Tấn công Syria – Mỹ phải suy nghĩ 2 lần: Leo thang càng cao, ngã càng đau!

Lê Ngọc Thống |

Nếu không quân ở Khmeimim và tên lửa hành trình Kalibr trên các tàu chiến chưa đủ, thì sự xuất hiện Tu-160 là quá đủ khiến Mỹ-Anh-Pháp không dám đụng đến lực lượng Nga tại Syria.

Ngăn chặn đòn tấn công của Liên minh Mỹ-Anh-Pháp do Mỹ đứng đầu vào Syria tất nhiên là Nga thì ai cũng nhận thấy. Nhưng chưa đủ, có 2 yếu tố rất quan trọng mà khiến Mỹ phải "suy nghĩ 2 lần" trước khi tấn công Syria với quy mô lớn, ồ ạt như Iraq năm 2003.

Nga ngăn chặn Liên quân Mỹ tấn công Syria?

Nhìn vào tình thế Syria hiện nay cùng với cuộc tập trận của Nga tại Địa Trung Hải thì có vẻ như Nga đang làm tất cả mọi cách có thể để ngăn chặn Mỹ-Anh-Pháp tấn công vào Syria, nhưng không hẳn như vậy.

Trước hết phải khẳng định rằng cuộc tập trận tại Địa Trung Hải, có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Nga, người Nga đã tổ chức một cuộc tập trận hợp đồng quân binh chủng giữa Hải quân, không quân mang tính tấn công ở bên ngoài lãnh thổ.

Điều đặc biệt ở đây là quy mô là cấp chiến dịch nhưng có sự tham gia của Không quân vũ trụ (không quân chiến lược) cụ thể là máy bay ném bom chiến lược Tu-160.

Nga đã cơ động sang Địa Trung Hải một lực lượng lớn: Hải quân có 26 tàu chiến (có 2 tàu ngầm), được điều động từ Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Biển Đen, Đội tàu Caspian. Kỳ hạm là tàu tuần dương tên lửa Marshal Ustinov.

Tấn công Syria – Mỹ phải suy nghĩ 2 lần: Leo thang càng cao, ngã càng đau! - Ảnh 1.

Một số tàu chiến Nga có mặt tại Địa Trung Hải tham gia cuộc tập trận quy mô nhất trong lịch sử.

Không quân có 34 máy bay các loại gồm máy bay tên lửa chiến lược Tu-160, máy bay săn ngầm Tu-142 và Il-38, máy bay tiêm kích tàu sân bay Su-33 máy bay tiêm kích đa năng Su-30SM của Không quân hải quân Nga.

Chỉ huy cuộc tập trận là Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Korolyov.

Đây là 3 nhiệm vụ chính, hay nói cách khác là thông điệp của cuộc tập trận mà Nga muốn gửi đến người cần nhận nó:

1. Thực hiện tuyên bố của Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, tướng Valery Gerasimov vào tháng 4/2018 trước đòn tấn công của Mỹ-Anh-Pháp vào Syria: "Nếu người Nga, các căn cứ của Nga tại Syria bị tấn công thì Nga không chỉ bắn hạ các tên lửa mà tiêu diệt nơi chúng xuất phát".

Vậy thì, các lực lượng này của Nga xuất hiện tại Địa Trung Hải trên danh nghĩa tập trận để thực hiện nhiệm vụ này nếu như Mỹ-Anh-Pháp tấn công vào Syria như họ đã tuyên bố sau khi đã chuẩn bị lực lượng tại Địa Trung Hải, tại Vịnh Ba Tư, tại các căn cứ không quân của NATO.

Nếu như các tên lửa hành trình Kalibr trên các tàu chiến Nga, không quân ở Khmeimim là chưa đủ, thì sự xuất hiện Tu-160 là quá đủ để không cho phép Mỹ-Anh-Pháp dám đụng đến lực lượng Nga tại Syria.

Tấn công Syria – Mỹ phải suy nghĩ 2 lần: Leo thang càng cao, ngã càng đau! - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-30SM hộ tống máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Không quân Nga.

2. Bố trí một hệ thống phòng không mới khu trung tâm và phía Nam Syria theo hướng chính từ vịnh Ba Tư của tên lửa Tomahawk. Đây là lỗ hổng phòng thủ trước đây mà hệ thống phòng không Nga-Syria chưa có điều kiện để "bịt" thì nay điều đó là có thể nếu đòn tấn công vào Syria nếu xảy ra…

Thực tế là khi lực lượng của Nga được điều động và bố trí tại Địa Trung Hải thì các đòn tấn công từ hướng Địa Trung Hải vào Syria không còn là sự lo ngại, nhưng hướng từ vịnh Ba Tư và các căn cứ không quân NATO mà Anh, Pháp xuất phát là phải tính đến…

Lưu ý là đừng ai nghi ngờ rằng hệ thống phòng Nga tại Syria và của Syria đã được kết nối, nghĩa là tất cả các phát hiện, chỉ thị mục tiêu đều được một chỉ huy thống nhất… tất nhiên từ Nga.

3. Đồng thời hỗ trợ hỏa lực cho chiến dịch giải phóng Idlib, chiến dịch cuối cùng kết thúc chiến tranh đang được chính quyền Tổng thống Assad chuẩn bị sẵn sàng để mở màn. Điều này thì khỏi phải bàn.

Như vậy, Nga điều lực lượng sang Địa Trung Hải tập trận không phải để tấn công Idlib, không phải để ngăn chặn Mỹ-Anh-Pháp tấn công vào Syria (vì với nguyên cớ là vũ khí hóa học (VKHH) thì Mỹ, Anh muốn là có) mà chỉ để ngăn chặn Mỹ-Anh-Pháp tấn công Nga tại Syria.

Ngoài ra, tất nhiên, hỗ trợ cho Syria bắn hạ tên lửa Mỹ, luyện tập, nâng cao hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Nga, thử nghiệm vũ khí tác chiến EW mới… nếu như Liên quân Mỹ tự nguyện là quân xanh.

Ai có thể ngăn chặn được đòn tấn công của Mỹ-Anh-Pháp?

Một đòn tấn công của Liên quân Mỹ vào Syria bao giờ cũng có 2 mục tiêu, đó là quân sự và chính trị. Nếu như như quy mô như đòn tấn công ngày 14/4 vừa qua thì mục tiêu chính của đòn tấn công chỉ là mục tiêu chính trị.

Liệu lần này Liên quân Mỹ tấn công để nhằm đạt mục tiêu quân sự là đánh quỵ lực lượng Assad hoặc ít nhất là gây khó khăn, không cho quân đội Assad kết thúc chiến tranh Syria bằng chiến dịch Idlib?

Rõ ràng đây là ý đồ chiến lược của Mỹ, Mỹ không muốn kết thúc chiến tranh tại Syria, Mỹ tạo ra những áp lực, mâu thuẫn cho đến khi nào đạt được những gì Mỹ muốn có tại Syria. Do đó, mục tiêu chính đòn tấn công lần này là quân sự nhằm vào quân đội Syria (SAA).

Tuy nhiên, ý đồ là một chuyện, thực hiện được hay không lại là chuyện khác, nó phụ thuộc vào rất nhiều biến số…

1. Mỹ không nắm chắc được hệ thống phòng không, phòng thủ bờ biển của Syria đến mức nào, Nga sẽ trang bị đến đâu?

Có thể nói 2 đòn tấn công tên lửa vừa qua vào Syria hầu như không ảnh hưởng đến sức mạnh của SAA và Đông Ghouta vẫn bị thất thủ, nhưng nếu lần này, Mỹ muốn SAA bị tấn công để không đủ sức giải phóng Idlib, thì vấn đề lại khác.

Rõ ràng, một sự leo thang lớn với Syria chắc chắn có thể khiến các tàu hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải và không quân Anh-Pháp-Mỹ gặp nguy hiểm.

Tình báo quân sự Mỹ, sỹ quan tham mưu quân đội Mỹ không biết những gì mà hệ thống phòng thủ Syria đã có trong tay hoặc phần cứng quốc phòng hiện đại nào đã được Nga cung cấp cho họ.

Sự thật là hệ thống phòng thủ từ mặt đất đến không trung của Syria đã được chứng tỏ trong đợt tấn công ngày 14/4 vừa qua và các đợt thử của Israel, nhưng rách việc hơn là liệu hệ thống phòng thủ mặt đất ra biển của Syria có được nâng cấp không?

Iran đã công khai cung cấp vũ khí phòng không tương đương với S-300 cho Syria, nhưng, nếu như ai đó nghĩ rằng, quân đội Syria chưa có S-300 của Nga, chưa có Bastion-P và nếu có thì chưa đủ để sẵn sàng trực chiến với các thứ này là ngoại đạo, là người "đánh cờ nước một".

Tấn công Syria – Mỹ phải suy nghĩ 2 lần: Leo thang càng cao, ngã càng đau! - Ảnh 3.

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt phiến quân khủng bố ở Syria.

Người Nga đã phẫn nộ đòi bố trí vũ khí hạt nhân (VKHN) chiến thuật tại Syria khi Liên quân Mỹ khiêu khích dàn dựng "Syria sử dụng VKHH" thì S-300, Bastion-P… là chuyện nhỏ.

Vấn đề là Nga-Syria quản lý nó như nào, khi nào thì tuyên bố, khi nào thì SAA được quyền sử dụng lại phụ thuộc vào hành động quân sự của Mỹ đã đụng đến "giới hạn đỏ" hay chưa mà thôi.

Nếu như Nga không còn quản lý phản ứng của Syria, nếu Syria bị buộc phải đáp trả thì điều gì sẽ xảy ra khi một tàu chiến Mỹ bị đánh chìm? Liệu Mỹ có tiếp tục leo thang hay rút lui?

Rút lui thì quá mất mặt, nhưng leo thang trong giới hạn không để đụng với Nga thì Mỹ có "vui lòng" chấp nhận trò chơi "Nga đánh Mỹ bằng quân đội Syria" hay không?

Tóm lại, nếu tấn công quy mô khác với đòn ngày 14/4 nhằm mục tiêu quân sự là ngăn chặn SAA tấn công Idlib kết thúc chiến tranh thì giới tinh hoa quân sự, chính trị Mỹ nên "suy nghĩ 2 lần". Do đó, ngăn chặn được đòn tấn công quy mô lớn của Liên quân Mỹ chỉ có thể là Syria.

Tấn công Syria – Mỹ phải suy nghĩ 2 lần: Leo thang càng cao, ngã càng đau! - Ảnh 4.

Những vị trí và thời gian các lực lượng Nga tiến hành bắn đạn thật trong tập trận trên biển Địa Trung Hai.

2. Yếu tố thứ hai, thật trớ trêu, theo logic lại là... Israel

Sự hiện diện của Israel như là một "hàng xóm" phía Nam của cả Syria và Lebanon đã vô tình biến đổi phương trình tấn công của Mỹ bằng một biến số "trả đũa".

Nước Mỹ biết rõ rằng, bất kỳ một cuộc tấn công toàn diện, quy mô lớn với tất cả sức mạnh nào của Mỹ vào Syria nhằm đạt mục tiêu quân sự thì đều khiến Israel bị nguy cơ trả thù của Iran-Hezbollah và Syria là rất lớn và không thể tránh khỏi, không nơi nào ở Israel sẽ được an toàn.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel như Patriot và những thứ tương tự, đến cái gọi là lá chắn "Iron Dome"… trong một cuộc chiến toàn diện với cả Hezbollah và Syria khi địa lý quá gần, khi số lượng tên lửa quá nhiều thì các hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ hoàn toàn vô dụng.

Vì vậy, trừ khi Mỹ chấp nhận đối đầu với Nga, trừ khi Mỹ không còn quan tâm, bảo vệ an ninh Israel và, đó là lúc khi giới vận động hành lang người Do Thái ở nước Mỹ đã vô dụng, giới tinh hoa Do Thái trong "Deep State" Mỹ đã suy yếu…

Quả thật đáng lo ngại cho Israel khi tình thế quân sự khu vực hiện nay đã không còn như xưa, thời Israel một mình đánh lại tất cả, ngày nay đã khác, để đối đầu với Iran, Hezbollah và quân đội Syria không phải là chuyện dễ dàng, Israel không thể sử dụng VKHN ngay biên giới của mình…

Nhưng thật may mắn cho Israel, Mỹ không đủ mạo hiểm đối đầu trực tiếp với Nga và cũng không dám đặt Israel vào đường nguy hiểm. Sự mất mát sẽ xảy ra mà Israel phải gánh chịu sẽ là kết quả trực tiếp và dứt khoát của bất kỳ đòn tấn công quy mô lớn nào của Mỹ vào Syria.

Cuối cùng, nếu Liên quân Mỹ có tấn công vào Syria thì quy mô, tính chất như trận ngày 14/4/2018 là đôi bên có thể chấp nhận… sau khi đã có sự thỏa thuận hoặc sẽ không thể nào có vụ "Syria sử dụng VKHH". Điều đó có nghĩa là "Mỹ đã có được những gì ở Syria mà Mỹ muốn".

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Su-34 KQ Nga ném bom ở Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại