Tác chiến tạo thế và cơ động cho Chiến dịch Hồ Chí Minh

HOÀNG HỒNG PHƯƠNG |

Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch tiến công giải phóng Huế-Đà Nẵng (tháng 3-1975), cục diện chiến tranh thay đổi căn bản, nghiêng hẳn về phía ta.

Trong cuộc họp ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị Đảng ta khẳng định: "Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam". Sau đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm mở chiến dịch tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn.

Đến ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị đồng ý đề nghị của Bộ tư lệnh chiến dịch, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Để đi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, huy động tổng lực toàn dân tộc, tiến công và nổi dậy, cơ động thần tốc, táo bạo, tiến hành tác chiến tạo thế chiến lược, áp sát Sài Gòn, bảo đảm cho thắng lợi của chiến dịch.

Tác chiến tạo thế và cơ động cho Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh chiếm dinh tỉnh trưởng Phan Rang, mở đường tiến quân về giải phóng Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Sau khi thất thủ ở Tây Nguyên, Huế và Đà Nẵng, quân đội ngụy Sài Gòn gấp rút lập tuyến ngăn chặn từ xa ở Phan Rang; củng cố tuyến phòng thủ Xuân Lộc, ngăn chặn cửa ngõ phía đông Sài Gòn; củng cố phòng thủ trục đường số 4 để không bị chia cắt Sài Gòn với Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời tăng cường phòng thủ vững chắc Sài Gòn.

Về ta, phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, quân và dân Nam Bộ mở hàng loạt các trận chiến đấu giải phóng Dầu Tiếng, Chơn Thành, An Lộc, mở ra vùng giải phóng rộng lớn ở phía bắc và tây bắc Sài Gòn, nối thông với tuyến đường chiến lược Đông Trường Sơn.

Phía Tây Ninh, ta mở thông tuyến hành lang Bến Cầu-Kiến Tường, tạo điều kiện đưa lực lượng chiến dịch xuống uy hiếp tây nam Sài Gòn. Trên tuyến đường 20 (Sài Gòn-Đà Lạt), Quân đoàn 4 giải phóng Di Linh, Bảo Lộc… Đến ngày 9-4-1975, Quân đoàn 4 nổ súng tiến công Xuân Lộc.

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 5-4-1975, Quân đoàn 2 được tăng cường Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và Trung đoàn 25 Mặt trận Tây Nguyên, được lệnh cơ động theo Quốc lộ 1 về phía Nam.

Vừa cơ động vừa đánh địch, Quân đoàn 2 đã vượt qua gần 1.000km, lần lượt đánh chiếm Phan Rang, Sân bay Thành Sơn, tiêu diệt bộ tư lệnh tiền phương quân đoàn 3 và tuyến phòng thủ của địch.

Trên đà thắng lợi, Quân đoàn 2 thần tốc tiến đánh giải phóng thị xã Phan Thiết, Hàm Tân. Đến ngày 19-4-1975, một bộ phận tiến quân của Quân đoàn 2 đã đến Rừng Lá, uy hiếp Xuân Lộc, khiến địch phải rút chạy khỏi Xuân Lộc, mở được cánh cửa ở phía đông Sài Gòn, tạo thế tiến công rất hiểm yếu vào Sài Gòn.

Ngày 24-4-1975, Quân đoàn 2 đã đến gần Biên Hòa, Bà Rịa. Quá trình hành quân cơ động, Quân đoàn 2 sử dụng 1.600 xe máy trong biên chế và thu được của địch, cùng 770 xe của Đoàn 559 tăng cường để hành quân.

Ngoài ra, Quân đoàn 2 còn tổ chức cho Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) hành quân cơ động bằng tàu, thuyền theo đường biển, từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn.

Quân đoàn 3 thành lập sau Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 28-3-1975 nhận lệnh tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Các đơn vị của Quân đoàn 3 chủ yếu ở Tây Nguyên, song còn có lực lượng ở đồng bằng ven biển.

Để cơ động vào Nam, Quân đoàn 3 sử dụng hơn 3.000 chuyến xe đi theo Quốc lộ 14 và 20, ngày 20-4 đã đến Dầu Tiếng và ngày 25-4, Sư đoàn 10 đến vị trí tập kết. Quá trình hành quân chiếm lĩnh trận địa, vào vị trí tập kết, Quân đoàn 3 đã đánh địch ở Đồng Dù, Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng, tạo thế cho Chiến dịch Hồ Chí Minh từ hướng tây bắc Sài Gòn.

Từ miền Bắc, Quân đoàn 1 cơ động bằng xe cơ giới, với 1.200 xe vận tải, hành quân xuyên qua đường Trường Sơn, tập kết ở Đồng Xoài ngày 25-4-1975. Ngoài ba quân đoàn còn có các đơn vị kỹ thuật và binh chủng thuộc bộ được tăng cường cho chiến dịch.

Các lực lượng công binh đã tổ chức bảo đảm tốt cầu, đường, bến phà vượt sông, khắc phục vật cản để các đơn vị quân đội hành quân thần tốc. Ở phía tây nam, Binh đoàn 232 (chủ lực miền) từ Tây Ninh xuống Tân An, Quốc lộ 4 đánh địch chia cắt Sài Gòn với Đồng bằng sông Cửu Long và uy hiếp Sài Gòn từ phía tây nam và phía nam.

Đến ngày 25-4-1975, các quân đoàn, binh đoàn tham gia chiến dịch và đơn vị chủ lực trên các hướng đã vào vị trí tập kết, triển khai, sẵn sàng nổ súng. Bằng sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, tổ chức đánh những đòn tạo thế và kết hợp nổi dậy của quần chúng nhân dân, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi triệt để, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại