Lễ bàn giao sẽ được tổ chức ở nhà máy lắp ráp F-35 tại thành phố Forth Worth, bang Texas. Sau đó, máy bay được vận chuyển đến Căn cứ Không quân Luke, bang Arizona, nơi 2 phi công của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đang được huấn luyện.
Theo kế hoạch, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bay hai chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 này về nước, với sự hỗ trợ của một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu trên không.
Máy bay F-35A được Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua để thay thế các máy bay chiến đấu thế hệ cũ cũng do Mỹ sản xuất như F-4 Phantom và F-16 Fighting Falcon. Ankara dự định sẽ được đưa F-35 vào hoạt động vào tháng 11-2019, sau khi chương trình huấn luyện phi công hoàn tất.
Như vậy, Mỹ vẫn chuyển F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ dù từng đe dọa áp đặt lệnh cấm vận và hủy thỏa thuận bán loại tiêm kích này cho Ankara. Vào cuối năm ngoái, Lầu Năm Góc tuyên bố Italy và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được lựa chọn để trở thành các cơ sở kỹ thuật, cung cấp bảo dưỡng ban đầu cho F-35 và động cơ.
Mỹ đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ hợp đồng mua 30 máy bay F-35A và dự kiến đặt thêm 70 chiếc sau khi hoàn tất hợp đồng đầu tiên.
Thương vụ trên đã suýt "đổ vỡ" khi Mỹ có ý định dừng bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, do Washington muốn Ankara mua hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất thay vì mua tổ hợp S-400 của Nga.
Mỹ đã gây sức ép nhằm buộc Ankara phải từ bỏ S-400, trong đó đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu sự trừng phạt từ các quốc gia thành viên NATO khác cũng như S-400 không được phép kết nối vào mạng lưới phòng không chung.
Trong dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia, Hạ viện Mỹ cũng có ý định ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những biện pháp này không mang lại hiệu quả như mong muốn, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rất quyết tâm vừa mua F-35 của Mỹ, vừa hoàn thành hợp đồng mua sắm vũ khí với Nga.