Sau 3 tháng bám đuôi Kilo tới tận Syria, NATO vẽ viễn cảnh đáng sợ về uy lực của tàu ngầm Nga

Hải Vy |

Trong những năm gần đây, giới quan chức Mỹ và châu Âu đã nhiều lần cảnh báo về mối đe dọa gia tăng từ phía các tàu ngầm ngày càng cơ động và tinh vi của Nga.

Do đó, các quốc gia thành viên NATO đang có những bước đi tích cực để đối phó với thách thức trên.

"Nga đang có một lực lượng tàu ngầm rất hiệu quả"

Đô đốc James Foggo – chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu và châu Phi từng nói, "trận chiến thứ 4 trên Đại Tây Dương" – tức là sau các trận hải chiến trong Thế chiến I, Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh – đang diễn ra, và lần này phạm vi của nó còn vượt ra xa bên ngoài Đại Tây Dương.

"Tôi đã sử dụng thuật ngữ ấy trong một số ghi chép của mình, rằng ngay lúc này chúng ta "đang ở trong trận chiến thứ 4 trên Đại Tây Dương, và nó không chỉ giới hạn ở vùng biển này…", ông Foggo cho hay.

"… Đó còn là tất cả những vùng biển tôi đã đề cập tới, như Bắc Băng Dương, Baltic, Địa Trung Hải, Biển Đen, các cửa ngõ dẫn tới eo biển Gibraltar và GIUK", ông Foggo nói, đồng thời cho biết GIUK đề cập tới tuyến Greenland - Iceland - United Kingdom, nơi tập trung các hoạt động tàu ngầm thời Chiến tranh Lạnh.

Sau 3 tháng bám đuôi Kilo tới tận Syria, NATO vẽ viễn cảnh đáng sợ về uy lực của tàu ngầm Nga - Ảnh 1.

Hoạt động gia tăng của tàu ngầm Nga đang khiến Mỹ-NATO lo ngại.

Mặc dù một số ước tính tình báo từ Chiến tranh Lạnh cho thấy hoạt động tàu ngầm của Nga hiện nay vẫn ở dưới mức đỉnh điểm trong thời kỳ trên nhưng các quan chức Mỹ và NATO vẫn bày tỏ mối lo ngại trong những năm qua.

"Hoạt động trong lĩnh vực tác chiến tàu ngầm đã gia tăng rõ rệt kể từ lần đầu tiên tôi quay lại châu Âu và từ sau Chiến tranh Lạnh" – ông Foggo, từng giữ cương vị chỉ huy Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ, cho biết – "Hải quân Nga đã tiếp tục đầu tư vào tác chiến dưới lòng biển, và họ đang có một lực lượng tàu ngầm rất hiệu quả".

Theo ông Foggo, mức độ sẵn sàng của lực lượng tàu ngầm Nga đã được nâng cao tới mức độ cho phép Hải quân Nga triển khai chúng gần như liên tục.

Hồi đầu năm nay, Đô đốc John Richardson, chỉ huy các hoạt động Hải quân Mỹ, đã nói với các nhà lập pháp rằng Moscow "đang có những bước tiến nhanh hơn, cả về công nghệ lẫn thời gian hoạt động ở nước ngoài".

Nỗi lo mang tên "Hố đen đại dương"

Yasen – lớp tàu ngầm mới nhất của Nga, đã làm dấy lên nhiều so sánh với những mẫu tàu ngầm tốt nhất của Hải quân Mỹ. Moscow đã bắt kịp tiến bộ kỹ thuật, kết hợp với lợi thế địa lý để có thể triển khai tàu ngầm từ các căn cứ ở biển Barents, Baltic và Biển Đen.

Theo ông Foggo, một số tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga thuộc phiên bản mới hơn, tiên tiến hơn có khả năng bắn tên lửa Kalibr từ những khu vực trên và vươn tới "bất cứ thủ đô nào của châu Âu".

Tên lửa hành trình đối đất Kalibr được phóng đi từ tàu ngầm Kilo

Tuy nhiên, phương thức lý tưởng nhất để theo dõi những tàu ngầm này không phải là sử dụng những tàu ngầm khác. Một cách hiệu quả hơn là huy động tàu ngầm, tàu mặt nước và các phương tiện đường không tấn công tàu ngầm của đối phương trên mọi bình diện.

"Tác chiến chống ngầm là một chiến dịch phối hợp giữa các lực lượng, và không để ai quên đi điều đó", ông Foggo nói, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiệm vụ này sẽ cần tới tất cả các phương tiện tác chiến của lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, cũng như của Hạm đội 6 – đơn vị đặc trách nửa phía đông Đại Tây Dương.

Hải quân NATO, và nhiều lực lượng hải quân khác trên thế giới, đã chú trọng hơn tới năng lực tác chiến chống ngầm trong những năm gần đây, bổ sung các công nghệ mới và tăng thời gian thực hành. Một biểu hiện của sự chú trọng này là thị trường dành cho phao âm – dùng để phát hiện các mục tiêu dưới lòng biển – ngày càng lớn mạnh.

Sau 3 tháng bám đuôi Kilo tới tận Syria, NATO vẽ viễn cảnh đáng sợ về uy lực của tàu ngầm Nga - Ảnh 3.

Hành trình tàu chiến NATO theo dõi tàu ngầm Krasnodar (đề án 636.3) của Hải quân Nga.

Năm 2017, các tàu chiến Mỹ được triển khai tới đông Địa Trung Hải đã tham gia vào một "cuộc chơi" khá gian nan là theo dõi Krasnodar – tàu ngầm tấn công ít tiếng ồn lớp Kilo của Nga, được mệnh danh là "Hố đen đại dương".

Các thủy thủ thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay USS George H.W. Bush được giao nhiệm vụ bám theo chiếc Krasnodar, dù họ không được đào tạo nhiều về tác chiến chống ngầm.

"Đây là dấu hiệu về sự thay đổi trạng thái đối kháng trên thế giới, nó cho thấy một loạt kỹ năng mà chúng ta ít rèn giũa trong 15 năm qua đang quay trở lại" – Đại tá Jim McCall, chỉ huy không đoàn tiêm kích trên tàu USS George H.W. Bush nói.

Trong bài viết đăng tháng 11/2017 trên tờ Wall Street Journal, nhà báo Julian Barnes đã mô tả chi tiết quãng đường khổng lồ mà liên minh NATO đã đi qua trong 3 tháng khi bám đuôi tàu ngầm Krasnodar trên hành trình di chuyển từ Biển Bắc tới Địa Trung Hải.

Hà Lan theo dõi con tàu của Nga tại Biển Bắc, trước khi tàu chiến Anh luân phiên tại eo biển Anh. Tàu tuần tra Tây Ban Nha tiếp tục bám theo con tàu trước khi nó di chuyển tới Gibraltar. 

Tại đây, tàu tuần dương Mỹ (trực thuộc nhóm tác chiến USS George H.W. Bush), với sự hỗ trợ của máy bay tuần thám săn ngầm P-8 Poseidon, đã đi theo tàu ngầm Nga vào Địa Trung Hải.

Hiện chưa rõ các lực lượng hải quân phương Tây đã theo dõi tàu ngầm Nga sát được đến mức nào khi nó lặn dưới nước.

Song, có thể thấy rõ là Mỹ và các đồng minh NATO đã phải dốc rất nhiều nguồn lực để tìm cách theo dõi tàu ngầm Nga, trong đó huy động cả một nhóm tác chiến tàu sân bay, với rất nhiều trực thăng và tàu chiến tại khu vực vào thời điểm đó.

Trung tá Edward Fossati, chỉ huy phi đội trực thăng săn ngầm của nhóm tác chiến USS George H.W thì cho biết, năng lực theo dõi được nâng cao đã giúp họ kiểm soát được tình hình dù các tàu ngầm Nga đã được tăng cường khả năng tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là Hải quân Mỹ phải tiếp tục duy trì được phong độ của mình.

Các lực lượng mặt nước của Hải quân Mỹ đã để cho năng lực tác chiến chống ngầm của họ suy yếu đáng kể trong nhiều năm sau Chiến tranh Lạnh.

"Cho tới vài năm trước, các hệ thống chống ngầm của họ vẫn chưa được hiện đại hóa để đối phó với tàu ngầm mới của Nga và Trung Quốc" - Bryan Clark, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, nhận định hồi đầu năm nay.

Song gần đây, Hải quân Mỹ đã bắt đầu bổ sung thêm nhiều thiết bị mới và nâng cấp giúp tăng cường đáng kể năng lực của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại