Đối đầu Trung-Mỹ: Washington phải cẩn thận, Trung Quốc vẫn còn vương bài giấu kín?

Thủy Thu |

Theo chuyên gia, Trung Quốc sẽ không ngay lập tức dùng con bài này để kết thúc mâu thuẫn mà sẽ sử dụng khôn khéo hơn ở thời điểm thích hợp.

Vương bài giấu kín

Giới đầu tư toàn cầu đã bắt đầu lo lắng khi cuộc đối đầu thương mại Trung-Mỹ có nguy cơ lan sang lĩnh vực dầu khí. Theo đánh giá, nếu cục diện tiếp tục leo thang căng thẳng, ngành dầu khí, khí đốt của Mỹ có thể sẽ nối tiếp các sản phẩm nông nghiệp, bị kéo vào cuộc chiến đầy cam go.

Ông Olivier Jakob, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Petromatrix nhận định, nếu chiến tranh thương mại Trung-Mỹ tiếp tục kéo dài, "Trung Quốc sẽ 'ném bom' vào các dự án nhập khẩu dầu thô từ Mỹ, như vậy, giá dầu sẽ đối diện với nhiều nguy cơ". Trong năm 2017, Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai của Mỹ, sau Canada về nhập khẩu dầu thô. Đầu năm 2018 - khi mâu thuẫn thương mại chưa xảy ra, Bắc Kinh dự định tăng hóa đơn nhập khẩu bằng cách mua 10 triệu tấn dầu thô của Mỹ.

Giới quan sát thị trường cho rằng, bất kể biện pháp áp thuế quan nào đối với dầu thô của Bắc Kinh đều sẽ ảnh hưởng đáng kể đến Washington, đặc biệt tới giá dầu của Mỹ cũng như giá dầu toàn cầu.

Đối đầu Trung-Mỹ: Washington phải cẩn thận, Trung Quốc vẫn còn vương bài giấu kín? - Ảnh 1.

Trung-Mỹ liên tục có những đòn ăn miếng trả miếng trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Ảnh: Tân Hoa Xã

"Nếu Trung Quốc sẵn sàng tấn công vào xuất khẩu dầu thô của Mỹ, tác động đến tính thanh khoản của thị trường dầu thô sẽ tương đương với tác động dự kiến của hiệp ước hạt nhân Iran của Mỹ", Olivier Jakob nói.

"Bất cứ lúc nào, Trung Quốc cũng có thể hủy các đơn hàng nhập khẩu dầu thô từ Mỹ, bởi ngoài Mỹ, Trung Quốc có nhiều nhà cung ứng khác - như Nga, Ả rập Saudi, Angola, Iraq, Iran, Oman. Trong khi đối với Mỹ, năng lượng là một chủ đề nhạy cảm", ông Will Yun, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa tại Hàn Quốc cho rằng, hai nước có thể đạt được một thỏa thuận chung. "Trung Quốc có thể chưa dùng năng lượng ngay lập tức để kết thúc mâu thuẫn mà họ sẽ dùng con bài này một cách khôn khéo hơn".

Chiều ngày 4/4, Trung Quốc đã giáng đòn đáp trả động thái áp thuế quan trước đó đối với hàng hóa nước này của Mỹ. Thông qua sự phê chuẩn của Quốc vụ viện, Bắc Kinh sẽ áp thuế quan 25% đối với 106 mặt hàng của Mỹ, trong đó có đậu tương, xe hơi và hóa chất.

"Ăn miếng trả miếng", ngày 6/4, Nhà Trắng tuyên bố xem xét đánh thêm 100 tỷ USD cho hàng hóa Trung Quốc.

Min Byungkyu, một nhà phân tích chiến lược toàn cầu cho rằng, nếu Trung Quốc sẵn sàng áp đặt thuế quan đối với dầu thô, nó sẽ gây ra những cú sốc trên thị trường.

3 kết cục dự kiến của đối đầu thương mại Trung-Mỹ

Trước diễn biến căng thẳng của cuộc đối đầu thương mại Trung-Mỹ, giới phân tích đã đưa ra ba kết quả dự kiến cho cuộc chiến này.

Thứ nhất, trong thời gian đầu, hai nước sẽ vừa đàm phán, vừa tung ra các đòn đáp trả lẫn nhau. Khi tác động quá nghiêm trọng khiến các sản phẩm đậu nành, xe hơi của Mỹ chịu thiệt hại lớn, tất yếu các tập đoàn sản xuất những sản phẩm này sẽ vận động chính phủ Mỹ. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, giới tài chính phố Wall chắc chắn sẽ lên tiếng phản đối cuộc chiến thương mại này.

Thứ hai, nếu tình hình mất kiểm soát, chiến tranh thương mại Trung Mỹ sẽ bùng nổ, trong đó Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra các đòn đánh vào tỷ giá hối đoái, các khoản vay của chính phủ Mỹ và hạn chế các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc.

Giới phân tích chỉ ra, nếu chiến tranh thương mại Trung-Mỹ leo thang thì cuối cùng hai nước đều sẽ thua cuộc. Tờ Financial Times từng nhận định, chính Tổng thống Donald Trump đã làm ngơ các nguy cơ khi tự tin khẳng định "sẽ dễ dàng chiến thắng trong cuộc chiến thương mại". Theo tờ này, những rủi ro do cuộc chiến tranh thương mại gây ra không chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế mà chiến tranh thương mại rất có thể khiến Trung-Mỹ rơi vào một cuộc chiến thực sự.

Thứ ba, một bộ phận ý kiến cho rằng, khả năng thứ ba của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ chính là sự nhượng bộ thực chất của Bắc Kinh dù bề ngoài thể hiện hai nước cùng nhượng bộ.

Ông Dennis Wilder, cựu Giám đốc cấp cao về châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống George W. Bush từng nhận định, đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu rằng, hành vi thương mại của chính phủ Tổng thống Trump có mối liên quan tới nền nội chính nước Mỹ, Bắc Kinh không muốn chọc giận khiến Nhà Trắng tăng cường động thái mạnh tay hơn.

Lo ngại trước nguy cơ đối đầu thương mại Mỹ - Trung

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại