Reuters: Mỹ trừng phạt Nga xuất khẩu vũ khí khiến nhiều đồng minh "vạ lây"

Anh Tú |

Theo Reuters, việc Mỹ áp lệnh trừng phạt Nga xuất khẩu vũ khí khiến nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ khi mua trang thiết bị quân sự từ Nga cũng phải gánh chịu tác động không nhỏ.

Theo một đạo luật được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành tháng 8/2017, các đối tác giao dịch với các cơ quan tình báo và quốc phòng Nga cũng có thể phải đối diện với trừng phạt.

Đạo luận này được xây dựng với mục đích trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin sau hành động sát nhập Crimea năm 2014, sự can dự vào cuộc nội chiến ở Syria và những liên quan tới cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Thế nhưng, theo Reuters, hệ quả dây chuyền là các đồng minh và đối tác của Mỹ khi mua vũ khí và trang thiết bị quân sự từ Nga - nước xuất khẩu vũ trang lớn thứ hai thế giới, cũng sẽ phải gánh chịu tác động không nhỏ.

Ví dụ điển hình nhất là Ấn Độ, quốc gia đang muốn mua các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 với kỳ vọng sẽ giúp New Delhi thay đổi cuộc chơi.

S-400 được đánh giá là hệ thống có thể đối phó với các tên lửa đạn đạo và máy bay tàng hình mà Trung Quốc đang phát triển, đồng thời cũng giúp New Delhi đạt được vị thế áp đảo các khả năng của Pakistan - một đối thủ lớn khác nữa của Ấn Độ.

Theo các quan chức Ấn Độ, ý định trên, được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí đưa vào thỏa thuận hợp tác liên chính phủ năm 2016, đã rất nhanh chóng bị Mỹ áp luật trừng phạt.

Một số trường hợp khác, chẳng hạn như Indonesia, nước mua các vũ khí của Nga nhưng đồng thời cũng là những đối tác khu vực quan trọng của Mỹ. Jakarta vừa ký hợp đồng trị giá 1,14 tỷ USD mua các máy bay chiến đấu Sukhoi.

Nhưng khi cả Tập đoàn Almaz-Antey, đơn vị chế tạo S-400 và Rosoboronexport, tổ chức chuyên đàm phán các hợp đồng xuất khẩu của Nga đều nằm trong danh sách bị trừng phạt thì những thỏa thuận trên càng trở nên khó khăn hơn.

Reuters: Mỹ trừng phạt Nga xuất khẩu vũ khí khiến nhiều đồng minh vạ lây - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ S-400 của Nga tại căn cứ không quân Hmeimim ở Syria. Ảnh BQP Nga

Tác động sâu rộng tới chính các đối tác Mỹ

Tác động từ luật trừng phạt của Mỹ có thể còn sâu rộng hơn dự kiến, Cara Abercrombie, học giả thỉnh giảng Quỹ Carnegie vì Hòa Bình Quốc tế nhận xét.

Indonesia cho biết, việc chuyển giao cặp Sukhoi Su-35 đầu tiên trong số 11 chiếc vẫn đang diễn ra đúng kế hoạch trong năm nay. Các quan chức Indonesia nói rằng, tới thời điểm hiện tại, họ không nhìn thấy bất kỳ thay đổi nào trong thỏa thuận với Nga.

Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Indonesia lại từ chối tiết lộ họ sẽ làm gì để đối phó với hậu quả do cấm vận xuất khẩu vũ khí Nga mang lại.

Reuters: Mỹ trừng phạt Nga xuất khẩu vũ khí khiến nhiều đồng minh vạ lây - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-35S của Nga

Vấn đề gai góc khó giải quyết

Theo một quan chức Ấn Độ, tháng trước, Ngoại trưởng nước này Vijay Gokhale và Bộ trưởng Quốc phòng Sanjay Mitra đã có các cuộc thảo luận với giới chức Mỹ ở Washington để tìm kiếm giải pháp.

Vấn đề này đặc biệt quan trọng với Quân đội Ấn Độ vì không các các bộ phận, nguồn cung trang thiết bị và sự hỗ trợ bảo trì từ Nga thì "các tàu chiến của chúng tôi không thể ra khơi, các máy bay không thể cất cánh", vị quan chức Ấn Độ nói. "Chúng tôi khó có thể thể trở thành đối tác bảo đảm an ninh khu vực như Mỹ mong muốn".

Có một cách để tránh được các lệnh trừng phạt thứ cấp là Mỹ sẽ đưa ra quyết định cho rằng Ấn Độ đang giảm bớt sự lệ thuộc vào vũ khí Nga, Atman Trivedi, Giám đốc điều hành Hills & Company, hãng tư vấn thương mại và đầu tư quốc tế có trụ sở ở Washington bình luận.

Trong 5 năm qua, Nga chiếm giữ 62% tổng số lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ, đã giảm so với 79% giai đoạn 2008-2012, Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm cho biết trong một báo cáo đưa ra hồi tháng trước.

Chính quyền Mỹ cũng có thể tuyên bố rằng các trừng phạt áp đặt với Ấn Độ - một đối tác quốc phòng lớn, sẽ làm tổn hại tới lợi ích quốc gia của Mỹ. Điều này cho phép Ấn Độ nhận được quyền miễn trừ để vẫn có thể giao dịch với Nga.

Mỹ nổi lên là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ, đạt 15 tỷ USD trong thập kỷ qua. Hiện Lockheed Martin và Boeing đang cùng chạy đua để cung cấp cho Ấn Độ một phi đội máy bay chiến đấu mới.

"Đạo luật ban hành không nhằm mục đích làm gián đoạn các quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn, điều mà Quốc hội đã thừa nhận bằng luật pháp, rằng đây là một ưu tiên chiến lược đối với Mỹ", Benjamin Schwartz, Trưởng phòng Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng của Hội đồng kinh doanh Mỹ - Ấn nhận xét.

Học giả Abercrombie của Quỹ Carnegie nói thêm, nếu Quốc hội Mỹ miễn trừ cho Ấn Độ thì họ cũng cần phải làm như vậy với các quốc gia khác như Indonesia.

"Điều mấu chốt ở đây là: Ấn Độ tránh được các lệnh trừng phạt thứ cấp này thì bất kỳ nước nào mà Mỹ đang thúc đẩy các quan hệ quốc phòng mới, có tầm quan trọng chiến lược cũng phải được hưởng quy chế tương tự".

Hệ thống phòng không Pantsir-S2 và S-400 Triumph của Nga tại căn cứ Khmeimim

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại