thăm Đông Đức năm 1989. Ảnh: AP

Theo đó, Tom Shore đã được SAS điều đến Đông Đức vào năm 1989 với nhiệm vụ điều tra chiến dịch quân sự của quân đội Xô viết. Nhưng ông ta không tìm được bằng chứng mình cần, và sau đó đã gia nhập một phong trào vận động cải cách và dân chủ ở Leipzig.

Shore đã giúp đỡ các thành viên thuộc phong trào vận động ôn hòa thâm nhập và sử dụng sóng radio của lực lượng đặc nhiệm để loan báo về phong trào ôn hòa "biểu tình ngày thứ Hai" tại Leipzig.

Theo Shore, trong thập niên 1970-80, "một số tổ chức cực đoan đã lần lượt ra đời ở Đức, ví dụ như tổ chức Baader-Meinhof". Baader-Meinhof đã cài người vào phong trào vận động ôn hòa đang được Shore giúp đỡ.

"Vài tuần sau, trong khi đang tiếp sóng radio, tôi đã bị hai người đàn ông mang vũ khí uy hiếp. Sau đó tôi đã xoay chuyển được tình thế, và sau khi tra hỏi thì tôi biết được họ là thành viên của Baader-Meinhof... Họ đã thâm nhập vào phong trào vận động của chúng tôi, biết đến việc tôi có thể sử dụng sóng radio và muốn sở hữu nó", Shore kể lại trong cuốn hồi kí.

"Khi tiếp tục chất vấn họ đến cùng, tôi đã moi được ‘tin sốc’ từ họ. Con người là vậy, khi bị đe dọa thì họ sẽ khai ra hết tất cả để giữ lại mạng sống.

Nhờ vậy nên tôi mới phát hiện ra Baader-Meinhof đang có âm mưu ám sát Tổng thống [Gorbachev] trong khi ông này thực hiện chuyến thăm Berlin nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập [Cộng hòa Dân chủ Đức]", Shore viết trong cuốn hồi kí.

Cựu điệp viên SAS cho rằng nếu âm mưu ám sát ông Gorbachev diễn ra thành công trên đất Đông Đức thì chắc chắn Liên Xô sẽ đáp trả. Và nếu điều đó xảy ra, thì tình hình sẽ trở nên rất bất lợi đối với những người dân Đông Đức, và đặc biệt là phong trào vận động ôn hòa mà ông đang hỗ trợ.

Là một đặc nhiệm độc lập, Shore đã quyết định hành động nhằm ngăn cản âm mưu ám sát trên bằng mọi giá. Trong hồi kí, ông này kết luận: "Có vẻ như tôi đã tự tay cứu mạng ông Gorbachev".

"Cái gai" Putin

Trả lời phỏng vấn của báo Anh The Guardian, Tom Shore cho biết ông ta quyết định lên tiếng vào thời điểm này bởi "hầu hết những người có liên quan đều đã qua đời hoặc nghỉ hưu từ lâu, hơn nữa ông cũng không tiết lộ bất kì bí mật nào của tổ chức và không khiến bất cứ tính mạng của ai bị đe dọa".

Theo ông này, ngày nay hai trong số những kẻ từng lên kế hoạch ám sát cựu Tổng thống Gorbachev vẫn tiếp tục hoạt động và nằm trong danh sách những kẻ bị nước Đức truy nã gắt gao.

Điệp viên Anh kể về âm mưu ám sát Gorbachev ở Đông Đức - Ảnh 2.

Cuốn sách Pilgrim Spy (tạm dịch: Điệp viên tha hương) của cựu đặc nhiệm SAS dưới bút danh Tom Shore.

Bên cạnh đó, lí do Shore quyết định kể về những ngày tháng ấy là vì ông cảm thấy những phong trào ôn hòa tại Leipzig vào thời điểm đó đã bị lãng quên.

Ngoài ra, cuốn sách của Shore còn nhắc tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi ấy là đặc vụ KGB hoạt động tại Đông Đức.

Trong đó, Shore cho biết ông ta không ngờ rằng sẽ có ngày ông Putin trở thành nhân vật quyền lực nhất nước Nga và có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Trong thập niên 1980-90, đối với Shore thì đặc nhiệm KGB Putin chỉ là "cái gai" mà ông ta không thể động tay đến vì đang hoạt động độc lập.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào câu chuyện của Tom Shore.

Trên trang Twitter cá nhân, tác giả người Anh Jeremy Duns đã chỉ ra một số điểm cho thấy cuốn hồi ký của Shore dính nghi án ‘đạo’ các thông tin cơ bản về tổ chức Baader-Meinhof từ Wikipedia, hay có cốt truyện "quen thuộc" như các tiểu thuyết điệp viên kinh điển, mà điển hình là tiểu thuyết Quiller KGB của nhà văn Adam Hall, được xuất bản từ năm 1989.

Mặc dù vậy, ông Duns cho rằng cuốn hồi kí của Tom Shore có lẽ vẫn sẽ đắt khách, bởi những nhân vật và sự kiện được đề cập trong cuốn sách vẫn khơi gợi sự tò mò của nhiều độc giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại