Đến 2020, Việt Nam có thể mua bao nhiêu vũ khí Nga, có hợp đồng lớn nào không?

Bình Nguyên |

Báo cáo thường niên của Trung tâm phân tích Thị trường vũ khí thế giới Nga (ЦАМТО) cho biết trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam sẽ mua thêm nhiều vũ khí từ Nga.

Dự báo kim ngạch nhập khẩu vũ khí Nga của Việt Nam đến 2020

Bên cạnh việc thống kê giá trị các hợp đồng vũ khí trang bị mà các quốc gia nhập khẩu từ Nga giai đoạn 2009-2016 thì Trung tâm phân tích Thị trường vũ khí thế giới Nga (ЦАМТО) còn đưa ra dữ liệu dự báo kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Moscow trong vòng 4 năm tiếp theo (2017-2020).

Một lần nữa, Việt Nam lại có tên trong Top quốc gia nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất. Cụ thể, trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến sẽ chi khoảng 2,330 tỷ USD, thấp hơn khá nhiều so với mức 4,394 tỷ USD của giai đoạn kề trước đó (2013-2016).

Đến 2020, Việt Nam có thể mua bao nhiêu vũ khí Nga, có hợp đồng lớn nào không? - Ảnh 1.

Báo cáo thường niên của ЦАМТО dự báo về kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga.

Cụ thể, trong tổng số 2,330 tỷ USD Việt Nam dự kiến sẽ chi để mua vũ khí Nga trong giai đoạn 2017-2020 chi tiết như sau: Năm 2017: chi 1,210 tỷ USD; Năm 2018: chi 320 triệu USD; Năm 2019: không có giao dịch tài chính nào dự kiến được ghi nhận; Năm 2020: chi 800 triệu USD.

Với giá trị các hợp đồng mua sắm quốc phòng dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đứng trong Top 10 quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí của Nga nhất. Tuy nhiên thứ hạng sẽ giảm, Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 7 so với vị trí thứ 3 trong giai đoạn 2009-2016.

Điều này cũng dễ hiểu bời ngân sách chi cho nhập khẩu vũ khí từ Nga của Việt Nam cũng giảm khá mạnh, và tỷ trọng chỉ còn khoảng 4,40% so với tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga, bằng chưa tới một nửa so với con số 9,32% trong giai đoạn 2013-2016.

Đến 2020, Việt Nam có thể mua bao nhiêu vũ khí Nga, có hợp đồng lớn nào không? - Ảnh 2.

Việt Nam dự kiến sẽ đứng thứ 7 trong Top 10 quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí nhất của Nga giai đoạn 2017-2020.

Việt Nam sẽ mua vũ khí gì của Nga từ nay đến 2020?

Hiện nay Trung tâm phân tích Thị trường vũ khí thế giới Nga chưa công bố các loại vũ khí trang bị nào mà Việt Nam sẽ mua của Nga trong thời gian tới, mặc dù họ đã đưa ra con số dự báo về giá trị các hợp đồng.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục ưu tiên mua sắm các vũ khí thế hệ mới từ Nga như tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu, tàu hải quân, nhằm đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa theo ưu tiên đã xác định cho các lực lượng là Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân và Lực lượng tác chiến điện tử.

Trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo Nga đang đàm phán cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho một số quốc gia ở Trung Đông và Đông Nam Á.

Đến 2020, Việt Nam có thể mua bao nhiêu vũ khí Nga, có hợp đồng lớn nào không? - Ảnh 3.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 do Nga chế tạo.

Mặc dù không nhắc trực tiếp tới Việt Nam nhưng các chuyên gia quốc tế cho rằng có thể Moscow và Hà Nội đang thảo luận về khả năng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400. Chưa rõ hợp đồng sẽ được ký trong thời gian sắp tới hay không.

Nhìn vào con số cụ thể thì ít có khả năng Việt Nam và Nga sẽ thỏa thuận các hợp đồng lớn như thương vụ mua 6 tàu ngầm Kilo-636 mà theo một số nguồn tin có trị giá tới khoảng hơn 2 tỷ USD ký hồi năm 2011.

Theo một số chuyên gia, việc giảm mua sắm vũ khí từ Nga trong thời gian tới có thể bởi 1 trong 2 hoặc cả 2 nguyên nhân quan trọng sau:

Thứ nhất, sau khi mua một số lượng vũ khí hiện đại đáng kể trong giai đoạn 2009-2016, tiềm lực quốc phòng của Việt Nam đã được cải thiện và tăng lên rõ rệt, chưa cần thiết phải có ngay những hợp đồng lớn tiếp theo. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ ưu tiên ngân sách cho phát triển kinh tế để tạo động lực và tích lũy cho các đợt mua sắm lớn sẽ diễn ra sau năm 2020.

Thứ hai, Việt Nam sẽ đa dạng hóa nguồn cung vũ khí hiện đại, không dựa quá nhiều vào nguồn từ Nga nữa, mặc dù Moscow vẫn sẽ là đối tác truyền thống, đặc biệt tin cậy trong hàng chục năm nữa của Việt Nam.

Việc Mỹ "bật đèn xanh" cho phép Việt Nam tiếp cận các nguồn cung vũ khí mới (từ Mỹ, Israel ahy các nước phát triển phương Tây khác) chắc chắn Hà Nội sẽ cân nhắc bởi đây là nhu cầu tất yếu, nhất là khi có nhiều lựa chọn hơn.

Đồng thời, xu thế này sẽ cải thiện dần dần vị thế địa - chính trị - quân sự - kinh tế của Việt Nam trên trường quốc tế, cả trong khu vực lẫn thế giới.

Tất nhiên, sẽ chưa có ngay các hợp đồng mua sắm quốc phòng lớn mang tính đột biến với phương Tây trong thời gian ngắn sắp tới bởi tiềm lực kinh tế của Việt Nam có hạn, trong khi vũ khí phương Tây thường khá đắt đỏ và phải mất thời gian chuyển loại, làm chủ lâu hơn nhiều so với các sản phẩm của Nga.

Tên lửa phòng không S-400 Nga thực hành bắn đạn thật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại